Showbiz

Hãng phim Việt Nam: Kẻ không dám bơi có quyền đứng lại trên bờ

10/05/2016, 14:57

Đại diện Hãng phim truyện Việt nam cho rằng, với kinh tế thị trường kẻ nào không dám bơi, kẻ đó đứng trên bờ.

hangphim1

Bước sang giai đoạn kinh tế thị trường, kẻ nào không dám bơi kẻ đó đứng trên bờ

Cổ phần hóa không phải là xóa bỏ hãng phim

Trong quá trình cổ phần hóa các hãng phim truyện, đặc biệt là hãng phim truyện Việt Nam, đạo diễn Vương Đức cũng thừa nhận, ông từng không muốn cổ phần hóa. Nhưng với cương vị là lãnh đạo, ông phải tuân thủ quyết định của nhà nước. “Vừa rồi tôi có hai chuyến công du quan trọng, đó là chuyến đi chợ phim Hong Kong và Triển lãm công nghệ của Mỹ. Tôi ngộ ra một điều, cổ phần hóa sẽ làm hãng phim truyện Việt Nam “thay máu”. Nếu không thì một là phải ôm nhau ra Hồ Tây chìm, hai là phải có biện pháp nào đó để cứu vãn. Biện pháp đó chỉ có thể là cổ phần hóa".

“Tôi cho rằng, Hãng phim truyện Việt Nam đã hoàn thành sứ mạng lịch sử của mình.

Bây giờ bước sang giai đoạn mới, giai đoạn chiến đấu với kinh tế thị trường, giai đoạn bơi ra biển lớn. Kẻ nào không dám bơi, kẻ đó có quyền đứng lại trên bờ”.

– Biên kịch Đinh Thiên Phúc.

Từng gắn bó hơn 30 năm với VFS, biên kịch Đinh Thiên Phúc cho biết, ông ủng hộ cổ phần hóa, dù sự thay đổi lúc này là quá muộn màng. Nhà biên kịch nhìn nhận, cổ phần hoá sẽ có sự thay đổi mạnh mẽ, quyết liệt, xoá bỏ sự trì trệ, dựa dẫm để sống đúng năng lực của mỗi cá nhân.

Theo ông, thay đổi không có nghĩa là xoá bỏ, xếp xó những giá trị tốt đẹp trong quá khứ. Điều gì tốt đẹp phải được kế thừa cùng việc tiếp cận nhanh cái mới, cái trẻ trung và hiện đại để có thể vững vàng bươn chải trong kinh tế thị trường.

Trong khi đó, ông Nguyễn Danh Thắng - Phó TGĐ Tổng công ty vận tải thủy (VIVASO) khẳng định, cổ phần hóa không phải là xóa bỏ hãng phim. Chỉ đơn giản, trước đây hãng phim thuộc quyền sở hữu và quản lý của nhà nước thì bây giờ, quyền đó thuộc về tư nhân. "Chúng tôi sẽ chỉ tái cơ cấu hãng phim, nâng cấp lại cơ sở vật chất phục vụ cho công tác sản xuất điện ảnh, kinh doanh của công ty sau này”, ông trả lời.

Hãng phim có thể “đổi đời” khi cổ phần hóa?

Đạo diễn Vương Đức tâm sự, ông tin người làm phim nghệ thuật thì chắc chắn không làm tốt phim thị trường. Theo ông, các đạo diễn phải học làm phim thương mại chứ không thể dựa dẫm vào công ty đầu tư chiến lược. Bởi nếu cứ quen dựa dẫm như khi còn trong nhà nước, thì khi vào công ty cổ phần sẽ bị đánh bật ngay.

Chính đại diện của VIVASO cũng bày tỏ sự tin tưởng vào năng lực của đội ngũ làm phim của nhà số 4 Thụy Khuê. Ông Thắng nói: “Chúng tôi kỳ vọng vào lực lượng cán bộ, những nhà chuyên môn, các đạo diễn, nghệ sĩ đã có rất nhiều kinh nghiệm ở hãng phim truyện. Khi hoạt động trên cơ chế thị trường, với những chế độ đãi ngộ phù hợp, chúng tôi tin sẽ thu hút được các nhà chuyên môn, không những ở trong ngành phim truyện mà cả bên ngoài, để có thể đa dạng hóa các sản phẩm nghệ thuật mà hãng phim làm ra”.

Đạo diễn Hà Sơn khẳng định, việc đặt trách nhiệm làm phim nghệ thuật với công ty vận tải thủy là quá khó, bởi bản thân hãng phim chưa thực sự làm ra một phim nghệ thuật hoàn chỉnh. Ông cho hay, chỉ cần VIVASO làm được bộ phim mà nuôi được người khác mừng lắm rồi. Chúng ta cứ đặt niềm tin, đừng hoài nghi trước điều gì cả.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.