Các hãng hàng không của Trung Quốc mở 75 thị trường bay tuyến dài từ năm 2006. |
Các hãng hàng không Trung Quốc đổ bộ khắp thế giới, khai thác các tuyến quốc tế, với chi phí rẻ đến bất ngờ, khiến các hãng hàng không nước ngoài chật vật.
Giá rẻ hơn nửa
Mới đây, hãng Bloomberg đăng tải câu chuyện cô Gina Capella, 43 tuổi, người Boston (Mỹ) và bạn thân tiết kiệm được hàng trăm USD trong năm ngoái nhờ chọn China Southern Airlines (Trung Quốc) để bay từ Seoul (Hàn Quốc) tới Sydney (Australia) qua Quảng Châu (Trung Quốc), thay vì chọn bay trực tiếp từ Seoul bằng hãng Korean Airlines Co hoặc Asiana Airlines. Đây là điển hình cho thực tế hiện nay các hãng hàng không Trung Quốc tỏa ra khắp thế giới, phục vụ các chuyến bay quốc tế đường dài với mức giá rẻ chưa từng có, khiến các hãng hàng không nước ngoài phải “thắt lưng buộc bụng” để chạy đua hạ giá.
Xem thêm video Khách Trung Quốc tranh nhau xúc tôm tại buổi tiệc buffet:
Thông kê của Capa (Trung tâm Thông tin hàng không có trụ sở tại Mỹ) cho thấy, các hãng hàng không Trung Quốc đã mở 75 thị trường bay tuyến dài từ năm 2006 do hai hãng Air China và Hainan Airlines dẫn đầu. Riêng trong 2 năm qua, hơn 2/3 số tuyến bay được mở. Một chuyến bay từ Sydney đến Seoul qua Quảng Châu có giá khoảng 588,30 USD, rẻ bằng 1/3 bay trực tiếp của Hãng hàng không Qantas Airways (Australia). Hay một chuyến bay từ London (Anh) đến Hà Nội (Việt Nam) qua Quảng Châu của hãng China Southern chỉ còn 830 USD, rẻ hơn nhiều so với giá 1.216 USD/chuyến bay thẳng mà hãng British Airways (Anh) khai thác.
Giá vé thấp hơn đến một nửa so với các hãng khác khiến nhiều người hoài nghi về chất lượng chuyến bay của Trung Quốc. Thực tế, hãng hàng không Cathay và Singapore Airlines đều được hệ thống Skytrax đánh giá 5 sao về sản phẩm và chất lượng dịch vụ. Trong khi hãng hàng không quốc gia Air China của Trung Quốc chỉ đạt 3 sao. Dù vậy, khi chọn chuyến bay giá rẻ, hành khách vốn xác định tâm lý về chất lượng dịch vụ, nên dù phải chờ đợi hàng tiếng hay chất lượng không bằng các hãng khác, họ cũng chấp nhận.
Như trường hợp của Capella, dù giá vé giảm còn một nửa nhưng Capella và bạn mất 4 tiếng chầu trực tại sân bay. Song, cả hai đều xác định: “Chúng tôi không ngại chuyện chờ đợi vì giá quá rẻ. Gần như giảm một nửa”.
Khai thác triệt để cả trong và ngoài nước
Ngoài cạnh tranh thị trường quốc tế với các hãng hàng không nước ngoài, các hãng hàng không Trung Quốc tại các thành phố hạng 2, 3 còn mở các tuyến bay thẳng ra nước ngoài, bỏ qua các điểm trung chuyển truyền thống.
Động thái này đe dọa các hãng hàng không như Cathay và Singapore Air. Bởi lâu nay, cách dễ dàng nhất để đến các thành phố hạng 2 hoặc 3 tại Trung Quốc là bay đến các trung tâm trung chuyển như Hong Kong, Thượng Hải hoặc Bắc Kinh để tới địa điểm tiếp theo. Tháng 12 này, hãng hàng không Hainan khởi động đường bay không dừng từ Bắc Kinh tới Las Vegas, tuyến bay thứ 10 trực tiếp từ Bắc Kinh tới Bắc Mỹ. Hãng này cũng đang vận hành ít nhất 8 chuyến bay tới các thành phố châu Âu. Trong khi British Airways chuẩn bị phải cắt tuyến London - Thành Đô vào tháng 1/2017 vì không khả quan.
Ông K. Ajith, nhà phân tích tại UOB Kay Hian Pte, sàn chứng khoán lớn nhất Singapore nhận định: “Mặc dù, với các hãng hàng không nước ngoài, kế hoạch mở các tuyến bay thẳng đến các thành phố hạng 2, 3 của Trung Quốc không hiệu quả nhưng lại “làm ra tiền” cho các hãng hàng không Trung Quốc vì thị trường tại điểm xuất phát rất lớn”. Thành Đô có dân số khoảng 14 triệu người; Thiên Tân có dân số gần ngang bằng Sydney khoảng 4,3 triệu người.
“Các hãng hàng không Trung Quốc đang khai thác hết tiềm lực không chỉ ở Trung Quốc mà còn trên toàn cầu. Nếu các hãng nước ngoài không thể cạnh tranh hoặc song hành với các hãng hàng không Trung Quốc, tương lai của họ sẽ vô cùng ảm đạm”, ông Will Horton, nhà phân tích tại Capa cho biết. Từ các hãng hàng không của Mỹ như: Delta Air Lines, American Airlines Group đến các hãng hàng không Hong Kong như Cathay Pacific Airways Ltd và Hàn Quốc như Korean Air đều mất một phần thị phần vì các hãng hàng không Trung Quốc. Điển hình, Hãng hàng không Cathay (Hong Kong) sụt giảm lợi nhuận 82% trong nửa đầu năm 2016 vì khách du lịch Trung Quốc không còn quá cảnh tại Hong Kong. Hiện nay, Cathay phải xúc tiến “đánh giá khẩn cấp” hoạt động kinh doanh.
“Sống chung với lũ”
Về phía các hãng hàng không nước ngoài, tháng 10 vừa rồi, Chủ tịch Delta Airlines, Glen Hauenstein cảnh báo, sau đây Trung Quốc sẽ đối mặt thách thức “cung vượt quá cầu”. Cùng thời điểm, Chủ tịch hãng American Airlines Robert D Isome dự đoán, hoạt động hàng không tại Trung Quốc sẽ suy giảm vì đã huy động hết khả năng vào dịch vụ nước ngoài để phục vụ từ Los Angeles đến Hong Kong, Haneda (Nhật), Sydney (Australia) và Auckland (New Zealand).
Tuy vậy, các chuyên gia dự báo, ít có dấu hiệu “cơn bão” hàng không Trung Quốc đổ bộ ra thế giới sẽ tan. Cơ quan Hàng không dân dụng Trung Quốc thống kê, năm ngoái, các tuyến hàng không quốc tế tại Trung Quốc tăng vọt 35% lên 660 tuyến. Không chỉ vậy, chính phủ Mỹ ước tính, đến năm 2021, Trung Quốc sẽ đứng đầu thế giới về lượng du khách nước ngoài tới Mỹ, do đó nhu cầu hàng không vẫn rất mạnh.
Để "sống chung với lũ”, các hãng hàng không nước ngoài buộc phải thay đổi chiến thuật. Hiện nay, các hãng hàng không Mỹ đang tăng cường quan hệ với các hãng hàng không Trung Quốc. Tháng 7/2015, Delta đầu tư 450 triệu USD vào China Eastern, mua 3,6% cổ phần. Năm nay, United Continental ký thỏa thuận với Air China để cải thiện kết nối và tăng cường lợi ích của khách bay thường xuyên giữa hai hãng.
Ngày 4/12 vừa qua, Chính phủ Australia thông báo thỏa thuận với Trung Quốc để loại bỏ toàn bộ rào cản năng lực hàng không giữa hai nước. Trước đó hồi tháng 10, Anh đồng ý tăng gấp đôi số chuyến bay giữa các thành phố của Anh và Trung Quốc.
Xem thêm video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận