Số xe bị tạm giữ gồm khoảng 1.000 chiếc Porsche, hàng trăm chiếc Bentley và vài nghìn chiếc Audi.
Những chiếc ô tô này bị giam giữ sau khi có thông tin về một linh kiện được sản xuất ở Trung Quốc bị nghi vi phạm đạo luật chống lao động cưỡng bức của Mỹ.
Theo Financial Times, hãng Volkswagen không biết về nguồn gốc của các chi tiết phụ tùng này vì nó đến từ nhà cung cấp phụ nằm sâu trong chuỗi cung ứng. Sau khi có nghi vấn về việc linh kiện vi phạm đạo luật, hãng đã hoãn giao xe tới cuối tháng 3.
Bên cạnh đó, Volkswagen đã thông báo cho cơ quan có thẩm quyền của Mỹ về việc những linh kiện phụ tùng này đến từ miền Tây Trung Quốc.
Người phát ngôn của Volkswagen khẳng định: "Ngay sau khi nhận thông tin về những cáo buộc liên quan đến một trong những nhà cung cấp phụ, chúng tôi đã ngay lập điều tra vấn đề. Sau khi xác nhận được sự thật, công ty sẽ có những động thái khắc phục ngay lập tức. Trong trường hợp có vi phạm nghiêm trọng về nhân quyền thì có thể chấm dứt hợp tác với nhà cung cấp".
Đây không phải lần đầu tiên hoạt động kinh doanh của Volkswagen tại khu vực Tân Cương gây chú ý. Công ty này đang vận hành một cơ sở liên doanh cùng SAIC Motor tại thủ đô Urumqi của Tân Cương.
Theo Đạo luật phòng chống lao động cưỡng bức với người Duy Ngô Nhĩ năm 2021 của Mỹ, nước này cấm nhập khẩu với các sản phẩm được cho là sản xuất bằng lao động bị cưỡng bức, đàn áp ở khu vực Tân Cương của Trung Quốc, cũng như các khu vực khác.
Từ năm 2022, Cục Hải quan và biên phòng Mỹ bắt đầu thực thi "Đạo luật phòng chống lao động cưỡng bức với người Duy Ngô Nhĩ".
Theo đó, luật này giả định tất cả hàng hóa từ Tân Cương đều được sản xuất bằng lực lượng lao động cưỡng bức và do đó bị cấm nhập khẩu vào Mỹ. Các hàng hóa này chỉ có thể nhập cảnh vào Mỹ nếu các công ty chứng minh được không có "lao động cưỡng bức".
Trung Quốc chưa bình luận về động thái thu giữ hàng nghìn xe sang từ phía Mỹ nhưng trước đây năm 2022, sau động thái từ Cục Hải quan và biên phòng Mỹ, tại cuộc họp báo thường kỳ khi phóng viên hãng tin Bloomberg hỏi về việc luật trên bắt đầu có hiệu lực, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân chỉ trích:"'Đạo luật phòng chống lao động cưỡng bức với người Duy Ngô Nhĩ' của Mỹ được xây dựng dựa trên sự dối trá và được thiết kế để áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với những thực thể và cá nhân có liên quan ở Tân Cương. Động thái này là sự tiếp nối của sự dối trá đó và sự leo thang đàn áp của Mỹ đối với Trung Quốc với cái cớ nhân quyền".
Bên cạnh đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng, cáo buộc "lao động cưỡng bức" ở Tân Cương là lời nói dối của các lực lượng chống Trung Quốc nhằm bôi nhọ Bắc Kinh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận