Hàng loạt cây xăng dầu đóng cửa
Mấy ngày qua, tại nhiều địa phương ghi nhận tình trạng nhiều cửa hàng xăng dầu đã đóng cửa không bán hàng vì cho rằng đã hết xăng dầu như Đắk Lắk, Hải Dương, Bắc Giang..
Trước tình hình trên, hôm nay (26/5), Cục quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk, đã triển khai lực lượng kiểm tra, làm rõ vụ việc.
Tại thời điểm kiểm tra, đại diện lực lượng QLTT cho biết: Trong kho và bồn chứa của các doanh nghiệp (DN) xăng dầu đóng cửa đều không có xăng dầu. Tuy nhiên, về nguyên nhân thì vẫn đang được kiểm tra theo nhận định của các chủ doanh nghiệp về tình hình thiếu hàng trên địa bàn.
Chia sẻ với báo chí về nguyên nhân dẫn đến sự việc trên, chủ DN tư nhân Quý Điều (huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) nhận định 2 nguyên nhân chính. Đầu tiên là tình trạng càng kinh doanh càng lỗ do xăng dầu lấy vào cao hơn bán ra vào thời điểm giá xăng liên tiếp giảm từ đầu năm đến nay và sau đó là hoa hồng bị cắt giảm mạnh sau khi nhu cầu phục hồi sau dịch.
Tương tự, Công ty TNHH MTV Dịch vụ, Sản xuất Thắng Thành cũng cho biết, lý do đóng cửa vì thiếu nguồn cung, chiết khấu bán hàng không có khi phía nhà phân phối thông báo giảm về 0%... Ngoài ra, nguyên nhân quan trọng nhất là DN đang lỗ nặng khi giá bán chênh lệch thời gian qua.
Xăng dầu có thiếu?
Trao đổi với PV Báo Giao thông về vấn đề này, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết: Hiện nay, Vụ đã nắm được tình hình và đã có những văn bản chỉ đạo đến các địa phương, đồng thời, chỉ đạo tăng cường nguồn hàng đến các địa phương có hiện tượng “thiếu ảo”.
Theo đó, ông Đông nhận định, do diễn biến của dịch Covid-19 đã giảm, đặc biệt là sau khi Chính phủ dỡ bỏ lệnh giãn cách xã hội khiến nhu cầu sử dụng xăng dầu cho hoạt động kinh doanh, sản xuất, tiêu dùng tại thị trường nội địa tăng mạnh. Đồng thời, các nhà máy lọc dầu trong nước và quốc tế đang cắt giảm công suất, tận dụng thời gian xảy ra dịch bệnh để thực hiện việc bảo dưỡng khiến nguồn cung xăng dầu sản phẩm bị giảm sút.
Tuy nhiên, ông Đông khẳng định, về tổng nguồn cung toàn thị trường trong nước không thiếu mà khâu lưu thông đang có vấn đề. Do đó, Bộ Công thương đã đề nghị lực lượng quản lý thị trường phối hợp với Sở Công thương kiểm tra xử lý nghiêm các hành vi vi phạm để việc kinh doanh xăng dầu tại địa phương không bị gián đoạn.
Ngoài ra, các thương nhân kinh doanh xăng dầu phải thực hiện nghiêm quy định Nghị định 83 về dự trữ lưu thông phân phối (doanh nghiệp phải dự trữ lưu thông bắt buộc tối thiểu bằng 30 ngày) Trường hợp phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm.
Trao đổi về việc cắt giảm hoa hồng cho các đại lý, ông Đông cho biết, có ghi nhận vài đơn vị phân phối xăng dầu cung cấp nhỏ giọt, giảm mạnh chiết khấu. Tuy nhiên, theo ông, bản chất là khi giá trong thời gian giãn cách xã hội giảm liên tục, các đơn vị đầu mối tăng mạnh chiết khấu, để đẩy hàng đi càng nhiều càng tốt, thu tiền về nhập thêm hàng khi giá thế giới giảm sâu.
Ngược lại, các đại lý thì "kén cá chọn canh", mua của nhiều đầu mối, chọn những nơi hoa hồng cao, gián đoạn số lượng nên khi giá lên cao thì việc quay lại những đầu mối cũ khó khăn bởi quy định các doanh nghiệp đầu mối chỉ đảm bảo cung ứng được đủ hàng cho hệ thống phân phối và các hợp đồng đã ký.
Ông Đông cũng cho biết, Bộ Công thương đã chỉ đạo các nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, Bình Sơn tăng công suất, sớm hoàn thành bảo dưỡng để cung cấp đủ lượng hàng theo hợp đồng đã ký với doanh nghiệp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận