Thời gian qua, hàng trăm hộ dân ở huyện Ngọc Lặc (tỉnh Thanh Hóa) sinh sống trong phạm vi hành lang đường Hồ Chí Minh liên tục kiến nghị các cấp xem xét cấp sổ đỏ, cho xây dựng, sửa chữa lại nhà cửa.
Mong chờ ra khỏi hành lang ATGT
Tuyến đường Hồ Chí Minh (giai đoạn 1) có chiều dài hơn 30km đi qua địa phận các xã: Quang Trung, Minh Sơn, Minh Tiến, Kiên Thọ và thị trấn Ngọc Lặc… của huyện miền núi Ngọc Lặc (Thanh Hóa). Từ khi đi vào hoạt động đến nay, tuyến đường đã góp phần tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Từ khi bắt đầu thực hiện dự án giai đoạn 1, các cơ quan chức năng tiến hành cắm mốc lộ giới (mỗi bên rộng 50m) để sau này khi thực hiện nâng cấp, mở rộng tuyến đường (giai đoạn 2), tránh dồn nhiều kinh phí đền bù GPMB.
Trong khi Nhà nước chưa có điều kiện thực hiện dự án nâng cấp, đền bù giải tỏa nên đời sống của hàng trăm hộ dân sinh sống hai bên đường gặp nhiều khó khăn.
Bà Trần Thị Anh, ở khu phố Hạ Sơn, thị trấn Ngọc Lặc cho biết, năm 2017, gia đình bà tích góp xây dựng nhà ở kiên cố, tuy nhiên đến nay mặc dù hằng năm gia đình vẫn đóng đầy đủ các loại thuế đất nhưng không được cấp sổ đỏ do đất của gia đình nằm trong phạm vi cắm mốc giới của đường Hồ Chí Minh.
"Từ ngày có đường, bà con nhân dân đi lại đỡ vất vả. Nhưng vì mốc giới mở rộng đường nên nhà tôi nằm trong phạm vi vùng dự án. Chúng tôi không biết khi nào Nhà nước làm để đền bù. Vì bây giờ đi không được mà ở cũng không xong", bà Anh cho hay.
Tương tự như gia đình ông Phạm Văn Hải, ở phố Hạ Sơn, thị trấn Ngọc Lặc, huyện Ngọc Lặc cho hay: "Tôi cũng như nhiều người dân khác, chỉ ở tạm bợ, chờ khi nào Nhà nước làm đường mới được đền bù. Mà chờ nhiều năm qua rồi và không biết chờ đến khi nào".
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Báo Giao thông, ông Phạm Anh Tuấn, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng, UBND huyện Ngọc Lặc cho rằng: Phạm vi hành lang của đường Hồ Chí Minh quá rộng, gây khó khăn trong công tác quản lý của địa phương cũng như đời sống của các hộ dân sinh sống hai bên đường trong phạm vi cắm mốc gặp rất nhiều khó khăn.
Cụ thể, nhiều hộ gia đình sinh sống từ trước khi có đường Hồ Chí Minh, mảnh đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng hiện nay do nằm trong hành lang đường Hồ Chí Minh nên muốn làm mới, mở rộng phần diện tích xây dựng của ngôi nhà đã xuống cấp cũng không được, đời sống gia đình bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Ngoài ra, một số hộ gia đình có nhiều nhân khẩu, nhà ở chật hẹp, xuống cấp và phần đất nằm trọn trong hành lang ATGT đường Hồ Chí Minh, trong khi kinh tế gia đình không có khả năng mua một mảnh đất khác để xây dựng nhà ở dẫn đến nhiều bất cập khi ở lại nhà cũ.
"Đề nghị các cấp thẩm quyền xem xét sớm đưa dự án nâng cấp thực hiện, nếu được đầu tư hoàn thiện và GPMB để cho nhân dân di dời ra khỏi hành lang sớm ổn định cuộc sống. Nếu chưa thực hiện dự án, đối với các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn mà nằm trong hành lang thì khảo sát thực tế di dời trước những hộ có nhu cầu hoặc sửa đổi luật để những hộ khó khăn được làm nhà tạm giải quyết cuộc sống trước mắt", ông Phạm Anh Tuấn nói.
Theo số liệu thống kê cho thấy, có khoảng hơn 200 hộ dân đang sinh sống trong phạm vi hành lang mốc giới của tuyến đường Hồ Chí Minh thuộc diện phải di dời.
Quản chặt hành lang, mốc giới
Ông Nguyễn Đức Trung, Phó giám đốc Sở GTVT Thanh Hóa cho biết, nhiều năm trước, người dân sinh sống hai bên tuyến đường Hồ Chí Minh đã có ý kiến, đề nghị sớm thực hiện dự án, đền bù giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, dự án này không thuộc thẩm quyền của tỉnh. Việc cắm mốc giới từ giai đoạn 1. Về phía địa phương cũng đã giao cho các huyện có tuyến đường đi qua phải quản lý chặt chẽ, không để xảy ra tình trạng lấn chiếm hành lang, xây dựng trái phép.
"Bộ GTVT cũng đã quy hoạch đường Hồ Chí Minh thành đường cao tốc phía tây nên địa phương lại phải càng quản lý chặt chẽ hành lang dọc hai bên tuyến đường", ông Trung cho biết thêm.
Được biết, dự án đường Hồ Chí Minh (giai đoạn 1) đoạn qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa dài 130km từ xã Thạch Lâm (huyện Thạch Thành) đến xã Bãi Trành (huyện Như Xuân) được đầu tư xây dựng năm 2001 và hoàn thành năm 2006.
Việc hoàn thành, đưa vào sử dụng đường Hồ Chí Minh đã mang lại hiệu quả nhiều mặt đối với các địa phương. Tuy nhiên, do sự phát triển của một số đô thị ven đường qua các huyện: Ngọc Lặc, Cẩm Thủy, Thọ Xuân, Thường Xuân, Như Xuân, mật độ phương tiện giao thông và dân cư ngày càng tăng dẫn đến quy mô tuyến đường không còn phù hợp, tiềm ẩn nguy cơ ùn tắc, mất an toàn giao thông.
Trước vấn đề này, tỉnh Thanh Hóa từng có các văn bản đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm triển khai xây dựng đoạn tuyến qua tỉnh Thanh Hóa theo tiêu chuẩn đường cao tốc phù hợp với quy hoạch được phê duyệt, quy mô 4-6 làn xe, đảm bảo đồng bộ trong quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ, phát huy hiệu quả của tuyến đường, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa cũng như khu vực.
Đồng thời, quan tâm bố trí nguồn kinh phí thu hồi phần đất hành lang an toàn đường bộ để thuận tiện trong công tác quản lý cũng như đầu tư xây dựng về sau, ổn định cuộc sống người dân bị ảnh hưởng bởi dự án.
Liên quan đến vấn đề này, ông Vũ Hải Tùng, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý xây dựng đường bộ, Cục Đường bộ Việt Nam cho hay, thực trạng này diễn ra ở nhiều công trình trong cả nước. Khi đã cắm mốc lộ giới, mặc dù người dân chưa được đền bù nhưng không được xây dựng kiên cố, giữ nguyên hiện trạng.
Để tháo gỡ việc này cần sửa đổi các quy định pháp luật theo hướng khi cắm mốc lộ giới có thể đền bù ngay cho người dân nhưng vướng nhất Nhà nước không có kinh phí. Hoặc để cho người dân sửa chữa cải tạo công trình tương đương với quy mô hiện tại và Nhà nước sẽ không đền bù khi giải tỏa. Một số địa phương đã linh động cho phép người dân sửa chữa với cam kết không được đền bù khi Nhà nước thu hồi.
"Quy hoạch đường bộ chỉ đưa ra các nguyên tắc về quy hoạch, không có kế hoạch cụ thể về nâng cấp, mở rộng một tuyến đường", ông Tùng cho hay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận