Khách quốc tế đến Việt Nam có dấu hiệu chậm lại
Ngày 16/8/2019, Tổng cục Du lịch đã tổ chức hội nghị tăng cường thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Hội nghị nhằm nhận định tình hình khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2019, cũng như tìm kiếm giải pháp thúc đẩy và đảm bảo mục tiêu đặt ra đón 17,5 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2019.
Giai đoạn 2015-2018, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng đột phá, từ 7,9 triệu lượt năm 2015 tăng lên thành 15,5 triệu lượt năm 2018, tăng gần 2 lần với tốc độ tăng trưởng trung bình 25%/năm.
Đây là tốc độ tăng trưởng cao hàng đầu thế giới theo đánh giá của Tổ chức du lịch thế giới UNWTO nếu so với mức trung bình 5,8% trên phạm vi toàn cầu và 6,1% tại khu vực Châu Á và Thái Bình Dương trong cùng giai đoạn.
Thị trường nguồn quan trọng nhất của du lịch Việt Nam là khách đến từ Trung Quốc 32%, Hàn Quốc 22,5%, Nhật Bản 5,3%, Đài Loan 4,6%, Mỹ 4,4%, Nga 3,9%... 10 thị trường nguồn hàng đầu đang chiếm 83% tổng lượt và 78,2% tổng thu từ khách quốc tế đến Việt Nam.
Trong 7 tháng đầu năm 2019, du lịch Việt Nam đón gần 9,8 triệu lượt khách du lịch quốc tế, tăng 7,9%. Tuy nhiên, mức độ tăng trưởng này đã có dấu hiệu chậm lại so với con số cùng kỳ 2018 tăng trưởng 25,4%.
Cụ thể, thị trường nguồn lớn thứ 2 là Hàn Quốc trong 7 tháng đầu năm chỉ tăng trưởng 22,1%, so với mức 56,1% của 7 tháng đầu năm 2018. Tốc độ tăng trưởng từ khách thị trường Trung Quốc giảm 2,8% so với cùng kỳ 2018. Đây là 2 thị trường quan trọng, đóng góp hơn 50% lượt khách quốc tế đến Việt Nam. Tương tự, khách từ Úc cũng đang có xu hướng giảm (1,2%). Nguyên nhân chủ yếu do kinh tế thế giới và 1 số thị trường trọng điểm đang tăng trưởng chậm lại.
Du lịch cất cánh, hàng không được nhờ
Giai đoạn 2008 - 2018, 35% lượng khách quốc tế đến Việt Nam bay trên các chuyến bay của hãng hàng không quốc gia Việt Nam.
Thực tế, không thể phủ nhận là phần lớn khách du lịch quốc tế đi lại bằng đường hàng không. Với ưu thế có thể đưa khách nhanh nhất, tiện nhất đến gần như hầu khắp các điểm du lịch khiến hàng không vượt qua tất cả các loại hình vận tải khác trong lựa chọn của khách du lịch. Thống kê của Tổng cục Du lịch, trong năm 2018, hơn 80% lượng khách quốc tế đến Việt Nam bằng đường hàng không, tăng 14,4% so với năm trước đó.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc, du lịch phát triển, hàng không được lợi rất nhiều. Ngược lại, nhờ hàng không, du lịch mới có đà để phát triển.
Theo các chuyên gia, muốn kích cầu du lịch, với hàng không, quan trọng nhất là phải làm thế nào để “người đi du lịch muốn đến đâu là có thể bay thẳng đến đó” hay nói cách khác là phải mở thật nhiều đường bay đến các điểm du lịch, đáp ứng đúng và trúng nhu cầu.
Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Vietnam Airlines cho biết nhiều năm qua, thông qua loạt các giải pháp, hành động cụ thể, Vietnam Airlines đã phối hợp cùng ngành du lịch Việt Nam giới thiệu, quảng bá hình ảnh điểm đến, văn hóa con người Việt Nam ra thế giới như hàng năm tham gia và tổ chức roadshow, gian hàng tại gần 30 hội chợ du lịch quốc tế uy tín hàng đầu thế giới Anh, Đức, Nga, Nhật Bản, Pháp…
Tại đây, Vietnam Airlines và Tổng cục Du lịch đã cùng phối hợp xây dựng gian hàng mang đậm nét văn hóa, con người Việt, cũng như tiếp xúc giới thiệu điểm đến, sản phẩm du lịch đặc trưng tới các công ty lữ hành nổi tiếng trên thế giới.
Tiếp tục “hiến kế” cho du lịch Việt Nam thu hút khách quốc tế, tại hội nghị tăng cường thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, Vietnam Airlines đã đưa ra nhiều giải pháp cụ thể và hữu ích cho du lịch Việt Nam nhằm tăng cường thu hút điểm đến du lịch Việt Nam tới khách quốc tế tại các thị trường trọng điểm.
Theo Vietnam Airlines, du khách quốc tế đến Việt Nam đang tập trung ở 3 thị trường trọng điểm là Trung Quốc, Hàn Quốc, hiện đang chiếm trên 55% lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Chính vì thế khi các thị trường nguồn này “đổ bệnh” do nền kinh tế suy thoái, chính sách nới lỏng hạn chế của Trung Quốc đến các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… thì thị trường du lịch của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng ngay lập tức.
Do đó, cần nghiêm túc nhìn nhận việc phải đa dạng hóa thị trường nguồn, tìm kiếm thị trường mới. Một số thị trường nguồn mới được đại diện Vietnam Airlines gợi ý gồm Tây Âu, Ấn Độ.
Phía Vietnam Airlines, song song với việc tiếp tục mở thêm nhiều đường bay mới đến các thị trường truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc để mang đến cơ hội lớn hơn cho du khách tại các thành phố này có thể tiếp cận du lịch Việt Nam, hãng cũng tiếp tục tăng cường tần suất, đưa máy bay thân rộng mới hiện đại nhất khai thác trên các đường bay đến Châu Âu, nghiên cứu mở đường bay đến Ấn Độ và tăng cường hợp tác, liên kết với các hàng không Mỹ, Vietnam Airlines tin tưởng du khách quốc tế từ các thị trường này sẽ tăng trưởng nhanh chóng và bền vững.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận