Bảo đảm an ninh hàng hải là nhiệm vụ quan trọng |
Xử lý hiệu quả vụ việc liên quan khủng bố, cướp biển
Thời gian qua, các đơn vị ngành Hàng hải đã chủ động xây dựng kế hoạch bảo đảm an ninh hàng hải và ký kết quy chế phối hợp với các cơ quan đơn vị liên quan, bảo đảm vùng biển Việt Nam luôn là điểm đến an toàn, an ninh. Các vụ việc liên quan đến cướp biển, khủng bố đều được Cục Hàng hải VN, các đơn vị chức năng của Việt Nam xử lý kịp thời, hiệu quả.
Có thể kể đến vụ việc xảy ra hồi tháng 11/2012, tàu chở dầu Zafirah (quốc tịch Malaysia) trên đường từ Cảng Pasir Gudang đến Cảng Miri (đều thuộc Malaysia) bị 11 tên cướp biển có trang bị dao và súng ngắn tấn công. Sau một thời gian khống chế tàu, nhóm cướp biển đã thả 9 thuyền viên trên tàu Zafirah xuống xuồng cứu sinh.
Cục Hàng hải VN phối hợp với các lực lượng chức năng của Bộ Công an, Quốc phòng trong công tác bảo đảm an ninh hàng hải; Thường xuyên, định kỳ tổ chức diễn tập phòng, chống khủng bố an ninh cảng biển, Tuyên truyền phổ biến pháp luật về an ninh hàng hải, nâng cao ý thức bảo đảm an ninh hàng hải và phòng, chống khủng bố của các cán bộ làm công tác bảo đảm an ninh hàng hải, Sỹ quan an ninh cảng biển, Sỹ quan an ninh tàu biển, chủ tàu, doanh nghiệp cảng... Đào tạo, huấn luyện cán bộ an ninh của các đơn vị, các doanh nghiệp cảng. Cục Hàng hải VN đã đầu tư các trang thiết bị giám sát hành trình, nhận dạng tự động và VTS để giám sát theo dõi tàu thuyền hoạt động trong vùng biển VN và tàu thuyền VN hoạt động trên thế giới nhằm phát hiện kịp thời các trường hợp nghi vấn. |
Các thuyền viên này sau đó được tàu cá BV92350 của Việt Nam cứu đưa vào bờ an toàn. Tàu Zafirah sau đó bị cướp đổi tên thành MD FEAHORSE và tiếp tục hành trình về phía Việt Nam. Ngày 22/11/2012, phát hiện sự khả nghi của con tàu này, Cục Hàng hải VN đã phối hợp chặt chẽ cung cấp thông tin cho lực lượng Cảnh sát Biển tiến hành bắt giữ thành công 11 tên cướp biển.
Việc bắt giữ nhóm cướp biển và giải cứu thành công các thuyền viên tàu Zafirah đã được cộng đồng hàng hải quốc tế đánh giá cao. Lực lượng an ninh của Việt Nam nói chung, ngành Hàng hải nói riêng đã rất nhạy bén, xử lý chính xác và chuyên nghiệp vụ việc.
Vụ giải cứu thứ hai cũng được cộng đồng hàng hải quốc tế đánh giá cao khi ngày 11/6/2015, tàu Orkim Harmony (quốc tịch Malaysia) cũng bị nhóm cướp biển 10 tên quốc tịch Indonesia trang bị dao và súng ngắn tấn công. Sau khi khống chế các thuyền viên tàu Orkim Harmony, nhóm cướp biển ra hiệu cho hai tên còn lại điều khiển xuồng cao tốc trở lại tàu kéo, về Indonesia tìm mối tiêu thụ hàng vừa cướp được. 8 tên còn lại tiếp tục khống chế, yêu cầu thuyền trưởng tàu Orkim Harmony điều khiển tàu đi lòng vòng từ ngày 11-17/6/2015 để tránh bị phát hiện và đợi người đến mua xăng.
Một tuần sau, nhóm cướp biển bị lực lượng chức năng Malaysia phát hiện truy đuổi. Khoảng 20h ngày 18/6, lợi dụng đêm tối, chúng hạ xuồng cứu sinh trên tàu Orkim Harmony để trốn chạy và đã bị lực lượng chức năng của Việt Nam bắt giữ.
Chủ động phương án
Theo báo cáo hàng năm của Ban Thư ký Hiệp định Hợp tác Khu vực về chống trộm cắp và trộm cắp có vũ trang tấn cống tàu thuyền ở châu Á (ReCaap), Việt Nam vẫn bị ghi nhận có một số vụ mất an ninh. Tuy nhiên, đa phần những vụ việc này ít nghiêm trọng và trộm cắp vặt. Các khu vực thường xuyên xảy ra hiện tượng trộm cắp khi tàu biển đang ở các vùng neo, đậu tại các vùng neo và các cảng biển các tỉnh: Quảng Ninh, Hải Phòng, Vũng Tàu và TP.HCM. Các đối tượng lợi dụng sự chủ quan của thuyền viên, dùng tàu gỗ nhỏ tiếp cận tàu với vũ khí thô sơ lên tàu lấy trộm và bỏ chạy khi bị phát hiện. Rất nhiều vụ thuyền viên của tàu không báo cáo các cơ quan có liên quan của Việt Nam về vụ việc mà tàu thường gửi báo cáo tới Cục Hàng hải quốc tế (IMB) có trụ sở tại Malaysia sau khi tàu rời khỏi Việt Nam gây khó khăn trong việc điều tra làm rõ nguyên nhân của vụ việc. Cũng không loại trừ một số trường hợp thuyền viên tàu nước ngoài bán vật tư của tàu cho các đối tượng Việt Nam, sau đó dựng chuyện trộm cắp để miễn trừ trách nhiệm cho mình.
Cùng đó, vẫn còn những tồn tại trong bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải. Hầu hết các doanh nghiệp cảng biển, phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng phục vụ công tác tuần tra, kiểm soát an ninh còn hạn chế. Hầu hết các cảng biển Việt Nam chưa có máy soi quét, kiểm soát người ra vào cảng, máy soi chiếu phát hiện vũ khí, thuốc nổ. Các cơ quan quản lý an ninh như: Cảng vụ Hàng hải, Cục Hàng hải VN còn nhiều hạn chế về phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác tuần tra, giám sát bảo đảm an ninh hàng hải trong vùng nước cảng biển.
Để tiếp tục tăng cường đảm bảo an ninh hàng hải, phòng chống khủng bố, theo Phó cục trưởng Cục Hàng hải VN Nguyễn Hoàng, Cục Hàng hải VN đã kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố, rà soát việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn hàng hải, an ninh hàng hải của các đơn vị, tổ chức đánh giá việc thực hiện Bộ luật An ninh tàu biển và cảng biển (Bộ luật ISPS).
Từ khi Bộ luật ISPS được triển khai, tình hình an toàn, an ninh của các bến cảng và cảng biển luôn được bảo đảm, chưa để xảy ra sự cố an ninh trong vùng nước cảng biển. Việc này được Tổ chức hàng Hải quốc tế (IMO), Tổ chức Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và Cơ quan Phòng vệ bờ biển Mỹ định kỳ kiểm tra và đánh giá rất cao. Công tác phòng, chống khủng bố trong lĩnh vực hàng hải được triển khai tốt và được Bộ Công an đánh giá cao và khen thưởng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận