Bạn cần biết

Hàng loạt trẻ mắc sùi mào gà: Khi nào cần nong bao quy đầu?

18/07/2017, 09:08
image

Vụ trẻ sùi mào gà: Bác sĩ khuyến cáo, nong tách bao quy đầu cần thực hiện ở cơ sở y tế uy tín.

nong bao quy đầu cho trẻ

Các bác sĩ khuyến cáo, việc nong tách bao quy đầu cần được thực hiện ở cơ sở y tế uy tín

Trước sự việc hàng loạt trẻ mắc sùi mào gà do nong tách bao quy đầu tại một cơ sở y tế kém chất lượng, Ths. BS. Nguyễn Đình Liên, Khoa Ngoại, BV Đại học Y Hà Nội khuyến cáo, với trẻ nhỏ không phải lúc nào cũng cần thiết phải thực hiện thủ thuật nong tách bao quy đầu. Ông Liên cũng cho biết, có nhiều trường hợp trẻ bị biến chứng, viêm bao quy đầu do nong tách bao quy đầu sai.

Theo BS Liên, trẻ nam sinh ra thường da bao quy đầu thường dài hơn so với quy đầu dương vật. Quy đầu dương vật thường dính với da bao quy do chất gây dịch ối, dịch cặn nước tiểu bào thai. Mặt khác phản xạ cương cứng của dương vật ít xuất hiện nên không có phản xạ đâm xuyên ra trước để khoan, nong rộng lỗ bao quy đầu. Bên cạnh đó, trẻ sơ sinh hay trẻ nhỏ hiện nay được sử dụng bỉm nhiều nên tạo điều kiện thuận lợi cho viêm nhiễm vùng quy đầu, tạo điều kiện lắng đọng chất cặn nước tiểu ở trong lòng bao quy đầu. Chất cặn như kéo dán này tăng khả năng dính giữa niêm mạc bao quy đầu với quy đầu dương vật.

Theo khuyến cáo của BS. Liên, để nhận thấy có cần nong tách bao quy đầu không, cha mẹ chỉ cần chú ý da bao quy đầu mềm mại, có thể di động dễ dàng khi bạn kéo bao quy đầu về phía gốc. Nếu kéo mạnh sẽ thấy được miệng sáo – miệng niệu đạo (lỗ tiểu) của quy  đầu. Có thể sờ thấy dưới da bao quy đầu là những hạt tròn, mềm, mầu trắng do cặn nước tiểu vón cục lại. Lỗ của da bao quy đầu mềm, mỏng.

"Đa phần trẻ em là hẹp bao quy đầu sinh lý, nếu vệ sinh, chăm sóc bao quy đầu tốt thì trẻ sẽ có thể tự hết hẹp. Do đó nong tách bao quy đầu là không cần thiết nếu trẻ không bị viêm dính bao quy đầu", ông Liên cho biết.

Với trường hợp hẹp bao quy đầu bệnh lý ở trẻ nhỏ, có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu do những nguyên nhân viêm nhiễm bao quy đầu, nhiễm khuẩn tiết niệu. Tuy nhiên, việc quyết định nong tách bao quy đầu ở trẻ nhỏ thường dè dặt, hạn chế do việc chăm sóc sau tiểu phẫu rất khó khăn.

Theo phân tích của ông Liên, khi dùng dụng cụ nong tách sớm bao quy đầu ở trẻ em làm đứt gẫy các tổ chức phần mềm của bao quy đầu, xé rách miệng bao quy đầu giúp quy đầu chui được ra ngoài. Tuy nhiên, sau đó nếu bao quy đầu không được thường xuyên nong, vệ sinh thì phản ứng viêm xơ hóa và co hẹp lại miệng bao quy đầu.  Điều này rất thường gặp do tâm lý bố mẹ trẻ thường sợ con đau nên không thực hiện được nhiệm vụ chăm sóc bao quy đầu sau nong, hoặc không tái khám để thực hiện thủ thuật kiểm tra, nong lại bao quy đầu cho trẻ. Do vậy, việc nong tách khó thành công.

"Khi cần nong tách bao quy đầu cho trẻ, cha mẹ cần đến các cơ sở có bác sĩ chuyên khoa tiết niệu hoặc nam khoa có uy tín để được khám, tư vấn cụ thể", ông Liên khuyến cáo.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.