Thời sự Quốc tế

Hàng không Mỹ sắp đối mặt với một "cơn sóng thần" kinh hoàng

20/04/2023, 11:11

Ngành hàng không Mỹ được dự báo sẽ đối mặt với làn sóng hàng loạt phi công về hưu trong những năm tới, có thể gây gián đoạn hoạt động của ngành.

Thiếu phi công trầm trọng trên toàn nước Mỹ

Tại cuộc họp của Ủy ban Cơ sở hạ tầng và Giao thông Hạ viện Mỹ ngày 19/4, bà Faye Malarkey Black - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Hiệp hội Hãng hàng không Khu vực (RAA) cho biết, hơn 50% phi công đang làm việc tại các hãng hàng không Mỹ hiện nay sẽ chạm ngưỡng tuổi nghỉ hưu (theo quy định là 65 tuổi) trong vòng 15 năm tới trong khi số lượng phi công trẻ không đủ để bù đắp.

Cảnh báo trên được đưa ra khi ngành hàng không Mỹ vốn đã gặp rất nhiều khó khăn, tình trạng chậm, hủy chuyến diễn ra với tần suất dày hơn khiến hành khách bức xúc.

Dù nhu cầu đi lại trong ngành hàng không đang phục hồi mạnh mẽ, một số hãng bay nhận được lượng đặt vé kỷ lục nhưng đa số hãng hàng không tại Mỹ vẫn chưa khôi phục công suất hoạt động về mức trước đại dịch.

img

Trong vòng 15 năm nữa, sẽ có hơn 50% phi công đang làm việc tại các hãng hàng không Mỹ hiện nay sẽ chạm ngưỡng tuổi nghỉ hưu (theo quy định là 65 tuổi)

Hiện nay ngành vận tải hàng không tại 42 bang của Mỹ đang có công suất thấp hơn so với trước đại dịch, 136 sân bay đã cắt giảm ít nhất 1/4 dịch vụ vận tải, nhiều hãng bay đã phải dừng vận hành chuyến tới 11 sân bay ở các thành phố nhỏ.

Hơn 500 máy bay của các hãng hàng không khu vực bị bỏ không do thiếu phi công trong khi những máy bay đang hoạt động cũng chỉ vận hành ở mức công suất tương đương 60% so với trước đây.

Theo hãng tin CNN, công suất phục vụ của các hãng hàng không chưa đủ đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao, dẫn đến tình trạng giá vé máy bay tại Mỹ cao hơn đáng kể so với thời điểm trước đại dịch.

Bên cạnh đó, theo Hiệp hội Hãng hàng không Khu vực (RAA), các hãng hàng không lớn đã "hút" hết phi công từ các hãng hàng không khu vực, khiến các hãng hàng không quy mô nhỏ hơn gặp rất nhiều khó khăn, kéo theo hoạt động đi lại của hành khách tại những thành phố nhỏ bị ảnh hưởng.

Bà Faye Malarkey Black - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Hiệp hội Hãng hàng không Khu vực (RAA):

Năm 2022, đã có 9.500 phi công được cấp chứng chỉ - đạt mức kỷ lục - nhưng con số này chưa đủ để giải quyết tình trạng thiếu hụt phi công trầm trọng tại Mỹ.

Nêu ra một nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu hụt phi công, bà Black cho biết đó là do các khoản hỗ trợ tài chính liên bang chưa đủ để hỗ trợ học viên có hoàn cảnh khó khăn trang trải chi phí các khóa học đào tạo phi công.

Theo bà Black, chi phí của chương trình huấn luyện đối với phi công mới vào khoảng 80.000 USD. Nếu gộp cả chi phí học lấy bằng cử nhân, tống phí có thể lên tới 200.000 USD.

Thiếu phi công là do lỗi của các hãng hàng không?

Ông Jason Ambrosi, Chủ tịch Hiệp hội Phi công Các hãng hàng không tại Mỹ, cho rằng, dù thiếu phi công nhưng nhất quyết không được thay đổi tiêu chuẩn huấn luyện đối với phi công vì như vậy là thỏa hiệp với nguy cơ mất an toàn.

Ông Ambrosi chỉ ra nhờ việc tăng tiêu chuẩn về chứng chỉ nghề nghiệp đối với phi công sau khi rút kinh nghiệm từ một loạt vụ tai nạn hàng không nên tỷ lệ thương vong với hành khách đã giảm 99,8%.

Ông Ambrosi cũng phản bác quan điểm từ lãnh đạo RAA và một số tổ chức khác trong ngành hàng không Mỹ về việc Mỹ thiếu phi công đủ tiêu chuẩn khi cho rằng khung chương trình huấn luyện phi công hiện hành đã hỗ trợ đào tạo hàng chục nghìn phi công trong thập kỷ qua, vượt quá nhu cầu của các hãng hàng không.

Theo ông Ambrosi, Mỹ đã cấp chứng chỉ cho gần 64.000 phi công vận hành chuyến bay của các hãng hàng không từ tháng 7/2013 trong khi các hãng bay mới chỉ tuyển dụng khoảng 40.000 chỉ tiêu.

Trước ý kiến trên, RAA chỉ ra thực tế hiện nay, các phi công đủ tiêu chuẩn có rất nhiều lựa chọn, không chỉ các hãng hàng không mà cả các công ty cho thuê máy bay hoặc máy bay tư nhân phục vụ các doanh nhân/đại gia.

RAA cũng cảnh báo tình trạng thiếu phi công sẽ trầm trọng hơn khi số lượng lớn phi công đến tuổi nghỉ hưu trong những năm tới.

Phản hồi quan điểm trên, ông Ambrosi cho rằng nguyên nhân các hãng hàng không lâm vào tình trạng thiếu nhân sự trầm trọng là do lương và chính sách đãi ngộ thỏa chưa đáng.

“Thị trường lao động hiện rất phức tạp. Phi công sẽ dễ dàng chuyển từ các hãng hàng không này sang các hãng hàng không khác có mức lương và chính sách đãi ngộ hấp dẫn hơn”, theo ông Ambrosi.

Về một số đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu đối với phi công thêm 2 năm lên thành 67 tuổi, vị Chủ tịch Hiệp hội cũng phản đối.

Ông Ambrosi cho rằng đề xuất này nếu được thực hiện sẽ khiến các hãng bay gặp nhiều khó khăn trong việc sắp xếp lại lộ trình bởi phi công thâm niên tại các hãng hàng không thường vận hành các chuyến bay quốc tế nhưng quy định quốc tế lại giới hạn độ tuổi tối đa với phi công là 65.

Theo hãng tin CNN, tình trạng thiếu phi công đã xảy ra tại Mỹ thậm chí từ trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Khi đại dịch xảy ra, các hãng hàng không nhận được các khoản trợ cấp hàng tỷ USD để tránh sa thải nhân viên và khiến tình trạng thiếu nhân sự thêm trầm trọng. Tuy vậy, nhiều hãng bay đã áp dụng chính sách gói nghỉ hưu sớm với nhân viên để cắt giảm chi phí trong đại dịch.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.