Một trong những dự án lớn là Tòa nhà Diamond Flower Tower của Công ty CP Đầu tư và Phát triển nhà ở số 6 Hà Nội (Hadico6) nợ thuế lên tới 115,9 tỷ đồng. |
TS Lê Xuân Trường - Trưởng Khoa Tại chức - Học viện Tài chính phân tích thêm về tình trạng nợ đọng thuế của các đại gia trong lĩnh vực BĐS và xây dựng vừa bị nêu tên.
Nợ mới nhiều hơn nợ cũ
Vị chuyên gia này cho rằng, cần phải nói rằng nợ thuế là tình trạng tất yếu tồn tại song song với hoạt động thu thuế của Nhà nước vì luôn luôn tồn tại cả những yếu tố khách quan và chủ quan dẫn đến tình trạng đó. Điều quan trọng cần quan tâm là tỷ lệ nợ thuế cao hay thấp mà thôi.
Theo thông lệ quốc tế, xét trên bình diện cả quốc gia thì tỷ lệ nợ thuế so với tổng số thu từ thuế không quá 5% được coi là ở mức bình thường. Tình trạng chung về nợ thuế ở Việt Nam những năm qua là khá trầm trọng.
Theo Báo cáo Tổng kết công tác thuế năm 2014 của Tổng cục Thuế thì tính ở thời điểm 31/12/2014 tổng số thuế nợ của cả nước là 70.241 tỷ đồng, tăng 14,9% so với thời điểm 31/12/2013.
Nếu loại bỏ số nợ đã khoanh lại để xử lý như số nợ của các tập đoàn Vinashin, Vinaline… hoặc nợ của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản mà cơ quan thuế đã thực hiện tất cả các biện pháp cưỡng chế nhưng chưa thu hồi được thì số nợ trên chưa vượt quá 5% tổng thu từ thuế. Tuy nhiên, nếu tính hết cả những trường hợp này thì số thuế nợ đã chiếm xấp xỉ 7% số thu từ thuế, tức là vượt quá mức trung bình theo thông lệ quốc tế.
Như vậy, xét tổng thể thì tình hình nợ thuế ở Việt Nam những năm qua đã ở mức khá nghiêm trọng. Xu thế nợ thuế tăng mặc dù cơ quan thuế đã áp dụng nhiều biện pháp tích cực để thu hồi nợ thuế cho thấy số thuế nợ mới phát sinh nhiều hơn so với số thuế nợ cũ đã thu hồi được.
Riêng về lĩnh vực kinh doanh xây dựng và bất động sản thì trong khoảng 4 năm trở lại đây mức độ nợ thuế tăng mạnh so với trước đây, chẳng hạn như năm 2013 nợ thuế từ các khoản thu liên quan đến đất đai chiếm 14,6% và tăng 60% so với năm 2012; năm 2014 các khoản nợ liên quan đến đất đai chiếm tỷ trọng 12,6%, tăng 33,8% so năm 2014 (tăng hơn 2 lần so với mức tăng nợ thuế bình quân của tất cả các lĩnh vực)…
Tình hình nợ thuế khá trầm trọng như trên trong lĩnh vực bất động sản (có nhiều khoản thu liên quan đến đất đai) có cả những nguyên nhân chủ quan và khách quan, trong đó, đáng kể là 2 nguyên nhân chủ yếu sau: Thứ nhất, xét về khách quan, tình trạng đóng băng của thị trường bất động sản những năm gần đây làm cho tồn kho bất động sản tăng cao ở những doanh nghiệp không có phản ứng phù hợp với thị trường.
Thứ hai, một số cơ quan thuế địa phương chưa kiên quyết trong áp dụng các biện pháp cưỡng chế thu nợ, chưa bám sát tình hình kinh doanh của doanh nghiệp để áp dụng biện pháp thu nợ thuế có hiệu quả nhất, đặc biệt trong thời gian trước đây, cơ quan thuế chưa kiểm soát chặt chẽ được tất cả các tài khoản giao dịch của doanh nghiệp.
Có sự e dè, nể nang
Nhìn vào cơ cấu, bối cảnh hiện nay TS Lê Xuân Trường cho biết tình trạng nợ thuế diễn ra ở mọi loại nộp thuế ở mọi quy mô lớn nhỏ khác nhau và đối với mọi loại hình doanh nghiệp.
Nhìn chung, ngành Thuế đã áp dụng các biện pháp đôn đốc thu nộp và cưỡng chế nợ thuế bình đẳng giữa những doanh nghiệp thuộc các loại hình kinh tế và quy mô khác nhau. Thậm chí ngành Thuế đã nhận thức rất sâu sắc được tầm quan trọng của quản lý thuế đối với những doanh nghiệp lớn (Do số thu từ những doanh nghiệp này có ảnh hưởng rất lớn đến tổng số thu từ thuế và sự khác biệt về phương thức quản lý thuế so với các doanh nghiệp nhỏ) mà bằng chứng cụ thể nhất của nó là việc ngày 14/1/2010, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 106/QĐ-BTC thành lập Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn thuộc Tổng cục Thuế với chức năng tham mưu và theo dõi trực tiếp lĩnh vực quản lý thuế đối với doanh nghiệp lớn.
Trong danh sách nợ thuế mới được công bố công khai có một số doanh nghiệp lớn có uy tín trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, theo vị chuyên gia đã cho thấy nhiều điều.
Một là, ngay cả những doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực này có thể cũng gặp khó khăn về tài chính dẫn đến nợ thuế kéo dài do bị tác động khách quan từ những khó khăn của thị trường bất động sản.
Hai là, cái mà chúng ta vẫn khoác cho họ cái mác là “có uy tín” cũng chỉ là ánh hào quang trong quá khứ, còn họ ngày nay đã “đánh mất” chính mình rồi.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận