Dự báo giá rau xanh sẽ tăng ít nhất 10% vào dịp Tết - Ảnh: Tạ Tôn |
Giá hàng Tết có thể tăng 5-15%
Tại Hội thảo Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam năm 2017, dự báo năm 2018, ngày 9/1, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội nhận định, từ nay tới Tết Nguyên đán, giá cả hàng hóa, sẽ tăng từ 5-15%. Riêng về thịt lợn, ông Phú cho biết, năm qua là năm đầu biến động theo hướng không vui của ngành này. “Giá thịt lợn hơi hiện ở mức 32 - 35 nghìn đồng/kg. Mức này, người chăn nuôi chưa thiết tha vì chỉ ở mức hòa vốn. Khi nào giá lên tới 40 nghìn đồng/kg người chăn nuôi mới có lợi nhuận”, ông Phú nói.
Với các loại hàng công nghiệp tiêu dùng, tùy từng địa phương mức tăng sẽ dao động từ 5-7%. Về rau quả hữu cơ, ông Phú cho biết, nhu cầu trên thị trường gia tăng nhưng số lượng bán không đủ, độ phủ không rộng. Vì vậy trong dịp Tết mặt hàng này có tăng từ 10-15% tại các siêu thị.
Tuy nhiên, điều khiến Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội lo ngại chính là thực trạng hàng ngoại kém chất lượng đội lốt hàng Việt tràn vào siêu thị, vào chợ truyền thống với số lượng lớn. “Có mặt hàng còn đeo mã số 893 của Việt Nam nhưng ghi “Made in China” nhỏ như con kiến. Vì vậy, người tiêu dùng thông minh phải chú ý”, ông Phú dẫn chứng.
Nhấn mạnh tới nhóm điều tiết và điều hành giá, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Thẩm định giá Việt Nam nhận định: Bên cạnh việc kiểm soát cung ứng tiền cần kiên quyết không để thiếu hàng trong mọi tình huống, kể cả lễ, Tết. Đối với lộ trình thực hiện giá thị trường những mặt hàng Nhà nước quản lý như: Y tế, giáo dục, ông Thỏa cho rằng, phải chọn thời điểm thích hợp tránh cộng hưởng lan toả tới mặt bằng giá. “Vậy, thời điểm nào thích hợp? Chắc chắn không điều chỉnh vào lễ, Tết là mùa vụ tiêu dùng cao”, ông Thỏa đề xuất.
Năm 2018, mặt bằng giá sẽ tăng
Theo Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính), năm 2018, một loạt mặt hàng do Nhà nước quản lý giá sẽ tiếp tục điều chỉnh theo lộ trình như giá dịch vụ khám chữa bệnh (còn khoảng 18 địa phương chưa tăng giá), giá dịch vụ giáo dục sẽ tiếp tục tăng 8-10%; giá xăng dầu tăng khoảng 5-15% khi giá dầu thế giới được dự báo tăng từ 50-55 USD/thùng, giá xăng dầu thành phẩm tăng 5-10% từ 66-70 USD/thùng; giá lương thực và thực phẩm (do chịu tác động của thiên tai)... Bên cạnh đó, việc điều chỉnh lương tối thiểu năm 2018 cũng làm tăng giá khoảng 5% đối với dịch vụ sửa chữa đồ dùng gia đình, dịch vụ bảo dưỡng nhà ở, dịch vụ điện, nước, dịch vụ thuê người giúp việc...
Cục Quản lý Giá cũng cho rằng, việc giá điện tăng 6,08% từ ngày 1/12/2017 ngoài tác động trực tiếp làm tăng CPI, cũng sẽ kéo theo tăng giá thành các mặt hàng khác sử dụng điện là chi phí đầu vào. Chính vì thế, Cục Quản lý Giá đề nghị Bộ Công thương phối hợp với Tổng cục Thống kê đánh giá tác động của việc điều chỉnh giá điện đến chỉ số giá tiêu dùng các tháng đầu năm 2018, tăng cường thông tin tuyên truyền, tránh tạo dư luận và kỳ vọng về lạm phát. Cục Quản lý Giá đề nghị phải xử lý nghiêm các trường hợp tăng giá bất hợp lý “ăn theo” giá điện.
Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, điều quan trọng cần phải nâng cao chất lượng dự báo thị trường. Dẫn lại câu chuyện giải cứu thịt lợn 2017, ông Thỏa cho rằng, nguyên nhân là do công tác dự báo thị trường kém. “Thịt lợn giảm giá mạnh, chỉ bằng 50% giá sản xuất đã khiến người chăn nuôi thua lỗ. Nguyên nhân là do chúng ta không chủ động điều hòa tốt cung - cầu nhưng lại đổ cho Trung Quốc không mở cửa thị trường”, ông Thỏa nói. Hay như chuyện dự báo, bình ổn giá cả sau bão lũ cũng rơi vào tình cảnh “nằm trên giấy”. “Giải pháp bình ổn cung - cầu thiết thực những vùng ấy thì hầu như không có, nên giá thị trường 6-7 tỉnh sau cơn bão số 11 tăng gấp nhiều lần chỉ số giá bình quân nhưng vẫn báo cáo là cơ bản bình ổn”, ông Thỏa dẫn giải.
Nông sản dịp Tết có thể thiếu cục bộ do thời tiết Ngày 9/1, Bộ NN&PTNT cho biết, đang tích cực chỉ đạo các đơn vị chức năng tổ chức tốt sản xuất; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y nhằm đảm bảo đủ nguồn cung, có chất lượng phục vụ tiêu thụ và xuất khẩu, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. “Tình hình sản xuất, cung ứng hàng nông sản trong quý I/2018 không có biến động lớn, đảm bảo nhu cầu dịp Tết. Tuy nhiên, có thể xảy ra thiếu cục bộ ở một số mặt hàng nhất định do ảnh hưởng của thời tiết”, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT thông tin. Theo ông Nam, giá thóc, gạo, mặt hàng đường được dự báo khá ổn định và đủ cung dịp Tết. Riêng mặt hàng muối, do ảnh hưởng của bão lũ nên sản lượng thấp nhưng vẫn đáp ứng được nhu cầu. Một số mặt hàng thực phẩm được dự báo tăng giá nhẹ do nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong dịp Tết nhưng không có biến động lớn vì nguồn cung tương đối ổn định. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận