Đóng cửa đường bay “vàng”, mất 400 nghìn khách
Đến thời điểm này, có tới hơn 50 hãng hàng không đã tạm dừng các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc đại lục. Nhiều hãng hàng không cắt giảm đường bay đến Trung Quốc như: Cathay Pacific, Singapore Airlines, Silk Air, Air Newzealand... Nhiều quốc gia đã ban hành lệnh cấm hoặc tạm thời cấm các chuyến bay đi - đến Trung Quốc như: Indonesia, Pakistan... Một số quốc gia khác như Singapore, Úc, Đài Loan, Nhật Bản, Mỹ... đã cấm nhập cảnh những người nước ngoài đã đến Trung Quốc trong 14 ngày.
Đăng ảnh những chiếc Boeing 787-10 hiện đại bậc nhất đang phải nằm sân, một cơ trưởng kỳ cựu của Vietnam Airlines đã viết trên trang Facecbook cá nhân của mình: “Đau lòng phải nhìn thấy các “Nàng Mười” của chúng tôi nằm nghỉ chơi như thế này giữa những giờ cao điểm trong ngày, một hình ảnh hiếm khi thấy trước đây một vài ngày...”.
Đây là thực tế không thể phủ nhận của ngành hàng không giữa tâm dịch virus Corona.
Số liệu thống kê của Cục Hàng không VN cho thấy, trước khi có dịch nCoV, thị trường hàng không Việt Nam - Trung Quốc có 14 hãng của cả hai nước tham gia khai thác, trong đó có 11 hãng Trung Quốc (tổng tần suất đạt 240 chuyến/chiều/tuần) và 3 hãng nội địa gồm Vietnam Airlines, Jetstar Pacific Airlines và Vietjet Air (khai thác 72 đường bay từ 5 điểm tại Việt Nam đến 48 điểm tại Trung Quốc với tổng tần suất đạt 276 chuyến/chiều/tuần thường lệ và 145 chuyến/tuần/chiều không thường lệ).
Một thống kê khác cho thấy năm 2019, lượng khách trên các đường bay giữa Việt Nam - Trung Quốc đạt khoảng hơn 7,5 triệu khách trong đó hơn 4,6 triệu là do các hãng hàng không trong nước vận chuyển.
Sau khi có thông tin về dịch nCoV, từ ngày 23/1/2020, Cục Hàng không VN đã công bố hủy toàn bộ phép bay khai thác từ Việt Nam đi - đến Vũ Hán và đến ngày 1/2/2020 thì hủy toàn bộ phép bay đã cấp và không cấp phép bay mới cho các hãng hàng không hai nước khai thác các đường bay giữa Việt Nam và Trung Quốc. Việc cấp phép mới chỉ được thực hiện sau khi được chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, Việt Nam không thực hiện thủ tục nhập cảnh tại các cửa khẩu hàng không đối với với hành khách không mang quốc tịch Việt Nam đã ở hoặc quá cảnh Trung Quốc lục địa trong vòng 14 ngày trước khi đi/đến Việt Nam.
Trao đổi với Báo Giao thông, một chuyên gia có hàng chục năm kinh nghiệm về khai thác vận tải hàng không cho hay: “Thị trường hàng không Việt Nam - Trung Quốc là thị trường quan trọng bậc nhất của hàng không Việt, thậm chí còn quan trọng hơn cả thị trường Đông Bắc Á. Dừng khai thác thị trường này ngày nào, các hãng hàng không Việt “chao đảo” ngày đó”.
Thực tế, theo Cục Hàng không VN, thị trường này đang chiếm khoảng hơn 18% thị trường quốc tế. Riêng với các hãng hàng không trong nước, thị trường này chiếm tới 26,1% sản lượng vận chuyển quốc tế. Việc dừng khai thác thị trường này khiến các hãng hàng không Việt Nam mất doanh thu của trung bình 400 nghìn khách/tháng. Đó là chưa kể đến một lượng không nhỏ doanh thu từ nguồn khách này trên các đường bay nội địa. Các hãng hàng không Việt Nam còn phải mất thêm nhiều chi phí liên quan đến việc hoàn trả, hủy vé cho khách đã đặt chỗ, chi phí liên quan đến công tác vệ sinh phòng dịch...
Nguy cơ mất lãi cả năm
Cũng theo Cục Hàng không VN, chỉ riêng từ ngày 1 - 7/2/2020 (1 tuần sau khi dừng khai thác Trung Quốc), tổng thị trường vận chuyển hàng không Việt Nam đạt 1,95 triệu khách, giảm 4,5% so cùng kỳ năm 2019, trong đó riêng thị trường quốc tế giảm 14,1%). Sản lượng vận chuyển của các hãng không Việt Nam đạt 1,06 triệu khách giảm 4%, trong đó vận chuyển quốc tế giảm 28% so cùng kỳ năm 2019.
“Ngay giữa cao điểm Tết mà thị trường còn sụt giảm. Điều này là minh chứng rõ nhất những thiệt hại mà thị trường hàng không Việt Nam phải gánh chịu do dịch nCoV. Sơ bộ cho thấy, thiệt hại ban đầu của việc dừng các đường bay này của các hãng hàng không Việt Nam lên tới khoảng hơn 10.000 tỷ đồng”, Cục Hàng không VN thông tin.
Trong năm 2019, mức lãi mà Vietnam Airlines công bố cũng chỉ đạt hơn 3.300 tỷ đồng. Con số này của Vietjet là hơn 5.000 tỷ đồng. Việc dừng khai thác đến Trung Quốc của các hãng hàng không giữa hai nước cũng gây ảnh hưởng lớn đến TCT Cảng hàng không Việt Nam (ACV) và TCT Quản lý bay VN (VATM) do sụt giảm doanh thu từ việc giảm sản lượng chuyến bay điều hành cũng như lượng khách qua cảng.
Những nguy cơ sụt giảm doanh thu, lợi nhuận, thậm chí là lợi nhuận âm đã phản ánh ngay trên thị trường chứng khoán khi mã cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines trong giai đoạn từ ngày 30/1 - 6/2 đã giảm giá tới 6.600 đồng, tương đương mức giảm 20,12% giá trị. Điều này đồng nghĩa 1/5 vốn hóa thị trường, tương ứng hơn 9.300 tỷ đồng của Vietnam Airlines đã bốc hơi chỉ trong một tuần.
Tương tự, trong giai đoạn từ ngày 30/1 - 6/2, cổ phiếu VJC của Vietjet Air đã giảm 19.500 đồng, tương đương mức giảm 12,97% giá trị, tương đương giá trị hóa giảm 10.300 tỷ. Mã cổ phiếu ACV của TCT Cảng hàng không VN cũng đã mất 13,24% giá trị cổ phiếu trong tuần qua, cụ thể là giảm 9.000 đồng trong giai đoạn từ ngày 30/1 - 6/2, khiến doanh nghiệp mất gần 20.000 tỷ đồng vốn hóa trên sàn chứng khoán.
Kiến nghị thực hiện cơ chế giảm giá dịch vụ hàng không
Đánh giá về khả năng phục hồi, một lãnh đạo của Vietnam Airlines nhận định: “Căn cứ từ kinh nghiệm của những đợt dịch trước, gần nhất là dịch SARS, sẽ cần ít nhất 2 tháng sau khi chính quyền công bố hết dịch, thị trường mới dần ổn định, chưa nói đến việc tăng trưởng. Điều này có nghĩa là nếu trong tháng 3 chính quyền công bố hết dịch thì phải đến tháng 5, thị trường hàng không mới hoạt động bình thường trở lại, kịp cho mùa cao điểm hè. Dịch còn kéo dài ngày nào thì hàng không ảnh hưởng nặng nề ngày đó”.
Để hỗ trợ, tạo điều kiện cho các hãng hàng không duy trì hoạt động khai thác, vượt qua khó khăn trong gian đoạn này, Cục Hàng không VN đã kiến nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện cơ chế giảm giá dịch vụ hàng không do Nhà nước quản lý (giá dịch vụ điều hành bay đi - đến, hạ/cất cánh) cũng như chỉ đạo các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không có các biện pháp giảm giá, phí do doanh nghiệp quyết định cho các hãng hàng không Việt Nam.
Cơ quan này cũng khuyến khích các hãng hàng không và các nhà cung cấp dịch vụ hàng không (ACV, VATM...) chủ động thảo luận, hiệp thương để điều chỉnh các mức giá dịch vụ cũng như giãn tiến độ thanh toán giá dịch vụ phù hợp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận