Quốc lộ 28B (QL28B) là tuyến đường huyết mạch nối huyện Bắc Bình (Bình Thuận) và huyện Đức Trọng (Lâm Đồng). Trên tuyến có đèo Đại Ninh dài khoảng 15km với nhiều khúc cua cong, gắt, dốc lớn luôn thử thách giới tài xế.
Gần 3 tháng sau thông xe hai tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết và Phan Thiết - Vĩnh Hảo lượng xe lưu thông trên QL28B bắt đầu tăng cao. Nhiều tài xế qua đây phản ánh tuyến đường huyết mạch này đang xuống cấp trầm trọng, cần sớm được sửa chữa mở rộng để đi lại thuận lợi hơn.
Quốc lộ 28B mặt đường xuất hiện chi chít ổ gà, ổ voi.
Trung tuần tháng 7, PV Báo Giao thông đã có dịp quay trở lại tuyến đường này và nhận thấy những phản ánh trên hoàn toàn chính xác. Ngoài đường xuống cấp, tình trạng hàng quán xây dựng trái phép tái lấn chiếm băm nát đất đồi, rừng phục vụ người đi đường diễn ra phức tạp sau một thời gian tạm lắng.
Đáng nói, đèo Đại Ninh thường xuyên bị sạt lở trong mùa mưa, bão. Chỉ tính riêng trong tháng 5/2022 đã xảy ra 5 vụ sạt lở, đất đá tràn xuống gây ách tắc giao thông.
Đường đèo hiểm trở có hàng chục khúc cua, cong gây nguy cơ TNGT cao. Nhiều vụ xe khách lao xuống vực đã xảy ra gần đây.
Một số hình ảnh PV Báo Giao thông ghi nhận trên QL28B đoạn qua Bình Thuận:
Xe khách tông gãy rào hộ lan lao xuống vực tại Km 45+900 đèo Đại Ninh ngày 27/6, may mắn không xảy ra thương vong về người. (Ảnh: DT)
Đèo Đại Ninh kết nối huyện Bắc Bình (Bình Thuận) và huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) với nhiều khúc cua tay áo, thường xuyên sạt lở vào mùa mưa bão.
Mặt đường nhỏ hẹp chỉ đủ hai làn ô tô né tránh, nhiều năm qua xuống cấp chưa được sửa chữa mở rộng luôn tiềm ẩn nguy cơ TNGT khi mật độ xe cộ qua đây ngày càng tăng cao. (Trong ảnh bò thả rông trên đèo Đại Ninh)
Trên QL28B và đèo Đại Ninh mặt đường xuống cấp trầm trọng, vá chằng vá đụp, cứ mưa xuống nước đọng thành vũng gây nguy cơ mất ATGT. Theo ghi nhận của PV, trên đoạn đường đèo Đại Ninh dài hơn 10km đoạn qua xã Phan Sơn, Phan Lâm (huyện Bắc Bình, Bình Thuận) mặt đường xuất hiện ổ gà, ô tô, xe máy đi như "cưỡi ngựa" mỗi khi đi qua đây.
Điều đáng nói, các trạm dừng chân, quán cơm, nước giải khát hầu hết lấn chiếm đất rừng nằm tại các khúc cua, cong mọc lên như nấm cheo leo gần đỉnh đèo.
Mặt đường chi chít ổ gà, nứt nẻ khiến tài xế phải né tránh, nếu đánh lái gấp dễ xảy ra va chạm giao thông phương tiện đi hướng ngược lại hoặc lao vào vách núi.
Theo khảo sát của PV, chạy dọc tuyến từ Km 38 đến Km 50 (giáp ranh Bình Thuận và Lâm Đồng) gần 10 trạm dừng nghỉ, quán cơm, nước giải khát, hầu hết lấn chiếm đất rừng nằm dọc ven đường đèo. Xe ra vào tấp nập ngay tại các khúc cua cong, tai nạn chực chờ...
Theo nhiều tài xế, sau khi đoạn cao tốc từ Dầu Giây - Phan Thiết - Vĩnh Hảo thông xe từ TP.HCM có thêm lộ trình mới đi Đà Lạt rút ngắn thời gian hơn trước nên lượng xe rất đông. "Nhu cầu dừng nghỉ là cần thiết nhưng tình trạng hàng quán, trạm dừng mọc lên tự phát nằm tại khúc cua rất dễ xảy ra va chạm giao thông, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT", anh Lê Đình Quân, một lái xe nói.
Đoạn đèo từ Km 48+600 đến Km 49+800 vẫn tồn tại trạm dừng nghỉ trái phép nằm lưng chừng đèo, một bên là vực sâu. Một số hộ dân quây tôn kiên cố, bên trong có nhà vệ sinh, khu vực bếp và võng hàng ngày xe cộ ra vào nườm nượp. Tình trạng lấn chiếm đất rừng làm hàng quán đã tái diễn trở lại.
Theo Thanh tra Sở GTVT tỉnh Bình Thuận, gia đình ông Viện đã từng bị lập biên bản xử phạt hành chính về hành vi xây dựng trái phép lều quán lấn chiếm đất hành lang an toàn QL28B buộc yêu cầu tháo dỡ công trình vi phạm. Để đối phó cơ quan chức năng, ông này còn gắn 12 bánh xe ô tô, mỗi bên 6 bánh...
Để đối phó cơ quan chức năng ông Viện còn gắn 12 bánh xe ô tô, mỗi bên 6 bánh kéo đẩy đi nơi khác nếu bị "động" khi có đoàn kiểm tra.
Đoạn đổ đèo từ hồ Bắc Bình đến hồ Sông Lũy nhiều hàng quán đặt biển quảng cáo trạm dừng chân. Quan sát tại đây cho thấy, chủ quán còn bố trí nhân viên ra đường chèo kéo khách.
Xe đổ đèo nếu thiếu chú ý quan sát rất dễ xảy ra va chạm với ô tô ra vào các hàng quán ven đường.
Ông Huỳnh Ngọc Thanh, Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Bình Thuận cho biết, trước đây Sở này đã phối hợp với UBND huyện Bắc Bình và các đơn vị liên quan cưỡng chế bốn trạm dừng nghỉ xây dựng trái phép trên đèo Đại Ninh (QL28B). "Hiện, thẩm quyền quản lý đất đai thuộc cấp huyện, Thanh tra Sở chỉ phối hợp xử lý các trường hợp công trình lấn chiếm hành lang quốc lộ", ông Thanh cho hay.
Theo điều tra của PV hầu hết các hàng quán trên đèo Đại Ninh đều có nguồn gốc đất rừng, xây dựng trái phép. Nhiều cơ quan báo chí đã phản ánh nhưng chính quyền địa phương không xử lý triệt để khiến dư luận nghi ngờ có dấu hiệu "bảo kê". (Trong ảnh một hàng quán với diện tích hàng nghìn mét vuông với nhiều hạng mục lắp ráp mái tôn, cọc sắt, tường gạch... dưới gần chân đèo.
Đã có những vụ tai nạn thảm khốc xảy ra ở trên đèo Đại Ninh. Năm 2009, xe khách chở đoàn du khách Nga lọt xuống vực khiến 10 người chết và 14 người bị thương. Tháng 7/2022, xe khách loại 30 chỗ chở khoảng 20 người tông ta luy lao xuống vực, may mắn không ai tử nạn. Mới đây nhất (27/6) tại Km 45+900, trong lúc đổ đèo xe khách đâm taluy lao xuống vực may mắn có cây che chắn, cản lại nên không xảy ra thương vong về người.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận