Theo sử sách, Lễ hội Tịch điền bắt nguồn cách đây 1.037 năm, từ khi Vua Lê Đại Hành về chân núi Đọi làm Lễ Tịch điền (cày ruộng) đầu tiên trong lịch sử Việt Nam vào mùa xuân năm Đinh Hợi, niên hiệu Thiên Phúc thứ 7 (tức năm 987).
Kể từ đó, Lễ hội Tịch điền trở thành một mỹ tục được các triều đại về sau thực hiện trang trọng, thành kính.
Lễ hội Tịch điền được khôi phục lại vào năm 2009 với quy mô lớn, thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương tham dự. Lễ hội đã tái hiện truyền thống "Dĩ nông vi bản" để khuyến khích sản xuất nông nghiệp.
Không chỉ cầu mong cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi, Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn còn khơi dậy tình cảm gắn bó, tình yêu lao động của người dân với mảnh đất quê hương và giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ.
Thời xưa, Vua Lê Đại Hành là vị vua khởi xướng việc cầm cày xuống ruộng trong lễ hạ điền đầu năm.
Từ đó, lễ được coi như Quốc lễ bởi ý nghĩa nhân văn và tinh thần khuyến khích sản xuất nông nghiệp - "Một lần vua cầm cày hơn ngàn lần vua xuống chiếu khuyến dụ, một lần vua gần dân hơn ngàn lần vua hô hào cổ vũ".
Lễ hội Tịch điền năm nay vẫn giữ nguyên các hoạt động truyền thống về phần lễ gồm: Nghi thức đánh trống và múa rồng khai hội; Nghi lễ đọc văn trình và nhập linh khí quân vương, nghi trình cày Tịch điền.
Phần hội năm nay diễn ra sớm hơn và kéo dài hơn. Các giải thể thao quần chúng thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương tham gia như: Bóng chuyền hơi, bóng chuyền da, cờ tướng, nhiều trò chơi dân gian đã được tổ chức như: Đánh đu, bịt mắt bắt dê, giải vật tịch điền...
Các hội thi như: Hội thi vẽ trang trí trâu; Hội thi làm bánh dày của các dòng họ làng Đọi Tam, các hoạt động văn hóa, văn nghệ và các gian hàng trưng bày triển lãm các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tiêu biểu của thị xã Duy Tiên và tỉnh Hà Nam cũng được tổ chức đã mang lại không khí vui vẻ, phấn khởi cho Lễ hội Tịch điền.
>>> Một số hình ảnh tại lễ hội:
Màn bắn pháo hoa tầm thấp được người dân mong chờ.
Tuy nhiên, nhiều người thất vọng vì quá nhiều khói.
Hội thi vẽ, trang trí cho trâu cày năm nay thu hút rất nhiều họa sỹ và các nghệ nhân từ khắp các tỉnh về tham dự. Đã có 20 con trâu được đưa vào chấm giải.
Những chú trâu khỏe mạnh, được trang trí đẹp mắt nhất sẽ được chọn để tham gia cày ruộng cùng vua trong lễ hội.
Các cụ cao niên đại diện cho các dòng họ thực hiện nghi thức kéo trâu cày.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận