Trong những ngày qua, cùng với ô nhiễm không khí, trời lạnh cũng là nguyên nhân khiến hàng trăm trẻ nhập viện.
Bác sĩ Nguyễn Thành Nam, Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội cho hay bệnh lý hô hấp vẫn chiếm một tỉ lệ đáng kể trong số các bệnh nhi đang điều trị tại khoa.
Ô nhiễm không khí, trời lạnh cũng là nguyên nhân khiến hàng trăm trẻ nhập viện.
Theo bác sĩ Nam, đây vẫn chưa là thời điểm lạnh nhất trong năm ở miền Bắc, nên những ngày tới, cha mẹ chú ý đề phòng bệnh hô hấp, bệnh tiêu chảy do virus ở trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 6 tháng tuổi là nhóm tuổi sức đề kháng còn yếu.
Với những trẻ mắc bệnh hen suyễn, cơn hen dễ khởi phát khi thời tiết trở lạnh như hiện nay.
Tại Khoa Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội trong mấy ngày gần đây cũng liên tục tiếp nhận gần trăm ca khám mỗi ngày, đa số liên quan các bệnh về đường hô hấp của trẻ nhỏ.
Theo bác sỹ Dương Văn Long, Khoa Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn, thời gian này, mỗi ngày Khoa Nhi tiếp nhận 80-90 bệnh nhi đến khám. Số bệnh nhi nhập viện hằng ngày cũng lên đến 30 trẻ, nhiều hơn những ngày trước đó.
Nhiều trẻ đến khám do thời tiết chuyển mùa, cộng thêm tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội những ngày qua, làm gia tăng các bệnh lý về đường hô hấp, trong đó, trẻ nhỏ là đối tượng dễ bị tác động nhất.
Hầu hết trẻ em đến khám đều có biểu hiện liên quan các bệnh về hô hấp như viêm mũi họng, nhiễm trùng đường hô hấp, các loại cúm, sốt virus.
Để đề phòng trẻ mắc bệnh trong thời tiết chuyển lạnh, bác sĩ khuyến cáo phụ huynh cần giữ ấm cơ thể trẻ, đặc biệt là hai bàn chân và tay. Buổi trưa có nắng ấm hoặc trẻ chơi đùa bị toát mồ hôi cần cởi áo ấm cho thoáng.
Bên cạnh đó, cần có chế độ ăn uống phù hợp, cân bằng chất dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng cho trẻ. Tránh để trẻ tiếp xúc những yếu tố gây kích thích như phấn hoa, thú nhồi bông, chó mèo, khói thuốc lá, bụi...
Riêng đối với trẻ mắc bệnh hen suyễn, cần trang bị thuốc dự phòng do chính các bác sĩ chuyên khoa hô hấp thăm khám và kê toa.
Với người già, các bác sĩ hướng dẫn không nên đi tập thể dục quá sớm hoặc quá muộn, đề phòng đột quỵ trong trường hợp đột ngột ra khỏi chăn ấm để đến nhà vệ sinh trong đêm. Người cao tuổi cũng nên chú ý không nên tắm và gội cùng thời điểm, tránh để cơ thể quá lạnh ảnh hưởng tới sức khỏe.
Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên hạn chế ra khỏi nhà, vận động tập thể dục, lao động ngoài trời khi chất lượng không khí ở mức xấu. Khi ra đường nên sử dụng khẩu trang đảm bảo chất lượng và đeo khẩu trang đúng quy cách (đảm bảo kín, khít mặt).
Đồng thời, người dân nên vệ sinh mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường. Tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ.
Với người hút thuốc lá: nên bỏ hẳn hoặc hạn chế hút thuốc lá. Với người không hút thuốc lá nên tránh xa khói thuốc.
Nên hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng, đặc biệt các gia đình gần đường giao thông, gần khu vực ô nhiễm.
Hạn chế sử dụng hoặc thay thế sử dụng bếp than tổ ong, củi, rơm rạ bằng bếp điện, bếp từ hoặc bếp ga.
Với những người có bệnh hô hấp, hạn chế tối đa đi ra ngoài đặc biệt là vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng. Nếu có dấu hiệu khó chịu, diễn biến nặng nên khám ngay tại các cơ sở y tế chuyên khoa.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận