Đối tác hơn 2.000 tỷ đồng
Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2022 của Tập đoàn FLC cho thấy đến thời điểm 30/6/2022 doanh nghiệp này đã nhận hợp tác đầu tư với Công ty cổ phần BEDA T&C.
Giao dịch này phát sinh trong quý 2 với số dư tại ngày 30/6 là gần 2.278 tỷ đồng.
FLC vừa nhận hợp tác đầu tư với một đối tác mới trong quý 2
Công ty cổ phần BEDA T&C được thành lập và bắt đầu hoạt động từ ngày 22/3/2018 tại trụ sở ban đầu tại phố Định Công, phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, Hà Nội, đến ngày 27/5/2020 chuyển về tòa nhà số 108 đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Công ty có người đại diện là bà Hoàng Thị Thu Trang, Giám đốc; Ngành nghề kinh doanh chính là hoàn thiện công trình xây dựng.
Đáng chú ý, vốn điều lệ ban đầu của doanh nghiệp này chỉ là 200 triệu đồng nhưng đến ngày 15/12/2020 công ty tăng vốn lên 400 tỷ đồng (gấp 2.000 lần số vốn ban đầu).
BEDA T&C hiện là đơn vị làm dự án Nhà ở mật độ cao Hiệp Thành - Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu) do FLC làm chủ đầu tư.
Đây là 1 trong 3 dự án tại TP. Bạc Liêu mà FLC được tỉnh Bạc Liêu chấp thuận thực hiện.
Dự án được khởi công vào tháng 6 năm nay, do Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư. Dự án có tổng vốn đầu tư 2.169 tỷ đồng, quy mô sử dụng đất hơn 38,6 ha, quy mô dân số khoảng 4.500 người, dự kiến hoàn thành vào quý III/2024.
FLC đang nợ những ai?
Cũng theo báo cáo quý 2/2022 của Tập đoàn FLC, dư nợ của doanh nghiệp này đã tăng mạnh trong bối cảnh khó khăn về nhân sự và phải cơ cấu lại công ty.
Nợ phải trả đến thời điểm 30/6 của FLC tăng 14% so với đầu năm lên gần 27.570 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là tăng số nợ ngắn hạn thêm hơn 20% lên gần 19.147 tỷ đồng.
Hệ số nợ/ vốn chủ sở hữu tại FLC hiện là 3,9 lần.
Khoản nợ lớn nhất của FLC là từ các lô trái phiếu, trong đó một phần lô trái phiếu (FLCBOND2122003) đến hạn thanh toán trị giá gần 850 tỷ đồng đã đẩy nợ trái phiếu của doanh nghiệp này lên gần 2.000 tỷ đồng.
Về chủ thể riêng lẻ, hiện BIDV (chi nhánh Quy Nhơn và chi nhánh Quảng Bình) là đơn vị cho FLC vay lớn nhất với tổng số tiền hơn 1.500 tỷ đồng.
Ngoài ra, Tập đoàn FLC mới phát sinh thêm một khoản vay ròng 621 tỷ đồng từ ông Lê Thái Sâm. Bốn hợp đồng vay tín chấp có thời hạn 12 tháng (chịu lãi suất 7%/ năm) để bổ sung và thanh toán cho các hợp đồng của ROS.
Ông Lê Thái Sâm trở thành thành viên Hội đồng quản trị FLC từ 2/7/2022.
Hàng không khiến FLC lỗ hơn 311 tỷ đồng
Kết quả kinh doanh quý 2/2022 của FLC cho thấy các chỉ số đều rất ảm đạm: doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm 62,8% so với cùng kỳ 2021 khi chỉ đạt hơn 623 tỷ đồng, doanh thu hoạt động tài chính cũng giảm 89,1% còn gần 66 tỷ đồng.
Trong khi đó, lỗ trong công ty liên kết lại tăng mạnh 5.462% lên hơn 317 tỷ đồng, chi phí bán hàng và chi phí quả lý cũng tăng lần lượt 40% và 65%.
Kết quả, quý 2 năm nay FLC lỗ trước thuế 636 tỷ đồng, giảm 1.445% bởi cùng kỳ năm ngoái lãi hơn 47 tỷ đồng; Lợi nhuận sau thuế kỳ này cũng lỗ hơn 640 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi gần 21 tỷ đồng.
FLC cho biết, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ; Doanh thu hoạt động tài chính kỳ này của công ty đều giảm mạnh do doanh nghiệp đang cơ cấu lại các mảng kinh doanh và thay đổi nhân sự lãnh đạo chủ chốt.
Chi phí bán hàng và chi phí quản lý tăng do hoạt động kinh doanh nghỉ dưỡng vào mùa cao điểm.
Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của khoản lỗ 311,6 tỷ đồng từ đầu tư hàng không nên lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp giảm mạnh và đảo chiều là lãi thành lỗ hơn 640 tỷ đồng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận