Ông Nguyễn Thiện Nhân, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM, tham quan gian hàng trưng bày của Công ty Cổ phần MISA |
Sáng 25/10, UBND TP.HCM phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) và Tổ chức Công nghiệp điện toán châu Á - châu Đại Dương (ASOCIO) tổ chức Hội nghị quốc tế về thành phố thông minh (Smart City). Hàng loạt các giải pháp công nghệ được các công ty giới thiệu để góp phần xây dựng thành phố thông minh trong tương lai.
Trí tuệ nhân tạo bắt đầu đi vào cuộc sống
Nhiều hành khách khi đi xe buýt luôn thấp thỏm không biết lúc nào xe buýt tới, vị trí mình đón có đúng tuyến xe buýt cần đi. Để phục vụ người dân, Công ty CP Đầu tư phát triển công nghệ Trí Nam xây dựng hệ thống bảng tin xe buýt điện tử cảm ứng đặt tại các trạm xe buýt lớn. Trên bảng tin này sẽ hiển thị thông tin các tuyến xe buýt sẽ đi qua, tuyến nào còn bao nhiêu phút nữa sẽ tới để hành khách chủ động. Trên bảng thông tin còn có tin tức về thời tiết, đọc báo, tình hình giao thông… cho hành khách đọc. Có cả số điện thoại đường dây nóng để hành khách phản ánh những vấn đề gặp phải khi đi trên đường.
Ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm VTHKCC TP.HCM cho biết, sẽ lắp đặt 2 bảng tin điện tử xe buýt này tại trạm xe buýt trên đường Hàm Nghi sắp tới để phục vụ hành khách. Trong khi đó ông Đỗ Bá Dân, Chủ tịch HĐQT Công ty Trí Nam, cho biết đang tiếp tục phát triển phần mềm để hành khách có thể tải ứng dụng này về điện thoại và sử dụng một cách thuận lợi nhất.
Ban tổ chức hội nghị đã khảo sát nhanh với trên 150 đại biểu về các khó khăn và giải pháp khi xây dựng và phát triển thành phố thông minh. Các đại biểu cho rằng, bốn khó khăn lớn khi triển khai Smart City bao gồm: Kinh phí quá lớn (64%), khả năng kết nối thông tin giữa các đơn vị (41%), Chính phủ chưa có chính sách, cơ chế khuyến khích (37%) và nguồn nhân lực còn hạn chế (32%). Ba giải pháp được các đại biểu lựa chọn nhiều nhất để giải quyết các khó khăn này bao gồm: Chính phủ cần có cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển (73%), cần tăng cường hợp tác công tư (42%) và tổ chức các khóa đào tạo, tư vấn (38%). |
Tại hội nghị, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM Dương Anh Đức đã trình bày chi tiết kế hoạch phát triển Smart City tập trung trước mắt vào 5 nội dung chính: Xây dựng kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở; Xây dựng Trung tâm mô phỏng dự báo xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; Xây dựng Trung tâm điều hành; Thành lập Trung tâm an toàn an ninh thông tin và đề xuất ra một khung công nghệ tổng quan làm nền tảng cho việc triển khai xây dựng đô thị thông minh. Có 7 lĩnh vực được ưu tiên phát triển bao gồm: Cải cách hành chính gắn với xây dựng chính quyền điện tử; Giao thông; Chống ngập; Môi trường; Y tế, dịch vụ sức khỏe cộng đồng, an toàn thực phẩm; An ninh trật tự an toàn xã hội; Chỉnh trang đô thị.
Ở lĩnh vực giáo dục, Công ty CP MISA vừa phát triển tính năng “Trợ lý nhập liệu số” trên phần mềm Quản lý trường học qlth.vn. Phần mềm giúp giáo viên nhập điểm và nhận xét học sinh bằng giọng nói nhanh chóng và chính xác. Giáo viên chỉ cần tải phần mềm vào máy tính, điện thoại sau đó đọc điểm của các học sinh mình đã chấm, máy sẽ tự động điền vào mà không cần phải gõ hay viết bằng tay.
Trong lĩnh vực quản lý nhà hàng, quán ăn, quán cà phê, MISA phát triển phần mềm cukcuk.vn - “Nhân viên order số” ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quản lý nhà hàng, quán cà phê. Thực khách dùng giọng nói để đặt món ăn, ngay lập tức phần mềm cukcuk.vn sẽ ghi nhận và chuyển tới bộ phận bếp/bar để chế biến. Điều này giúp thực khách cảm thấy hứng thú hơn khi được trò chuyện với phần mềm như một con người thực thụ.
“Hiện phần mềm Quản lý trường học đã được MISA triển khai cho hơn 10.000 trường học trên toàn quốc, và hơn 5.000 phường, xã ứng dụng phần mềm Quản lý hộ tịch trực tuyến. Chúng tôi mong muốn các cấp chính quyền tiếp tục mở cửa để áp dụng các phần mềm của chúng tôi vào quản lý công việc”, ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc sản phẩm Công ty MISA nói.
Thông minh là phải dự báo trước
Theo ông Phạm Thanh Tuấn, Giám đốc Công ty Hệ thống thông tin FPT, việc áp dụng các giải pháp đô thị thông minh chưa bao giờ là muộn và tốn ít chi phí hơn. Nhưng ứng dụng công nghệ không phải chiếc đũa thần, ứng dụng là quản lý tốt ngay mà phải có quá trình để hoàn thiện mới có giải pháp hoàn chỉnh. Việc phát triển công nghệ số chưa cần sự hỗ trợ nhiều của chính quyền về vốn, thuế mà quan trọng làm sao chính quyền các cấp tạo điều kiện triển khai các giải pháp công nghệ này vào thực tế.
Tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm phần mềm của các công ty Việt Nam, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM cho rằng, muốn thực hiện đô thị thông minh phải ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình phát triển đô thị một cách hiệu quả hơn. Đô thị thông minh phải dựa trên 4 chủ thể đó là chính quyền, doanh nghiệp, người dân và các tổ chức xã hội phải hành động thông minh.
Giải pháp đầu tiên của đô thị thông minh là chính quyền đô thị phải dự báo được dài hạn, có chiến lược phát triển dài hạn, nhận ra các nguy cơ ách tắc, có khả năng đề xuất các chiến lược, chương trình để ách tắc không xảy ra. “Về mặt này chúng tôi làm chưa được. Chúng tôi có thể giải quyết được những sự vụ nhưng chúng tôi chưa giỏi để nhận ra những tình huống có thể xảy ra trong tương lai để phòng tránh”, ông Nhân thừa nhận.
Chia sẻ về những kinh nghiệm trong việc xây dựng đô thị thông minh, ông David Wong, Chủ tịch ASOCIO cho biết, các nước trong khu vực như: Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore…giai đoạn đầu cũng gặp nhiều khó khăn, nhưng họ làm từng bước, từng lĩnh vực để sau đó có một hệ thống quản lý đô thị thông minh. Một trong những yếu tố quan trọng để xây dựng đô thị thông minh là nguồn nhân lực. “Chúng tôi thấy rằng Việt Nam có lợi thế về nguồn lực trẻ, có trình độ công nghệ để xây dựng và quản lý đô thị thông minh”, ông David Wong nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận