Thế giới giao thông

Hàng không Ấn Độ lo sân bay “vỡ trận”

16/02/2017, 07:25
image

GoAir cảnh báo nguy cơ khủng hoảng hàng không khi các sân bay Ấn Độ thiếu slot hạ/cất cánh, nhà ga quá tải.

Sân bay Mumbai luôn trong tình trạng đông nghẹt

Sân bay Mumbai luôn trong tình trạng đông nghịt.

Quá tải trong 3-5 năm nữa

Mới đây, giám đốc điều hành nhiều hãng hàng không Ấn Độ bao gồm: IndiGo, SpiceJet và GoAir cảnh báo nguy cơ khủng hoảng hàng không khi các sân bay Ấn Độ thiếu slot hạ/cất cánh, nhà ga quá tải trong bối cảnh các hãng hàng không đang lên kế hoạch đặt mua thêm nhiều máy bay vì nhu cầu hành khách ngày càng tăng cao. Các hãng hàng không: IndiGo, SpiceJet và GoAir đã đặt tổng cộng 880 máy bay để đáp ứng thị trường hàng không đang tăng trưởng 20%/năm nhờ thu nhập cải thiện và giá vé rẻ. Năm ngoái, lượng hành khách nội địa đạt đỉnh điểm 100 triệu lượt, trong đó hầu hết tăng trưởng đều liên quan tới các chuyến bay đến và đi tại các thành phố lớn nhất Ấn Độ.

Các hãng hàng không mới mở của Ấn Độ dự kiến cũng sẽ đặt mua thêm máy bay. Chẳng hạn, hãng Vistara có thể đặt tới 50 máy bay thân hẹp và 50 máy bay thân rộng trong năm nay, ông Kapil Kaul, Giám đốc Điều hành CAPA khu vực Đống Á cho biết. Hãng AirAsia của Ấn Độ cũng sẽ mở rộng dàn máy bay thêm 20 chiếc vào giữa năm 2018. Với mức độ tăng trưởng này, phần lớn trong số 40 sân bay lớn nhất tại Ấn Độ sẽ hoạt động quá tải so với hiệu suất thiết kế ban đầu, trong đó tình trạng quá tải tại Mumbai và Chennai sẽ diễn ra nhanh nhất, công ty tư vấn CAPA ước tính. Ông Kapil Kaul dự báo, hệ thống sân bay Ấn Độ sẽ quá tải trong vòng 3 - 5 năm nữa.

Ngoài ra, ông Sanjiv Kapoor, nhà chiến lược gia, thương mại tại Vistara, hãng hàng không liên doanh giữa Singapore Airlines và Tata Sons nhận định: “Hạ tầng tại nhiều sân bay lớn đều đã quá tải”. “Mọi người đang vồ vập, giành giật từng chỗ trống còn sót lại, sau này khi lượng máy bay càng nhiều thêm nữa, điều gì sẽ xảy ra?”, ông Kapoor bày tỏ lo ngại tại Hội nghị Hàng không ở Mumbai. Điển hình cho sự tắc nghẽn là các sân bay Mumbai. Theo Công ty tư vấn Martin, các máy bay tại đây có thể phải chờ đợi lên tới 45 phút mới được hạ cánh.

Các hãng hàng không Ấn Độ còn lo ngại tình trạng khủng hoảng sân bay sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận của hãng. CAPA ước tính, các hãng hàng không nước này sẽ thua lỗ từ 250 - 300 triệu USD trong năm nay vì cạnh tranh khốc liệt.

Mở cửa đầu tư, phát triển hạ tầng

Để giải quyết tình trạng quá tải sân bay, cho đến năm 2020, Chính phủ Ấn Độ sẽ mở cửa khoảng 50 sân bay đang không được sử dụng, đồng thời cấp phép để xây dựng 18 sân bay mới. Dự kiến, trong năm nay, Chính phủ mới bắt đầu mở thầu để khởi công xây dựng một sân bay mới bên ngoài TP Mumbai. Chính phủ vốn có kế hoạch xây dựng này nhưng liên tiếp bị trì hoãn suốt 20 năm nay.

Phó cục trưởng Tổng cục Hàng không dân dụng Jayant Sinha cho biết, Ấn Độ sẽ phải tăng hiệu suất sân bay lên gấp 3 trong 15 năm tới với chi phí lên tới 45 tỉ USD. Ông khẳng định, hầu hết vốn sẽ được kêu gọi từ nguồn tư nhân. Tuy nhiên, hiện nay, các đề xuất mở rộng, tăng năng suất sân bay của Ấn Độ đều bị trì hoãn vì chậm trễ trong giải phóng mặt bằng và yếu kém trong kêu gọi nguồn đầu tư của các nhà điều hành sân bay nội địa đang nợ nần chồng chất như GMR Group và GVK. Ngoài ra, Chính phủ chỉ cho phép nước ngoài sở hữu tối đa 49% cổ phần các hãng hàng không Ấn Độ nên ông Manish Sinha tại Công ty TNHH sân bay quốc tế GMR Hyderabad nhận định rằng: “Không ai đầu tư vào sân bay chừng nào Chính phủ mở cửa cho đầu tư vào hàng không”.

Trong nỗ lực khác để hấp dẫn đầu tư, năm ngoái, Ấn Độ cho phép các công ty nước ngoài đầu tư 100% vào các dự án cơi nới sân bay. Đến nay, đã có nhiều nhà khai thác như sân bay Changi của Singapore hứng thú đầu tư nhưng họ vẫn chần chừ vì chưa chắc chắn về hình thức chia sẻ lợi nhuận với Chính phủ.

Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.