Đội hàng rong được phát đồng phục, đeo bảng tên và niêm yết giá trên xô nước để hành khách dễ nhận dạng và mua được đúng giá. |
Chỉ là con sâu làm rầu nồi canh
Một buổi chiều cuối tháng 10, chúng tôi vừa bước vào cổng chính khu A của bến xe Miền Đông thì gặp một nhóm khoảng 5 người phụ nữ tay xách chiếc xô màu xanh, đang đứng trước đầu xe rao bán nước. Qua vài giờ quan sát, chúng tôi không thấy có hiện tượng chèo kéo, ép khách phải mua hàng.
Trong vai một hành khách đang đứng chờ xe, xuất hiện một chị tay xách xô màu xanh mang số hiệu 64, đeo bảng tên Nguyễn Thị Hà đến mời chúng tôi mua nước. Tôi không mua nước mà mua giúp chị phong kẹo cao su với giá 5.000đ và đưa chị 20.000đ rồi trả lại phong kẹo để chị bán. Điều làm chúng tôi bất ngờ là chị liền đưa tay từ chối: “Nếu em không mua thì chị trả lại tiền chứ chị không lấy tiền của em”.
Tôi ngạc nhiên trước sự thành thật của chị, hỏi thẳng: “Sao chị không cầm tiền của khách cho trong khi có những người buôn bán như chị đang giành giật và chèo kéo khách hàng phải mua cho bằng được”. Chị Hà nói: “Xã hội có kẻ này người kia, tôi biết nhiều trường hợp chèo kéo hành khách, lợi dụng bán nước giá cao nhưng không dám báo cho bến xe vì sẽ bị tụi nó xử, không cho làm ăn ở đây”.
Dù trời mưa hay nắng ngày nào chị cũng rảo bộ hơn 7ha ở bến xe Miền Đông rao bán nước, thế nhưng tiền lời bán nước chỉ được vài chục nghìn đồng mỗi ngày. Tính ra mỗi chai nước suối lời được khoảng 2.000đ. Trong khi mỗi tháng còn đóng phí quản lý cho bến xe là 350.000đ.
Một chủ cửa hàng nước giải khát trong bến xe miền Đông cho biết, trước kia có tình trạng một số người bán hàng rong chèo kéo hành khách bán với giá cao, nhưng sau khi bến xe quản lý chặt thì hiện tượng này đã giảm hẳn.
Quyết không dung túng hàng rong “chui”
Ông Thượng Thanh Hải, Phó Giám đốc bến xe Miền Đông cho biết, trước đó có khoảng 300 người bán hàng rong tại bến xe. Qua quá trình sàng lọc, xử lý những người bán hàng vi phạm đến nay chỉ còn 70 người, trong đó có 22 người bán nước còn lại là đăng ký bán sách báo, bánh mì… Để quản lý những người này, bến xe đã cấp phát đồng phục, bảng tên, số hiệu và quy định giá bán nước trên mỗi chiếc xô để hành khách dễ nhận dạng và mua đúng giá.
Theo ông Hải phần lớn những người buôn bán hàng rong có hoàn cảnh rất khó khăn, cuộc sống mưu sinh của họ ở đây đã nhiều năm nay giờ có đuổi không cho bán cũng rất tội. Nhưng với những người bán hàng rong “chui” chèo kéo khách, bán với giá cắt cổ nếu phát hiện, bến xe nhất quyết xử lý không cho quay trở lại bán. Đồng thời phối hợp với công an phường lập hồ sơ xử phạt những đối tượng này.
Tuy nhiên bến xe gặp phải khó khăn khi xử lý đối tượng bán “chui” là sau khi bị đuổi, họ quay ngược trở lại trà trộn giả làm hành khách để vào bến xe, lợi dụng hành khách để kiếm tiền, ông Hải cho hay.
Nhóm bán sách báo đến từng xe để mời khách mua, nhưng cũng với thái độ bán hàng vui vẻ… |
Để tránh bị những đối tượng này lợi dụng, lời khuyên của ông Hải là hành khách hãy cẩn thận với những đối tượng này, nếu họ yêu cầu giúp thì cũng im lặng hoặc từ chối. Vì mọi thông tin về tuyến xe đã được bến xe niêm yết tại các cửa ra vào bán vé, nếu hành khách cần thông tin gì thì hãy liên hệ với bảo vệ để được giúp đỡ.
Trong trường hợp hành khách bị hàng rong “chui” lợi dụng, có thể gọi theo đường dây nóng của bến xe (08389 84441) để phản ánh.
Đỗ Loan
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận