Diễn tập ứng phó hành vi can thiệp bất hợp pháp tại CHK quốc tế Nội Bài |
TAND TP.HCM vừa xét xử vụ Đặng Hoàng Thiện (24 tuổi), Nguyễn Đức Sinh (32 tuổi, quê Quảng Ngãi) cùng 13 đồng phạm chế tạo bom xăng, kích nổ bằng điều khiển từ xa với mục đích gây cháy nổ sân bay Tân Sơn Nhất vào dịp lễ 30/4/2017. Quả bom xăng phát nổ làm hành khách xung quanh hoảng sợ bỏ chạy. Rất may không có ai bị thương. An ninh sân bay sau đó phong tỏa hiện trường ngăn chặn hậu quả.
“Vụ việc cho thấy khả năng xảy ra khủng bố tại sân bay không còn là nguy cơ”, Phó trưởng Ban An ninh hàng không (Cục Hàng không VN) Tô Tử Hùng nói.
Theo các chuyên gia, hoạt động khủng bố trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp. Phương thức, thủ đoạn của khủng bố rất đa dạng, tinh vi, khó kiểm soát như: Cài đặt bom, mìn, đánh bom tự sát, đánh bom kép, bom hẹn giờ, cài bom kích nổ bằng thiết bị điện tử điều khiển từ xa, bắt cóc, sát hại con tin, đòi tiền chuộc, ám sát, xả súng…
Cục Hàng không VN sắp tới sẽ ban hành bộ phương án khẩn nguy mẫu chống hành vi can thiệp bất hợp pháp nhằm giúp các CHK, sân bay có quy trình chuẩn trong ứng phó khẩn nguy hành vi can thiệp bất hợp pháp. |
Trong nước, tình hình tội phạm tiếp tục diễn biến phức tạp. Hoạt động các loại tội phạm hình sự, nhất là tội phạm có tổ chức, tội phạm là người nước ngoài, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm trên không gian mạng gia tăng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với an ninh hàng không. Đây chính là thách thức lớn với công tác đảm bảo an ninh hàng không, phòng chống khủng bố tại Việt Nam.
Theo ông Tô Tử Hùng, công tác phòng chống khủng bố luôn gắn chặt với hoạt động hàng không dân dụng. Những năm gần đây, Cục Hàng không VN đều định kỳ tổ chức diễn tập chống khủng bố. Cùng đó, công tác phòng chống khủng bố ở các cảng hàng không, hãng hàng không vẫn được triển khai bài bản theo đúng quy định.
Các tình huống liên quan đến khủng bố có thể xảy ra đều được Cục Hàng không VN lường trước và tổ chức diễn tập ứng phó. “Gần đây nhất là vụ diễn tập khủng bố tại Cam Ranh hồi đầu tuần với tình huống giả định là một tàu bay dân dụng đang bay trong không phận Việt Nam bị một nhóm 8 người có vũ trang dùng vũ lực tấn công, uy hiếp, bắt giữ một số hành khách làm con tin, cướp tàu bay và trốn ra nước ngoài”, ông Hùng thông tin.
Trong lịch sử ngành Hàng không, nhất là những năm cuối thập kỷ 80 của thế kỷ trước, đã có khá nhiều vụ khủng bố được ứng phó kịp thời. Điển hình như vụ đối phó với bốn tên sĩ quan chế độ cũ khống chế tổ lái của tàu DC 3 số hiệu 509 đang từ Tân Sơn Nhất đi Rạch Giá và yêu cầu bay sang Singapore vào năm 1977. Hay vụ tàu bay DC 4 số hiệu 501 đang trên lịch trình Đà Nẵng - Buôn Mê Thuột - Tân Sơn Nhất (năm 1978) bị nhóm không tặc dùng lựu đạn đe dọa cướp tàu bay để ra nước ngoài. Tổ bay đã bình tĩnh, linh hoạt ứng phó cho tàu bay quay lại Đà Nẵng, hạ cánh an toàn. Một vụ khủng bố khác gây chấn động ngành Hàng không xảy ra ngày 7/2/1979 khi tàu bay AN 24 số hiệu 226 đang bay từ Đà Nẵng về Tân Sơn Nhất đã bị một nhóm không tặc gồm 6 tên dùng lựu đạn khống chế tiếp viên và yêu cầu tổ lái bay ra nước ngoài. Cảnh vệ trên không bắn trả, tổ bay cho tàu bay hạ cánh an toàn xuống sân bay Pleiku.
Gần đây nhất, sự cố máy bay Airbus 321 của Hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA) hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Nội Bài sau khi Cơ trưởng chuyến bay Pechanec Marek (45 tuổi, quốc tịch Czech) bấm nhầm “nút khủng bố”. “Máy bay đã được hạ cánh khẩn cấp tại sân bay quốc tế Nội Bài, lập tức các lực lượng tại CHK đã phải triển khai phương án phòng chống khủng bố. Nhưng rất may đó chỉ là sự nhầm lần của phi công”, ông Tô Tử Hùng nói và cho biết, các cơ quan liên quan đã thể hiện sự chuyên nghiệp, bài bản trong ứng phó với tình huống khẩn nguy, cụ thể trong trường hợp này là nghi máy bay bị khủng bố.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận