Không xảy ra ách tắc tại các cảng biển lớn trên cả nước |
Bảo hộ quyền vận tải nội địa
Bà Đỗ Thị Ngọc Trang - Phó Tổng giám đốc CTCP Vận tải biển Đông cho biết, trước khi có quyết định hạn chế tàu container treo cờ nước ngoài vận tải nội địa, đội tàu container của Công ty gặp nhiều khó khăn. Ngoài hai tàu cho thuê định hạn ở nước ngoài, 6 tàu còn lại đều phải neo đậu vì thiếu nguồn hàng.
“Hiện tại, nhờ chính sách bảo hộ quyền vận tải nội địa, các tàu của công ty đều khai thác tốt, mang lại nguồn thu ổn định” - bà Trang nói.
Đồng quan điểm, Phó Tổng giám đốc Vinafco - bà Trần Thị Thu Hà cho biết, Vinafco không những chỉ trụ lại được sau một thời gian vô cùng khó khăn mà còn đang tiếp tục đầu tư mở rộng kinh doanh khai thác. Vinafco vừa mạnh dạn đầu tư thêm một tàu container, nâng tổng số tàu đang khai thác trên tuyến nội địa Bắc - Nam là 3 tàu.
Tương tự, đại diện các DN vận tải biển như: CTCP Vận tải biển Đại Tây Dương, CTCP Vận tải biển Vinalines, CTCP Hàng hải Đông Đô… đều khẳng định dù chưa thực sự có lãi trở lại nhưng những ngày khó khăn nhất đã ở phía sau.
Hết cảnh hàng nội đi tàu ngoại
Không nói đến thị trường vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu, trên thị trường vận tải nội địa (vốn là mảnh đất mà tàu ngoại “bất khả xâm phạm” của hầu hết các quốc gia), đội tàu biển VN đã dần chiếm lĩnh được thị phần.
Điều 7, Bộ luật Hàng hải VN quy định rõ: Tàu biển Việt Nam được ưu tiên vận tải nội địa đối với hàng hóa, hành khách và hành lý. Khi tàu biển Việt Nam không có đủ khả năng vận chuyển thì tàu biển nước ngoài được tham gia vận tải nội địa trong một số trường hợp nhất định. |
Trưởng phòng Vận tải và dịch vụ hàng hải - Cục Hàng hải VN Trịnh Thế Cường cho biết, tính đến tháng 4/2014, vẫn còn 8 tàu container mang cờ quốc tịch nước ngoài được cấp phép vận tải nội địa. Tuy nhiên, trong số này có 6 tàu với tổng trọng tải 59.000 DWT mang cờ quốc tịch nước ngoài nhưng thuộc sở hữu của 4 doanh nghiệp VN. Hai tàu mang cờ quốc tịch nước ngoài thuộc sở hữu nước ngoài (hãng Maesrk Lines) được cấp phép vì có tàu mẹ cung cấp tuyến dịch vụ tại khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải.
“Sau một năm thực hiện phương án thay thế tàu biển nước ngoài vận tải container nội địa bằng tàu biển VN, các DN đều nhận định sản lượng vận tải biển container nội địa tăng hơn, khoảng 8-10%” - ông Cường khẳng định.
Nhấn mạnh về quyền vận tải nội địa, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải VN Bùi Thiên Thu cho biết, không chỉ có Việt Nam đang áp dụng quyền vận tải nội địa “Cabotage Rights”. Nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới (Trung Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Malaysia, Thái Lan...) đều có quy định bảo hộ thị trường vận tải nội địa của mình.
Cảng thông thoáng, cước vận tải bình ổn
Trước khi thực hiện quyền vận tải nội địa, không ít người đã tỏ ra nghi ngờ năng lực của đội tàu biển quốc gia, liệu có đảm nhận tốt thị phần vận tải, có để xảy ra ách tắc cảng biển hay gây “bão giá”… Tuy nhiên, đến nay, những e ngại này đều được loại trừ. Tổng thư ký Hiệp hội chủ hàng VN Phan Thông, khẳng định, chưa nhận được phản hồi của thành viên nào về giá cũng như việc chậm làm hàng do ách tắc tại cảng.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Công ty Vận tải biển Vinalines container cho biết, tàu của công ty xếp hàng tại các cảng lớn chỉ 4 -5 tiếng là xong, lâu nhất cũng chưa quá 24 giờ.
Liên quan đến giá, ông Hiếu cho rằng, không có chuyện giá tăng so với trước kia nếu không muốn nói là cước vận tải đang giảm tới 20% so với cùng kỳ. “Trước kia, cước vận tải container chiều Hải Phòng - TP HCM khoảng 5,2 triệu đồng/container, giờ còn 3,6-3,7 triệu. Ở chiều ngược lại, mức giá vẫn giữ ổn định ở mức 7-7,1 triệu đồng/container”.
Thanh Bình
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận