Thế giới giao thông

Hàng không thế giới đứng dậy thế nào sau một năm Covid-19?

06/01/2021, 13:30

Năm 2020, cú giáng mạnh mang tên Covid-19 khiến hàng không thế giới rơi tự do từ đỉnh cao bùng nổ xuống đáy sâu sụt giảm.

img

2020 - một năm hàng không bị bủa vây vì Covid-19

Nhưng “lửa thử vàng”, những khó khăn cực độ mà dịch bệnh gây ra chính là phép thử để hàng không thích nghi, luôn sẵn sàng tâm thế trước những cú sốc trong tương lai đầy biến động, khó lường.

Những con số đáng buồn

Theo ước tính của Hội đồng Sân bay Quốc tế (ACI World), quý II/2020 khi dịch bệnh bùng phát mạnh nhất, lượng khách trên quy mô toàn cầu giảm hơn 2 tỷ lượt. Nếu tính cả năm 2020, con số này là 4,6 tỷ lượt.

Mất khách đồng nghĩa mất lợi nhuận, nhiều hãng đứng trên bờ vực phá sản hoặc chấp nhận sáp nhập, thậm chí có hãng phải bán tài sản, khai tử hoàn toàn. Thương vụ sáp nhập lớn có thể đến như Korean Air (với hơn 170 máy bay) thâu tóm Asiana Airlines (với 82 máy bay) và trở thành một trong 10 hãng bay lớn nhất thế giới.

Theo dữ liệu thống kê từ từ điển bách khoa mã nguồn mở Wikipedia, tính đến tháng 10/2020, có 43 hãng hàng không thương mại phá sản và con số này chắc chắn chưa dừng lại.

Số liệu từ tổ chức ACI khu vực châu Âu chỉ ra, tính đến cuối tháng 10, có 193 trong số 740 hãng hàng không trong khu vực đứng trước nguy cơ đóng cửa.

Để vượt qua khó khăn, các hãng chật vật thực hiện hàng loạt chính sách thắt giảm chi tiêu, giảm lương, nhân sự… Khoảng 400.000 việc làm trong ngành hàng không trên quy mô toàn cầu bị giảm kể cả những công việc đáng mơ ước, lương cao nhất thế giới, từng khan hiếm như phi công, tiếp viên… Những nhân sự còn lại phải đối mặt với cảnh nghỉ không lương hoặc giảm tới 50%.

Trong khi đó, các sân bay cũng tê liệt vì cuộc khủng hoảng chưa từng có. Ước tính lợi nhuận của các sân bay trên quy mô toàn cầu giảm 39,2 tỷ USD riêng trong quý II và hơn 97 tỷ USD trong cả năm 2020.

“Lửa thử vàng”

Tuy nhiên, nếu nhìn theo hướng tích cực, khó khăn nào cũng kèm cơ hội. Chính từ thách thức, rất nhiều hãng hàng không đã tìm được hướng đi mới, trụ vững, đồng thời không ít doanh nghiệp mới nổi lên và kiếm bộn tiền.

Theo báo cáo từ tổ chức The Airline Analyst, chỉ khoảng 50 trong số 220 hãng (được khảo sát) có đủ khả năng “sống sót” sau dịch bệnh.

Theo đó, ngoài trợ cấp của Chính phủ, một số hãng có thể trụ lại là nhờ khả năng linh hoạt, biết cách tái thiết hoạt động, tập trung vào những xu hướng cấp bách trong dịch bệnh như các biện pháp tích cực vệ sinh, diệt khuẩn; áp dụng công nghệ “không chạm” để hạn chế nguy cơ virus lây lan.

Thực tế, Alaska, Jetblue, American Airlines, Southwest Airline đều xây dựng chiến lược marketing chủ chốt dựa trên khía cạnh này.

Một số hãng thay đổi trải nghiệm đi lại cho hành khách khi ứng dụng công nghệ tự động, quét thân nhiệt, diệt khuẩn bằng tia UV, sinh trắc học, những công nghệ cho phép khách tự thực hiện dịch vụ mà không cần phải giao tiếp hay động chạm quá nhiều.

Xu hướng tự động hóa trong ngành hàng không được dịp đẩy mạnh, nhờ đó những công ty chuyên nghiên cứu về công nghệ tự động, thiết bị diệt khuẩn cho ngành hàng không ăn nên làm ra như câu chuyện của công ty chuyên cung cấp thiết bị diệt khuẩn GermFalcon.

Công ty này đề ra phương châm: Một doanh nghiệp có thể biến khủng hoảng thành lợi thế nếu “biết cách ưu tiên cho những gì bạn có thể trao đi thay vì tập trung vào những gì bạn nhận lại”.

Ngay từ đầu tháng 3 - thời điểm ngành hàng không bắt đầu hứng chịu cú giáng của dịch Covid-19, Giám đốc GermFalco đã cung cấp miễn phí thiết bị diệt khuẩn tự động bằng tia UV trên máy bay cùng một loại thiết bị khác tương tự cho các sân bay, góp phần hỗ trợ ngành hàng không Mỹ trong thời gian khó khăn.

Thiết bị này có hình dáng như xe đẩy thực phẩm trên máy bay, gắn thêm 2 càng phát tia UV cho phép diệt toàn bộ vi khuẩn trong máy bay tầm trung chỉ trong 10 phút.

Nhờ đó, GermFalco nhận được sự quan tâm chú ý của các hãng bay. Từ đây, công ty của Mỹ xây dựng mối quan hệ với tất cả các hãng hàng không Mỹ và ký thêm nhiều hợp đồng mới. Sân bay thứ 2 của Seattle tại Paine Field đã trở thành khách hàng và nhà đầu tư cho công ty này.

Tận dụng và sáng tạo trong khủng hoảng

img

Khung cảnh đìu hiu tại sân bay quốc tế O’Hare, bang Chicago, Mỹ những ngày dịch bệnh

Để có thể tồn tại, các hãng bay còn phải tìm ra những phương thức kinh doanh mới như mô hình vận chuyển “điểm tới điểm” không qua sân bay.

Trước đây, dịch vụ này thường chỉ dành cho giới siêu giàu nhưng nay lại tiếp cận được cả các đại gia tầm trung. Cách này giúp hành khách có thể di chuyển khoảng cách xa nhanh và tiện hơn mà không lo bị lây nhiễm chéo từ hành khách tại sân bay.

Ngoài ra, mô hình “điểm tới điểm” còn tạo điều kiện cho máy bay được vận hành, thay vì phải “đắp chiếu” chờ dịch qua đi, giảm phí lưu bãi cho nhiều hãng.

Japan Airlines là ví dụ khác cho sự linh hoạt, sáng tạo của các hãng hàng không. Sau khi nghiên cứu tình hình hồi phục của ngành hàng không khu vực, hãng nhận thấy ngành vận tải du lịch sẽ trở lại sớm hơn ngành vận tải phục vụ công việc.

Japan Airlines đã lên kế hoạch thiết lập một hệ thống hãng bay giá rẻ để khai thác thị trường vận tải du lịch. Trong đó, hãng kết hợp nhãn hiệu Jetstar (mà Japan Airlines đang vận hành cùng Qantas Airlines) với Spring Airlines của Trung Quốc và hãng Zipair (thuộc sở hữu của Japan Airlines).

Bên cạnh đó, công ty của Nhật còn nhanh chóng tìm hướng kinh doanh mới, thúc đẩy lợi nhuận từ những ngành kinh doanh phi hàng không như vận tải hàng hóa bằng máy bay không người lái (drone), bù đắp thua lỗ trong ngành chở khách. Japan Airlines đã kết hợp với Công ty Matternet (Mỹ) cho ra mắt một doanh nghiệp vận tải drone trong khu vực đô thị tại Nhật.

Cánh cửa năm 2021 đã mở ra và câu hỏi, liệu ngành hàng không có khởi sắc hay không là điều không ai dám chắc chắn. Nhưng một điều chắc chắn là ngành hàng không sẽ thay đổi theo hướng hiện đại, tự động và sạch sẽ hơn; ngành vận tải hàng hóa được tập trung nhiều hơn; những phương thức di chuyển mới như taxi bay có cơ hội phát triển rộng...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.