Đến bây giờ, các chuyên gia vẫn chưa lý giải được vì sao máy bay MH370 biến mất mà không để lại chút dấu vết nào |
Ngành Hàng không châu Á nói riêng và thế giới nói chung tồn tại không ít những “quy tắc ngầm” mang tính chất mê tín với tâm lý “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, cầu mong chuyến đi an toàn và suôn sẻ.
Những con số cấm kỵ
Ở một số nước phương Tây điển hình như: Mỹ, Đức, Anh..., “13” là con số không may mắn, bị gọi là “một tá quỷ sứ”. Do vậy, rất nhiều hãng không sử dụng số 13 để đặt số hiệu, hàng ghế máy bay hay số cổng tại sân bay.
Theo thống kê của trang web SeatGuru.com hiện đang theo dõi 102 hãng hàng không trên thế giới, có 25 hãng không có hàng ghế số 13 trên máy bay như như: Air France (Pháp), Iberia (Tây Ban Nha), Ryanair (Ireland), AirTran (Mỹ), Continental Airlines (Mỹ) và Lufthansa (Đức)... Lý do một phần vì quy định kiêng kỵ riêng của hãng, phần khác do chiều theo tâm lý của hành khách.
Chẳng hạn, hãng AirTran không sử dụng hàng ghế thứ 13 vì rất nhiều hành khách không muốn ngồi ở hàng ghế đó. Với hãng Continental, sau khi sáp nhập vào United Airlines, hàng ghế số 13 cũng dần biến mất trên máy bay của hãng hàng không mới. Người sáng lập SeatGuru.com, ông Matt Daimler nhận định: “Mục đích các hãng hàng không bỏ hàng ghế số 13 là nhằm giảm bớt nỗi lo lắng cho hành khách mang tâm lý kiêng kỵ (nếu có)”.
Với một số hãng hàng không như Lufthansa, ngoài con số 13, họ còn không dùng số 17 trong hệ thống số hàng ghế vì ở một số nước như tại Italia và Brasil, số 17 tượng trưng cho sự không may mắn” - Đại diện hãng Lufthansa, bà Jennifer Janzen cho biết.
Số 13 không chỉ ít được xuất hiện trên hàng ghế máy bay mà tại sân bay quốc tế Cleveland Hopkins không hề có cổng số 13. Một đại diện tại sân bay cho biết, ban quản lý từng khảo sát các nhân viên tại sân bay về thời điểm quy định này ra đời nhưng không thể xác minh từ khi nào và vì sao số 13 không được đặt làm số cổng.
Một ví dụ khác, biểu tượng logo của hãng Hàng không Brussels Airlines (Bỉ) từng được đánh giá là một thiết kế rất “hài hòa” với 13 chấm tròn tạo thành hình chữ “b”, trong đó “b” là chữ cái đầu tiên của tên hãng, số 13 tượng trưng cho số địa điểm mà hãng phục vụ tại thị trường chính châu Phi.
Tuy nhiên, sau khi rất nhiều hành khách người Mỹ và Italia phàn nàn dữ dội về con số 13 chấm tròn, hãng Brussels Airlines buộc phải thay đổi logo thành 14 chấm tròn. Đại diện Brussels Airlines, ông Geert Sciot nói: “Hành khách không vừa lòng với logo có 13 chấm tròn vì theo họ, nó mang đến điềm gở”.
Sợ bị “dớp”
Năm 2014, châu Á hứng chịu liên tiếp ba thảm họa hàng không MH370, MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines (MAS) và QZ8501 của AirAsia với con số thiệt mạng và mất tích lên tới hơn 700 người, khiến nhiều người dân trong khu vực e ngại dịch chuyển bằng đường hàng không vì sợ bị “dớp”. Một quan chức cấp cao đang làm việc tại Malaysia Airlines cho biết, sau ba vụ tai nạn, “người dân châu Á vốn mê tín lại càng sợ hãi. Thường thường, sau mỗi vụ tai nạn, hành khách sẽ cảm thấy hãng hàng không đó có vấn đề và họ sẽ không đặt vé ở đó nữa”.
Ông Vũ Phạm Nguyên Tùng, Giám đốc Phát triển của Hãng hàng không Vietjet cho biết, như thông lệ quốc tế thì trên tàu bay của hãng không hề có hàng ghế thứ 13. “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành. Các nước đều kiêng con số 13 thì lý gì mình cứ phải có. Không chỉ trên máy bay mà các tòa nhà cũng không có tầng 13, làm gì cũng kiêng ngày 13. Hơn nữa, nếu có hàng ghế 13 thì bản thân hành khách cũng không muốn bị xếp vào vị trí này” - ông Tùng nói. Đại diện Hãng hàng không quốc gia VN cũng cho biết, trên các tàu bay của hãng này cũng không hề xuất hiện hàng ghế thứ 13. |
Cô Christianawati, 36 tuổi, là thành viên trong gia đình 10 người may mắn thoát khỏi vụ tai nạn của hãng AirAsia chia sẻ: “Năm nào, chúng tôi cũng sang Singapore hai lần và luôn dùng dịch vụ của AirAsia. Chúng tôi cho rằng, đây là hãng hàng không an toàn ... nhưng nay có lẽ niềm tin của tôi đối với AirAsia bị lung lay, tôi sẽ đổi sang hãng hàng không khác”.
Tờ Tin tức Kinh doanh Trung Quốc dẫn số liệu thu thập được từ các đại lý du lịch Trung Quốc đưa tin, lượng hành khách của MAS giảm 40% kể từ khi xảy ra vụ MH370 mất tích. Sau đó, thảm họa MH17 tiếp tục khiến “một số lượng lớn” khách du lịch khác hủy tour vì họ không còn tin tưởng độ an toàn của hãng hàng không Malaysia Airlines.
Nhằm “giữ chân” hành khách, hãng hàng không quốc gia Malaysia Airlines cũng đã tính đến chuyện sẽ thay đổi tên hãng, lộ trình bay. Mặc dù vậy, việc đổi thương hiệu Malaysia Airlines có thể sẽ không dễ dàng vì nền kinh tế Malaysia phụ thuộc một phần vào du lịch và cũng bởi là hãng hàng không quốc gia nên hãng này rất cần mang tên nước.
Chia sẻ về vấn đề này, giáo sư tâm lý học đến từ Đại học Bristol Bruce Hood cho biết: “Có rất nhiều ví dụ (về mê tín dị đoan) trong việc kinh doanh (kể cả trong lĩnh vực vận tải, bất động sản...). Người làm trong ngành này thường đưa ra quyết định dựa trên những suy luận trực quan mà trên thực tế không hề chính xác, thậm chí rất vô lý”.
Hủy số hiệu vĩnh viễn nếu xảy ra tai nạn
Ngoài ra, như một truyền thống, các hãng hàng không trên thế giới thường hủy số hiệu những chuyến bay gặp tai nạn, mang ý nghĩa tôn trọng những nạn nhân thiệt mạng. Trước đây, hãng Hàng không Alaska Airlines “khai tử” số hiệu máy bay 261 nhằm tôn trọng nạn nhân thiệt mạng trong vụ máy bay 261 rơi năm 2000. Sau vụ tấn công khủng bố 11/9, hãng hàng không American và United cũng hủy tất cả số hiệu của các chuyến bay gặp nạn.
Mới đây nhất, hãng Hàng không Malaysia Airlines (MAS) đã phải hai lần “khai tử” số hiệu chuyến bay. Lần đầu tiên vào tháng 3 năm nay, MAS phải ngừng sử dụng số hiệu MH370-371 sau khi máy bay của hãng bị mất tích ngày 8/3 khi đang bay từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh trong khi đang chở theo 239 hành khách.
Bốn tháng sau, MAS tiếp tục khai tử số hiệu MH17 đối với các chuyến bay từ Amsterdam- Kuala Lumpur và thay bằng số hiệu MH19 sau khi chuyến bay đó rơi tại miền Đông Ukraine khiến 298 người thiệt mạng. Hãng hàng không quốc gia Malaysia Airlines cho biết: “
Chúng tôi quyết định hủy bỏ số hiệu MH17 như một sự tôn trọng đối với những nạn nhân xấu số trên chuyến bay MH17”.
Khoảng giữa năm 2013, một số hình ảnh hai tiếp viên hàng không mặc đồng phục được cho là của hãng Xiamen Airlines (Trung Quốc) thắp hương khấn vái xin máy bay được hạ cánh đúng giờ được cư dân mạng Trung Quốc lan truyền với tốc độ chóng mặt. Trong đó, hai nữ tiếp viên chắp tay, cúi đầu, quỳ lạy trước “bàn thờ tự chế” trên máy bay được làm từ xe đẩy thức ăn phủ hai tấm khăn ăn màu đỏ. Trên bàn thờ, có hai khung giấy viết chữ zhen dian (có nghĩa là đúng giờ), một đĩa hoa quả, bánh kẹo làm đồ cúng theo truyền thống cúng bái của Trung Quốc. Sự việc này diễn ra trong bối cảnh, trước đó, Công ty FlightStats của Mỹ công bố bảng xếp hạng các sân bay trên thế giới có số lượng các chuyến bay quốc tế bị hoãn trên toàn thế giới, trong đó, các sân bay Trung Quốc đứng đầu bảng. Khi được hỏi về thực hư những tấm ảnh trên, hãng hàng không Xiamen cho biết, việc các tiếp viên cúng bái trên máy bay không hề phạm luật. Trước đó, rất nhiều tiếp viên đến từ các hãng hàng không khác trong đó có hãng China Eastern Airlines cũng lập bàn thờ trên máy bay để cúng bái. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận