Nói đến Công ty Cổ phần Vận tải Đa phương thức (Vietranstimex), người ta nghĩ ngay đến một DN vận tải hàng siêu trường, siêu trọng tầm cỡ khu vực Đông Nam Á và được xếp vào hạng 30 trong TOP các đơn vị vận tải mạnh hàng đầu thế giới. Vietranstimex không những chỉ mạnh về năng lực phương tiện, thiết bị bốc xếp, vận chuyển mà còn có sự nhạy bén, tinh thần vượt khó, đổi mới, hội nhập để đưa đơn vị thoát khỏi những giai đoạn khó khăn, đem lại niềm tin mới cho công ty.
AHLĐ Nguyễn Đăng Sâm |
Qua cơn bĩ cực
Mở đầu câu chuyện với chúng tôi, Anh hùng Lao động (AHLĐ) Nguyễn Đăng Sâm, Tổng Giám đốc Vietranstimex biểu lộ sự phấn chấn khi cho rằng, năm 2014 là một năm vinh quang đối với Vietranstimex. Ông Sâm hào hứng: “Vinh quang này đối với tôi thậm chí còn lớn hơn cả khi bản thân được Nhà nước phong tặng danh hiệu AHLĐ vào năm 2000”.
Nhìn lại quá trình gần 40 năm hoạt động của Vietranstimex mới thấy DN này trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm “vinh quang và cay đắng”. Nhất là từ năm 1990 trở về trước. Đây được coi là thời kỳ mà theo ông Sâm là hết sức khó khăn, Công ty có nguy cơ bị phá sản do cơ sở vật chất cũ kỹ lạc hậu, năng lực yếu kém, sản xuất kinh doanh thua lỗ, người lao động thiếu việc làm, nội bộ mất đoàn kết kéo dài.
Sau hơn 10 năm thực hiện đổi mới toàn diện, Vietranstimex đã qua cơn bĩ cực và vươn lên trở thành đơn vị vững mạnh. Điểm nhấn vinh quang trong giai đoạn này là năm 2000 và 2003, ông Nguyễn Đăng Sâm cùng Vietranstimex được Nhà nước phong tặng hai danh hiệu AHLĐ Thời kỳ đổi mới.
Ông Sâm tâm sự, vượt qua chặng đường khó khăn này Công ty lại tiếp tục đối diện khó khăn khác. Năm 2010, Vietranstimex được cổ phần hóa (CPH) đúng vào thời điểm nền kinh tế thế giới và khu vực bị suy thoái nặng. Nhiều dự án công trình phải lùi hoặc giãn tiến độ. Đầu tư công, đầu tư nước ngoài sụt giảm dẫn đến nguy cơ thiếu việc làm, sự cạnh tranh giữa các DN trong và ngoài nước diễn ra khốc liệt. Các doanh nghiệp nước ngoài ồ ạt tràn vào dìm giá bỏ thầu xuống chỉ còn 40- 50%. Đối với các chủ hàng, các nhà đầu tư cũng do khó khăn kinh tế nên ép giá, việc thanh toán cũng dây dưa kéo dài.
Bên cạnh đó, là sự bất cập trong việc định giá lại tài sản trong quá trình CPH. Hầu hết tài sản của Công ty được định giá cao hơn nhiều lần so với giá trị thực đã tạo ra tình trạng “vốn ảo”. Vietranstimex đã phải gánh chịu khoản thuế 28% đối với phần thặng dư ảo đó. Kết quả, năm 2011 số nợ ngân hàng của Vietranstimex tăng lên 250 tỷ đồng, trong lúc vốn điều lệ chỉ có 200 tỷ đồng. Nguy cơ thua lỗ nhãn tiền, một số cán bộ, công nhân kỹ thuật tay nghề cao được Công ty dày công đào tạo bị các đối thủ cạnh tranh tìm cách lôi kéo làm ảnh hưởng đến tư tưởng của CBCNV Công ty.
Vận chuyển thiết bị cho Nhà máy Đạm Bắc Giang |
Lấy lại vị thế
Từ đỉnh điểm khó khăn đó, lãnh đạo Vietranstimex lại bắt tay vào cuộc chiến “cứu nguy”. Phát huy truyền thống đoàn kết vượt khó, Công ty tập trung thực hiện bốn mục tiêu trong giai đoạn mới là: Ổn định tư tưởng; Đổi mới tổ chức quản lý điều hành sản xuất kinh doanh; Đảm bảo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động; Bảo toàn và phát triển các nguồn vốn kinh doanh. Qua đó, Vietranstimex thực hiện tái cấu trúc, sáp nhập và đưa về trực thuộc Công ty các đơn vị thành viên độc lập kinh doanh kém hiệu quả sau CPH. Điều này đã tinh giản bộ máy quản lý điều hành, khắc phục sự chồng chéo trong cạnh tranh khai thác tiếp thị để tập trung mọi nguồn lực, nhất là vốn, nhân lực và cơ sở vật chất kỹ thuật. Đồng thời, Vietranstimex điều chỉnh lại toàn bộ quy chế và các chế độ chính sách khoán quản, điều hành tổ chức quản lý phù hợp mô hình mới. Ngoài khai thác, giữ vững thị trường truyền thống, Vietranstimex còn mở rộng thị trường vận tải sang Lào, Campuchia. Thời kỳ này, Vietranstimex không kén chọn công trình, “to nhỏ đều nhận, giá thấp cũng nhận miễn có việc làm cho người lao động”, ông Sâm nói. Để giữ chân cán bộ, công nhân kỹ thuật tay nghề cao, khắc phục được nạn “chảy máu” chất xám, Công ty mạnh dạn đổi mới chính sách tiền lương phù hợp thị trường lao động trên tinh thần vừa bảo đảm chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, vừa nâng cao thu nhập, khuyến khích các nhân tố tích cực có tay nghề cao.
Mặc dù đã nghỉ hưu, nhưng hơn 10 năm qua ông Nguyễn Đăng Sâm được Bộ GTVT chọn làm thí điểm thuê TGĐ Vietranstimex. Năm 2010, Vietranstimex thực hiện CPH, tại Đại hội cổ đông nhiệm kỳ 2010 - 2015, 100% cổ đông tham dự đã bỏ phiếu bầu ông vào HĐQT và HĐQT nhất trí bổ nhiệm ông làm TGĐ. Nhìn vào đôi mắt của người cán bộ lãnh đạo đã ngoài 70 tuổi này, tôi nhận ra trong đó vẫn ánh lên một niềm lạc quan, tin tưởng. Ông nói: “Năm 2014, chúng tôi đã thực hiện thành công các mục tiêu đề ra. Vietranstimex đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, tạo được thế và lực vững vàng để cho năm 2015 và những năm đến tiếp tục phát triển”. |
Bằng những giải pháp quyết liệt đó, năm 2014 tình hình hoạt động của Vietranstimex nhanh chóng lấy lại thế cân bằng và có hướng phát triển. Sau khi hoàn thành thủy điện Sơn La, từ năm 2013- 2014, Vietranstimex tiếp tục thực hiện nhiều dự án khác như: Nhiệt điện Mông Dương 1, Mông Dương 2, Ô Môn, khu công nghiệp Đông Xuyên, nhà máy gang thép Formosa lớn nhất Việt Nam tại Vũng Áng, trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân, một số trạm biến áp ở Campuchia và Lào, hàng trăm trạm biến thế cho ngành Điện ở khắp Việt Nam… Công ty liên tục thắng thầu các giàn khoan thăm dò khai thác dầu khí Việt Nam nặng trên 3 ngàn tấn… Đặc biệt, Vietranstimex được giao làm tổng thầu vận chuyển thiết bị nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn lớn nhất Việt Nam hiện nay, với giá trị vận chuyển khoảng 1 nghìn tỷ đồng. Trong đó Vietranstimex trực tiếp đảm nhận 500 tỷ đồng…
Nhờ vậy, tuy khó khăn nhưng Vietranstimex vẫn bảo toàn được vốn và còn có lãi. Thu nhập bình quân của CBCNV cũng tăng dần. Riêng năm 2014 đã đạt mức hơn 10 triệu đồng/người/tháng. Đặc biệt, năm 2014 Vietranstimex đã về đích trước thời hạn ba tháng cả về doanh thu và sản lượng. Ông Sâm cho biết, đến thời điểm tháng 9/2014, Công ty đạt được con số 400 tỷ đồng sản lượng, cao hơn 10 tỷ đồng so với cả năm 2013. Đến cuối năm 2014 con số đó được nâng lên trên 500 tỷ đồng, tăng gần 30% so với năm trước. “Điều đáng mừng là, từ chỗ số nợ ngân hàng cuối năm 2011 là 250 tỷ đồng, đến cuối năm 2014 chỉ còn lại gần 50 tỷ đồng trung, dài hạn do đầu tư mua sắm thiết bị và 49 tỷ đồng nợ ngắn hạn. Trong lúc đó, các chủ hàng đang nợ Công ty đến 120 tỷ đồng, như vậy coi như chúng tôi không còn nợ”, ông Sâm nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận