Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì Phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hàng hải VN, sáng 8/4/2015 |
Tròn nửa thế kỉ dũng cảm, sáng tạo, vượt khó, CBVCLĐ Cục Hàng hải Việt Nam đã đóng góp nhiều công sức nối liền mạch máu giao thông, kiến thiết hệ thống GTVT hàng hải của đất nước ngày càng hoàn thiện, hiện đại, hội nhập với quốc tế, góp phần đưa đất nước phấn đấu trở thành quốc gia biển giàu mạnh…
Vượt lên mọi thử thách
Bước vào giai đoạn ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, năm 1965 Hội đồng Chính phủ quyết định thành lập Cục Vận tải đường biển Việt Nam (tiền thân của Cục Hàng hải Việt Nam) với chức năng trực tiếp quản lý và điều hành cơ sở vật chất của ngành hàng hải, đáp ứng đòi hỏi to lớn của đất nước.
Những năm tháng chiến tranh, vận tải đường biển là cửa ngõ sống còn để tiếp nhận và vận chuyển hàng hóa viện trợ, lương thực, vũ khí phục vụ xây dựng CNXH ở miền Bắc, chi viện chiến trường giải phóng miền Nam. CBVCLĐ của ngành Vận tải đường biển đã không quản gian khổ, hy sinh, vượt qua phong tỏa bằng thủy lôi từ tính và bom từ trường dày đặc của Mỹ, đưa hàng hóa ra vào cảng Hải Phòng, các cảng biển miền Trung và tiền tuyến miền Nam, mà Chiến dịch vận tải VT5 (chữ viết tắt của 6 từ “VẬN TẢI TRANH THỦ TỤT THANG”), là một kỳ tích tiêu biểu trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã trao tặng ngành Hàng hải Việt Nam nhiều danh hiệu cao quý như: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương độc lập các hạng; Huân chương kháng chiến các hạng cùng nhiều phần thưởng cao quý khác. |
Năng động, mưu trí, dũng cảm, vượt khó khăn để kết nối giao lưu hàng hóa với bạn bè thế giới, lực lượng vận tải chủ lực lúc bấy giờ là Công ty Vận tải biển Việt Nam (VOSCO) được thành lập tháng 7/1970, từ bốn công ty tàu thuyền trước đó, đã tổ chức các tuyến vận tải Hải Phòng - Hongkong, Hải Phòng - Quảng Châu, với đội hình 217 tàu mà tổng trọng tải chưa đến 35 nghìn tấn và tàu lớn nhất chỉ 3.500 tấn.
Từ sau ngày thống nhất đất nước, ngành Hàng hải cùng cả nước hàn gắn vết thương chiến tranh, tổ chức lại sản xuất, đẩy mạnh đầu tư, ứng dụng các tiến bộ KHKT, mở rộng giao lưu kinh tế trong và ngoài nước. Tinh thần tiên phong, đi đầu trong mở cửa, đổi mới là nét nổi bật ngành Hàng hải Việt Nam.
Là ngành mang tính quốc tế hóa cao, Cục Hàng hải Việt Nam đã tham mưu, đề xuất trình Bộ GTVT, Chính phủ ký kết để Việt Nam tham gia các công ước quốc tế về hàng hải. Đồng thời tích cực triển khai, áp dụng các yêu cầu của điều ước hàng hải quốc tế, các tiêu chuẩn về an toàn hàng hải và bảo vệ môi trường biển đối với đội tàu biển, cảng biển của Việt Nam.
Làm cơ sở cho điều hành hoạt động thương mại, đầu tư và hội nhập quốc tế, hệ thống pháp luật về hàng hải được nghiên cứu, ban hành rất sớm. Bộ luật Hàng hải Việt Nam ra đời năm 1990 là Bộ luật chuyên ngành đầu tiên của nước ta, sau này tiếp tục được cập nhật nâng lên thành Bộ luật Hàng hải năm 2005 và mới đây tiếp tục được hoàn chỉnh với Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Hàng hải, Ủy ban thường vụ Quốc hội đang thẩm tra, xem xét trình Quốc hội dự kiến ban hành vào cuối năm 2015.
Các dự án đầu tư, mở rộng cảng biển lớn, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến đã được triển khai từ những năm đầu mở cửa và đang tiếp tục được đầu tư trên cơ sở Quy hoạch cảng biển đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1037 ngày 24/6/2014. Cơ sở hạ tầng hàng hải đến nay tương đối được hoàn thiện với 44 cảng biển (219 bến cảng lớn nhỏ) và 42 tuyến luồng hàng hải, hàng năm đón nhận trên 120 nghìn lượt tàu biển ra vào, bốc xếp hàng hóa.
Đội tàu biển quốc gia phát triển với hơn 1.800 tàu hoạt động khắp nơi trên thế giới, đang được tái cơ cấu theo Quy hoạch vận tải biển đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số1517 ngày 26/8/2014.
Tham gia Công ước quốc tế về tìm kiếm, cứu nạn trên biển từ năm 2007, hệ thống đài thông tin duyên hải Việt Nam và lực lượng của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam hàng năm cứu và hỗ trợ hàng trăm vụ việc liên quan đến tai nạn, sự cố trên biển của tàu thuyền trong và ngoài nước, tạo ra môi trường hàng hải an toàn trên vùng biển trách nhiệm của Việt Nam.
Hàng hải cũng là ngành đi đầu cải cách hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp. Từ những năm 2000, Cục Hàng hải VN đã chủ trì triển khai thí điểm cải cách thủ tục hành chính tại cảng biển. Riêng năm 2014, Cục đã rà soát, đơn giản hóa 53% và đề xuất rút gọn còn 60 thủ tục hành chính. Đặc biệt, Cục Hàng hải VN còn là đơn vị đầu tiên tham gia kết nối giải quyết thủ tục hành chính qua Cổng thông tin điện tử Quốc gia, với 3 bộ thủ tục, gồm xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh được giải quyết một cửa trực tuyến, qua đó đã tiết kiệm thời gian và chi phí cho người dân và doanh nghiệp.
Với nỗ lực nhiều mặt, mặc dù kinh tế chung phục hồi chậm, song năm 2014, hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam đã đạt 370 triệu tấn, tăng 14% so với năm 2013, đã đạt 90% quy hoạch đến năm 2015, trong đó hàng container đạt 10,3 triệu TEUs, tăng 20,1%. Tổng sản lượng vận tải đội tàu Việt Nam đạt 98,5 triệu tấn.
Những hãng tàu lớn nhất thế giới vào làm hàng ở Tân Cảng |
Chính sách mạnh, đổi mới quyết liệt hơn
Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần thứ 4 Khóa X đã xác định mục tiêu đến năm 2020 là “phấn đấu đưa nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển và làm giàu từ biển”, đến năm 2020 kinh tế hàng hải đứng vị trí thứ hai (sau dầu khí) và sau 2020 vươn lên đứng vị trí thứ nhất.
Nhiệm vụ phía trước rất lớn, trong đó vai trò của quản lý nhà nước, của thể chế chính sách tạo đột phá phát triển, có tính chất quyết định rất lớn. Điều này đòi hỏi Cục Hàng hải Việt Nam phải đổi mới toàn diện, quyết liệt hơn.
Kỳ họp Quốc hội cuối năm nay, Bộ luật Hàng hải Việt Nam sửa đổi sẽ được đưa ra trình Quốc hội phê chuẩn. Những chủ trương, định hướng phát triển quan trọng, có tính đột phá của ngành đưa vào Dự thảo cơ bản đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, khi Bộ luật sửa đổi được thực thi sẽ là những đòn bẩy lớn thúc đẩy sự phát triển của ngành Hàng hải và là động lực cho phát triển kinh tế biển.
Quy định về Chính quyền cảng biển lần đầu tiên được đưa vào Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung Bộ Luật Hàng hải Việt Nam. Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đánh giá, đây là nội dung có tính đột phá lớn của Luật sửa đổi lần này. Có thể hiểu đây là một mô hình quản lý độc lập, vừa thực hiện chức năng quản lý nhà nước vừa có chức năng đầu tư kinh doanh, không nằm trong hệ thống các cơ quan quản lý hiện nay. Bất cập lớn nhất trong mô hình quản lý của chúng ta là có quá nhiều cơ quan có chức năng trong quy hoạch, cấp phép, quản lý cảng biển, song lại phối hợp thiếu đồng bộ, dẫn đến hoạt động kinh doanh cảng kém hiệu quả, năng suất hoạt động thấp, giá dịch vụ cao.
Quy hoạch tổng thể hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã đề cập vấn đề này. Đề án riêng cũng đã được Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ. Đây là mô hình rất hiệu quả, rất nhiều nước đang áp dụng thành công.
Vấn đề quan trọng nữa là chính sách xã hội hóa đầu tư, chính sách chuyển nhượng, cho thuê, nhượng quyền khai thác từng phần và toàn bộ hoặc các hình thức phù hợp khác đối với cảng biển và KCHT hàng hải được đầu tư bằng vốn ngân sách Nhà nước cũng đã được đưa vào Bộ luật Hàng hải sửa đổi. Điều này sẽ làm thay đổi cơ bản cơ cấu sở hữu, quản trị các kết cấu hạ tầng cảng biển với mục tiêu nâng cao năng suất và hiệu quả hoạt động kinh tế hàng hải.
Bộ luật Hàng hải lần này, được sửa đổi trên tinh thần của Hiến pháp mới, người dân, doanh nghiệp được làm tất cả những gì pháp luật không cấm và trên tinh thần công khai, minh bạch, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Đây là văn bản pháp lý quan trọng để thực thi Nghị quyết Trung ương về chiến lược phát triển kinh tế biển.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận