Khám bộ phận sinh dục cho trẻ nam |
Bà Trương Thị Kim Hoa, Giám đốc Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết, đây là năm thứ 3, đơn vị thực hiện chương trình của UBND quận về đánh giá các chỉ số bệnh lý thường gặp ở bộ phận sinh dục trẻ trai (từ 3 - 5 tuổi) như bất thường về tinh hoàn, lệch lỗ tiểu (lỗ tiểu thấp), hình thái dương vật bất thường, thoát vị bẹn, các biểu hiện bất thường vùng bẹn, các vấn đề về bao quy đầu (hẹp và dính) của trẻ.
Năm nay, đơn vị đã phối hợp với Trung tâm Nam học, BV Hữu nghị Việt Đức tiến hành kiểm tra sàng lọc bất thường bộ phận sinh dục cho trẻ trai tại 42 trường mầm non, mẫu giáo và nhóm trẻ tư thục tại quận Hoàn Kiếm. Sau thăm khám cho 3.189 trẻ, kết quả 1.748 trẻ (tương đương 54,8%) bình thường; 45,2% trường hợp còn lại (tương đương 1.441 trẻ) có kết quả bất thường (năm 2016 là 63%), bao gồm các vấn đề về bao quy đầu, tinh hoàn, lệch lỗ tiểu… Trong đó, có 331 (chiếm 22,97%) bị dính bao quy đầu. Những trường hợp này, theo tư vấn của các bác sĩ Trung tâm Nam học, chỉ cần sự hỗ trợ thêm hàng ngày từ phía gia đình bằng cách chú ý kiên trì lộn rửa bao quy đầu khi vệ sinh cho con để đảm bảo bộ phận sinh dục được lộn ra hoàn toàn mà không cần tới bất kỳ can thiệp chuyên khoa nào.
“Trong lần khám này, có 75 ca có dấu hiệu tinh hoàn lạc chỗ, thoát vị bẹn, dị dạng dương vật, lún dương vật, lỗ tiểu lệch, hình thái dương vật bất thường… được khuyến cáo cần can thiệp ngoại khoa”, bà Hoa thông tin.
Phân tích sâu hơn, bà Hoa cho biết, mặc dù có 1.441 trẻ có vấn đề về bộ phận sinh dục, tuy nhiên, không phải tất cả đều đi tới BV hoặc yêu cầu can thiệp mà trong đó có những vấn đề cần việc quan tâm, xử lý tại gia đình. Cụ thể như việc vệ sinh bộ phận sinh dục cho trẻ, hẹp bao quy đầu, bán dính, viêm đường tiết niệu… Đây là những trường hợp nhiều gia đình cho rằng, trẻ vẫn hoàn toàn bình thường nhưng theo các bác sĩ, sẽ liên quan tới vấn đề sức khỏe sinh sản và tâm lý khi trẻ trưởng thành.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận