Bản đồ số dịch tễ tại tâm dịch Bắc Giang cập nhật liên tục các ca mắc Covid-19, điểm cách ly, khu vực phong tỏa
Thần tốc xây dựng bản đồ số Covid-19
Sở TT-TT Hòa Bình vừa thông tin đã hoàn thành và đưa vào sử dụng phần mềm bản đồ số dịch tễ, hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Ông Bùi Đức Nam, Giám đốc Sở TT-TT Hòa Bình Bùi Đức Nam cho biết, phần mềm này được nâng cấp, bổ sung từ bản đồ số Covidmaps nhằm giúp các cơ quan quản lý nhà nước cũng như người dân trong việc tra cứu, cập nhật thông tin liên quan đến dịch Covid-19.
“Phần mềm có giao diện dễ sử dụng, tối ưu được nhiều tính năng, vừa giúp hỗ trợ công tác truyền thông về Covid-19 vừa đồng bộ với các hoạt động tiêm vaccine phòng Covid-19 như khai báo tại chỗ, tại điểm phòng dịch; truy vết lịch trình di chuyển; định vị chính xác khu vực bị phong tỏa, cách ly y tế; thông báo tiêm vaccine phòng Covid-19 và các điểm tiêm; tổng hợp dữ liệu báo cáo nhanh chóng, kịp thời”, ông Nam thông tin.
Trước đó, ngày 24/5, Lạng Sơn cũng gây bất ngờ với việc xây dựng và vận hành CovidMaps thần tốc chỉ trong 2 ngày. Ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn nhận định: “Trước diễn biến phức tạp, để theo dõi toàn diện, tổng thể diễn biến tình hình dịch bệnh và công khai cho toàn dân biết, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở TT&TT xây dựng hệ thống bản đồ số CovidMaps. Trong 2 ngày thứ 7 và Chủ nhật vừa qua, Sở TT&TT Lạng Sơn đã hoàn thành xây dựng bản đồ số covidmaps với đầy đủ số liệu cập nhật theo thời gian thực của Sở Y tế Lạng Sơn”.
Ngoài Hòa Bình và Lạng Sơn, 8 địa phương khác cũng đã triển khai phần mềm CovidMaps bao gồm: Đà Nẵng, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Quảng Nam, Gia Lai, Phú Yên.
Người dân dễ dàng tra cứu, tránh di chuyển tới "điểm nóng"
Chỉ sau 2 ngày vận hành, số lượng người truy cập vào địa chỉ https://covidmaps.langson.gov.vn, liên tục gia tăng, có thời điểm lên tới hàng chục nghìn người.
Chị Nguyễn Thị Hoa (Hữu Lũng, Lạng Sơn) cho biết, chỉ cần click chuột vào bản đồ có thể nhận được tất cả thông tin về dịch Covid-19 trên địa bàn, từ số người nhiễm tới điểm cách ly tập trung, các vùng cách ly y tế, chốt kiểm soát dịch bệnh...đều hiển thị trên bản đồ theo thời gian thực.
"Quan trọng nhất là bản đồ cung cấp thông tin truy vết dịch, thông báo khu vực sinh sống và địa điểm tiếp xúc của bệnh nhân nhiễm Covid-19 trong vòng 14 ngày... giúp người dân dễ dàng xác định được lộ trình người nhiễm và các điểm cách ly tập trung không di chuyển đến các điểm nóng, tránh lây nhiễm dịch", chị Hoa cho biết.
Giao diện CovidMaps của Lạng Sơn khá trực quan và chi tiết, dễ sử dụng
Đại diện Sở TT-TT Lạng Sơn cho biết, trên nền công nghệ CovidMaps, mỗi địa phương sẽ có cách ứng dụng và nâng cấp sao cho phù hợp với điều kiện trên địa bàn quản lý.
Đơn cử, trên bản đồ dịch tễ của Lạng Sơn, các điểm cách ly tập trung, phần cảnh báo sẽ hiện thời gian áp dụng, số lượng tiếp nhận tối đa, số lượng người đang cách ly và số lượng có thể tiếp nhận thêm. Khi người dân có nhu cầu tìm những nơi bệnh nhân nhiễm Covid-19 đã từng đến với thời gian chính xác, hệ thống sẽ tra cứu thông tin dịch tễ của bệnh nhân theo số hiệu.
"Bên cạnh đó, bản đồ số cũng hiển thị danh sách bệnh nhân theo số hiệu hoặc chữ viết tắt cùng thông tin cá nhân cơ bản như năm sinh, giới tính, tình trạng sức khoẻ và nơi đang điều trị. Bản đồ số hiển thị rất cụ thể, trên màn hình có chú thích cho từng biểu tượng như vùng cách ly, khu vực nhà bệnh nhân, chốt kiểm soát dịch... để người dân dễ dàng nắm bắt, không di chuyển đến", vị đại diện cho biết.
Công bố thông tin dịch tễ chính xác, tránh gây hoang mang
Các thông tin dịch tễ trên bản đồ CovidMaps đều do các Sở Y tế địa phương cung cấp theo thời gian thực và được Sở TT&TT cập nhật liên tục trên phần mềm để bảo đảm cung cấp thông tin cho cộng đồng, người dân nhanh chóng, kịp thời. Người dân có thể gửi phản ánh, góp ý qua ứng dụng, hệ thống. Hình thức thông tin này cũng hoàn toàn phù hợp với Luật Khám chữa bệnh hiện hành.
Mới đây, Bộ Y tế cũng đã có văn bản yêu cầu các đơn vị trực thuộc không công bố danh tính, chi tiết lịch trình, quá trình tiếp xúc của bệnh nhân Covid-19, chỉ công bố, khuyến cáo các điểm đến có nguy cơ dịch tễ (nơi từng có người mắc COVID-19 đến) để người dân từng di chuyển, tiếp xúc tại khu vực đó có biện pháp bảo vệ mình và người xung quanh theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Trước đó, trong quá trình phòng chống dịch Covid-19, do để "truy vết" ca bệnh, đã có tình trạng công khai tên, địa chỉ, số điện thoại, quá trình đi lại của bệnh nhân, gây phiền hà đến đời sống của người bệnh.
Đối với việc tiêm ngừa, theo Bộ Y tế, gần đây việc thông tin số người đã được tiêm vaccine có được thông báo, nhưng số trường hợp gặp phản ứng sau tiêm (kể cả các phản ứng nhẹ, tại chỗ) thì lại không được cung cấp kịp thời.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận