Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng hiện mới đạt gần 40% khối lượng thi công |
Đầu năm 2017, UBND TP.HCM yêu cầu các đơn vị thực hiện phải hoàn thành 12 dự án chống ngập vào giữa năm. Tuy nhiên, đến nay, hầu hết các dự án đều chậm tiến độ và nguy cơ trễ hẹn đưa vào khai thác.
Đổ lỗi vướng mặt bằng
Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, đến nay, mới chỉ có 2 công trình chống ngập hoàn thành là cải tạo hệ thống thoát nước đường Lương Văn Can (Q.8) và điểm Gò Dưa (Q.Thủ Đức). Thế nhưng, ngay cả hai công trình này cũng mới chỉ lắp xong cống bao, nạo vét lòng cống và chưa hoàn thiện duy tu mặt đường. Đáng nói, hiện trên địa bàn TP.HCM vẫn còn 10 điểm ngập vẫn chưa hoàn thành trong mùa mưa năm nay.
Trong số đó, 6 điểm ngập được giao cho Trung tâm Chống ngập và 4 điểm do Ban quản lý Giao thông đô thị triển khai, đều chậm tiến độ. 10 điểm ngập đang triển khai gồm 2 điểm tại Q.Tân Phú; 2 điểm tại Q.8; 4 điểm tại Q.6. Những điểm này dự kiến phải hết năm nay mới có thể hoàn thành.
Theo ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý hệ thống thoát nước, Trung tâm Điều hành chống ngập nước TP, các công trình chưa thể hoàn thành trong mùa mưa năm nay có nguyên nhân chính do vướng các công trình cấp thoát nước, viễn thông, điện lực, cáp và bàn giao mặt bằng chậm. Trước mắt, để xử lý nhanh các điểm ngập, trung tâm chống ngập đưa ra một số giải pháp cấp bách là nạo vét lòng cống, trong đó có việc đấu nối cống, lắp đặt máy bơm để hỗ trợ chống ngập tại một số vị trí như đường Hồng Bàng, An Dương Vương.
Ghi nhận của PV tại một dự án cải tạo hệ thống thoát nước trên tuyến đường Gò Dầu (từ Bình Long đến Tân Sơn Nhì), thuộc Q.Tân Phú, công trường rất ngổn ngang khiến tình hình giao thông nơi đây thường xuyên bị ùn tắc, gây khó khăn cho các phương tiện qua lại. Trung tâm chống ngập cho biết, hiện công trình này mới thi công được 60% khối lượng, đang vướng hệ thống cáp ngầm, điện lực trong khi chỉ được phép thi công ban đêm nên đơn vị thi công gặp không ít khó khăn.
Dự án chống ngập khủng cũng chậm
Đáng chú ý, từ năm 2016, TP.HCM bắt đầu triển khai dự án chống ngập quy mô lớn, với tổng vốn đầu tư lên tới 10.000 tỷ đồng, dự kiến sẽ hoàn thành ngày 30/4/2018. Dự án có khoảng 8km đê bao và 6 cống kiểm soát triều, sẽ giải quyết nạn úng, ngập cho hầu hết các quận, huyện của TP.HCM. Tuy nhiên, dự án này cũng đang chậm tiến độ. Nguyên nhân chính được các đơn vị liên quan lý giải là do vướng mặt bằng. Những nơi chưa bàn giao mặt bằng gồm: Cống kiểm soát triều Tân Thuận, cống Phú Xuân, cống Mương Chuối. Cụ thể, cống kiểm soát triều Tân Thuận (2 doanh nghiệp), cống Phú Xuân (14 hộ dân và 2 doanh nghiệp), cống Mương Chuối (99 hộ), cống Cây Khô (95 hộ), cống Phú Định (16 hộ và 1 tổ chức), đê kè, cống cầu Kinh, rạch Bà Bướm (198 hộ và 12 doanh nghiệp).
Theo ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Tập đoàn Trung Nam (chủ đầu tư), giai đoạn 1 của dự án hiện đã đạt gần 40% khối lượng thi công, khối lượng xây lắp còn lại (trên 60%) dễ thi công và tiến độ sắp tới nhanh hơn vì làm trên mặt nước. Để kịp tiến độ, hiện công ty đang huy động gần 1.900 cán bộ, kỹ sư, công nhân lao động cùng với 1.000 thiết bị máy móc. Nhưng trở ngại nhất là công tác giải GPMB thi công bờ kè dọc hai bờ mang cống. Nếu mặt bằng bàn giao trong tháng 9, công ty cam kết sẽ hoàn thành toàn bộ dự án.
Ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý hệ thống thoát nước, Trung tâm Điều hành chống ngập nước TP.HCM cho biết, trước đây, TP có đến 99 điểm thường xuyên bị ngập do triều cường và mưa. Tuy nhiên, đến thời điểm này, ngập nước do mưa còn 40 vị trí và ngập do triều cường còn 7 vị trí gồm: Huỳnh Tấn Phát (từ vòng xoay cầu Tân Thuận đến đường Trần Xuân Soạn), Trần Xuân Soạn (Q.7), Lê Văn Lương (Q.7), Nguyễn Văn Hưởng, Xa lộ Hà Nội (Q.2); QL50 (Bình Chánh), tỉnh lộ 10 (Bình Tân). Trong đó, đường Lê Văn Lương (Q.7) ngập nặng nhất (0,3m) mỗi khi thủy triều lên. Để không còn ngập do triều cường, dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng đang được triển khai tại Q.7, sẽ hoàn thành vào ngày 30/4/2018. Dự án này giải quyết tình trạng ngập nước do mưa và triều cường tại 6 quận, huyện trên địa bàn TP. Còn tại khu vực đường Nguyễn Văn Hưởng và Xa lộ Hà Nội (Q.2), TP đang triển khai xây bờ kè bao quanh bán bảo Thanh Đa, sau khi làm xong sẽ không còn ngập do thủy triều lên. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận