Thế giới giao thông

Hàng không Anh lo lắng hậu Brexit

15/03/2017, 11:35

Các hãng hàng không tại Anh hối thúc Chính phủ nước này nhanh chóng đưa ra kế hoạch hoạt động, hạn chế rủi ro...

13

Các hãng hàng không tại Anh hối thúc Chính phủ nhanh chóng đưa ra kế hoạch hoạt động hậu Brexit

Hệ lụy không nhỏ

Việc Anh rời khỏi liên minh châu Âu (Brexit) đặt ra nhiều vấn đề cho ngành Hàng không khu vực này, nhất là các hãng hàng không giá rẻ như EasyJet hay Ryanair. Hãng Ryanair vốn đã thu hẹp dự đoán phát triển tại Anh sau khi có kết quả đồng ý Brexit. Hãng đã hạn chế dự đoán năng suất hoạt động từ 10% năm ngoái xuống còn 6% trong năm nay.

Ông Henrik Hololei, quan chức cấp cao về giao thông của Liên minh châu Âu nhận định: “Brexit sẽ hạn chế sự tự do của các hãng hàng không đang hoạt động trong và ngoài nước Anh. Không còn nghi ngờ gì nữa, ngành Hàng không sẽ phải đối mặt với rất nhiều hệ lụy từ Brexit”. Do đó, theo ông, ngành vận tải đặc biệt này cần phải xây dựng kế hoạch khẩn cấp.

Là thành viên của EU, Anh nằm trong thị trường hàng không chung của Châu Âu được thành lập từ những năm 90 của thế kỷ trước. Nhờ đó, các hãng hàng không của Anh nói riêng và các hãng hàng không trong khu vực này nói chung đều có quyền tự do bay đến và đi từ bất cứ nước nào trong khối.

Nay, với Brexit, Anh phải tái đàm phán để cho phép các hãng hàng không tiếp cận bầu trời châu Âu. Vấn đề khác đó là các hãng hàng không đang phải lên kế hoạch cho lịch trình bay trong mùa hè năm 2019 khi Anh đã ra khỏi Liên minh châu Âu ngay từ bây giờ.

Không chỉ vậy, với Brexit, hàng không Anh còn đối mặt với nhiều vấn đề như quyền hạ cánh, giấy phép hoạt động, quy định sở hữu. Khoảng 85% lưu lượng vận tải hàng không quốc tế của Anh đang hoạt động dựa trên các thỏa thuận quy định trong khối EU.

Hàng không sốt ruột

Lo ngại những ảnh hưởng rộng lớn này, các hãng hàng không Anh đang rục rịch chuẩn bị kế hoạch hậu Brexit, đồng thời kêu gọi Chính phủ đưa ra kế hoạch tổng thể để giảm thiểu rủi ro, thiệt hại. Mới đây, Giám đốc marketing của hãng Hàng không Ryanair, ông Kenny Jacobs kêu gọi Chính phủ Anh mau chóng công bố kế hoạch hành động sau khi Anh ra khỏi Liên minh Châu Âu vì thời hạn chuẩn bị lịch trình chuyến bay tại châu Âu hậu Brexit đang tới gần.

Ông muốn gửi lời kêu gọi tới Chính phủ London, “xin hãy cho chúng tôi biết các biện pháp khẩn cấp và đưa ra cho chúng tôi những sự lựa chọn thực sự”. “Nếu không có một giải pháp hữu hiệu, chúng tôi và tất cả các hãng hàng không khác đang lên kế hoạch phục vụ trong năm 2019 sẽ gặp khó khăn”, Reuters dẫn lời ông Jacobs cho biết. Vị CEO của Ryanair lo ngại, các cuộc đàm phán về vấn đề hàng không vốn đã rắc rối và vướng mắc nhiều cảm xúc trái chiều sẽ tiếp tục bị chậm trễ vì các cuộc bầu cử sắp tới tại Pháp và Đức.

Về phần mình, Chính phủ Anh vẫn nhận định, ngành Hàng không có ý nghĩa quan trọng với đất nước và sẽ tìm cách thỏa thuận để Anh được tự do tiếp cận thị trường hàng không châu Âu. Tuy nhiên, Thủ tướng Anh Theresa May đang xây dựng kế hoạch hàng không với mong muốn đưa Anh thoát ra khỏi ảnh hưởng của Tòa án Công lý châu Âu (ECJ), không muốn tiếp cận thị trường hàng không chung châu Âu bằng những hình thức mà Na Uy và Thụy Điển đang sử dụng, trong đó, chấp nhận ECJ đóng vai trò phân xử cuối cùng khi xảy ra tranh chấp.

Nhận định về mong muốn này, ông Totis Kotsonis, đến từ Công ty Luật quốc tế Eversheds Sutherland gợi ý, Anh và EU có một lựa chọn đó là thỏa thuận một cơ chế giải quyết khác biệt, không có sự giám sát của ECJ về việc Anh tuân thủ luật pháp hàng không EU.

Song, nhiều chuyên gia khác trong ngành cho biết, một số nước không muốn cho phép Anh tiếp cận bầu trời của họ thoải mái như trước đây. “Nhiều nước không vui vẻ khi chứng kiến các hãng hãng hàng không của Anh được hưởng tất cả quyền lợi hàng không dành cho khối liên minh châu Âu như trước đây, ông Alexandre de Juniac, Tổng giám đốc Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), cựu Giám đốc Điều hành Tập đoàn hàng không Air France-KLM từng nhận định.

Tuy vậy, chuyên gia luật Kotsonis vẫn khẳng định, tin tưởng Anh có thể tìm ra giải pháp thoả đáng nhất. Theo ông Kotsonis, Anh vốn đã tuân thủ mọi quy định hàng không hiện hành tại châu Âu và vai trò của Anh trên thị trường hàng không châu Âu rộng lớn nói riêng và thị trường hàng không toàn cầu nói chung là điều không thể đánh giá thấp. Điểm này có thể sẽ được sử dụng để cân nhắc trong quá trình đàm phán”.

Quốc hội Anh thông qua dự luật Brexit

Tối 13/3 (tức rạng sáng 14/3 theo giờ Việt Nam), hai viện của Quốc hội Anh đã bỏ phiếu thông qua dự luật về việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu - Brexit.

Với kết quả bỏ phiếu 274/11, Thượng viện Anh đã thông qua dự luật Brexit, sau đó Quốc hội Anh đã thông qua dự luật gây tranh cãi bất chấp thực tế là có nhiều người không đồng thuận vì lo lắng cho những hậu quả không mong muốn.

Trước đó, Hạ viện Anh không đồng ý trao thêm quyền cho Nghị viện liên quan đến vấn đề Brexit cũng như đảm bảo quyền cho công dân EU ở Anh, do vậy các dân biểu đã thông qua các đề xuất ban đầu.

Việc ​Quốc hội Anh thông qua dự luật Brexit sẽ chính thức mở đường cho Chính phủ của Thủ tướng Theresa May thông báo với các nhà lãnh đạo EU về kế hoạch rời khối liên minh này.

Bên cạnh sự vui mừng, hồ hởi của những người ủng hộ Brexit, sự kiện này cũng đã gây quan ngại rất lớn cho các doanh nghiệp kinh doanh, đặc biệt là trong lĩnh vực vận tải hàng không ở Anh nói riêng và châu Âu nói chung.

Hòa Bình

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.