Thống kê của Cục Hàng hải VN, thời gian vừa qua, hệ thống cảng biển Việt Nam đã có sự phát triển ấn tượng khi sản lượng hàng hóa liên tục tăng trưởng.
Đặc biệt, trong giai đoạn từ năm 2015-2019, tốc độ tăng trưởng bình quân trong 5 năm đạt gần 15%/năm.
Trong đó, năm 2017, sản lượng hàng hoá thông qua cảng biển đạt đạt 512,7 triệu tấn (tăng 23% so với cùng kỳ năm 2016). Tới năm 2018, sản lượng hàng hóa thông qua đạt 596,56 triệu tấn (tăng 16%) và năm 2019 đạt 664,6 triệu tấn (tăng 11%).
Sản lượng hàng hóa container tính theo Teu cũng có sự tăng trưởng ấn tượng. Từ 16,487 triệu teus vào năm 2017, tăng lên 19,634 triệu teus vào năm 2019.
Tuy nhiên, từ năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid - 19 kéo dài làm cho tốc độ tăng trưởng hàng hóa thông qua chậm lại. Mức tăng trưởng bình quân khoảng 4% so với cùng kỳ.
Trong năm 2022, khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển đạt 724,08 triệu tấn (tăng 4% so với cùng kỳ năm 2021. Hàng container thông qua cảng biển trong năm 2022 đạt 25,1 triệu teus, tăng 5% so với cùng kỳ.
Trong 10 tháng đầu năm 2023, khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển đạt khoảng 624,559 triệu tấn, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2022.
Tại dự thảo tổng kết thi hành Bộ luật Hàng hải VN 2015, Bộ Giao thông vận tải cho biết, theo Thông tư số 54/2018 quy định khung giá dịch vụ tại cảng biển, so với các nước trong khu vực, giá dịch vụ bốc dỡ container của Việt Nam hiện nay ở mức thấp (bằng 80% Campuchia, 70% Malaysia, 61% của Indonesia, 46% của Singapore).
Trong đó, giá dịch vụ cảng biển thấp nhấp tại khu vực I (khu vực cảng miền Bắc với giá 33 USD/container 20 feet và 50 USD/container 40 feet).
Theo đánh giá của Bộ GTVT, với mức giá hiện tại, đây cũng được coi là lợi thế cạnh tranh của hệ thống cảng biển Việt Nam để thu hút tàu trọng tải lớn vào khu vực cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải và Lạch Huyện.
So với năm 2013, Việt Nam mới chỉ đón được 8 tuyến tàu mẹ ra vào làm hàng, thì đến nay, cảng biển Việt Nam đã đón được 28 tuyến tàu mẹ đi thẳng thị trường châu Âu, châu Mỹ.
Hàng hóa của Việt Nam đã đi thẳng sang thị trường châu Âu, châu Mỹ mà không phải trung chuyển qua nước thứ 3 như trước đây. Điều này góp phần giảm chi phí logistics, giảm thời gian lưu thông hàng hóa, góp phần tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa trong nước trên thị trường thế giới.
Cùng với hệ thống cảng biển được đầu tư xây dựng bài bản, chất lượng, mức giá dịch vụ cạnh tranh hơn so với các nước, vị thế của cảng biển Việt Nam cũng ngày càng được khẳng định trên thị trường quốc tế.
Việc các hãng tàu lớn trên thế giới không ngừng đưa tàu vào cảng của Việt Nam, ngoài việc nhà nước sẽ thu được khoản thuế, phí, lệ phí hàng hải. Đồng thời, kéo theo sự phát triển của hệ thống hạ tầng logistics, kho bãi, dịch vụ phát triển đồng bộ, thúc đẩy sự giao thương hàng hóa của Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Khung giá dịch vụ được đánh giá không chỉ là công cụ hiệu quả giúp cho cảng biển Việt Nam thu hút hàng hóa, còn phát huy tốt vai trò trong việc bình ổn giá thị trường, giảm sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp trong khu vực cảng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận