Dồn dập dự án "khủng"
Tháng 10 vừa qua, Tập đoàn Amkor tổ chức khánh thành Nhà máy Amkor Technology Việt Nam (ATV) tại Khu công nghiệp Yên Phong II-C, Bắc Ninh. Dự án có tổng vốn đầu tư đến năm 2030 là 1,6 tỷ USD, trong đó giai đoạn 1 là 520 triệu USD.
Amkor là một trong những nhà máy sản xuất bán dẫn lớn nhất tại Việt Nam hiện nay. Ở giai đoạn đầu, nhà máy sẽ tập trung vào việc cung cấp các giải pháp lắp ráp và kiểm tra hệ thống tiên tiến trong gói (SiP) cho các công ty sản xuất điện tử và bán dẫn hàng đầu thế giới.
Công ty này cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu triển khai đầu tư xây dựng giai đoạn 2, 3 của nhà máy, đưa Bắc Ninh trở thành một trong những điểm sản xuất chip bán dẫn mới của thế giới.
Hồi tháng 9, Công ty TNHH Hana Micron Vina (Hàn Quốc), doanh nghiệp sản xuất và gia công bảng vi mạch tích hợp sử dụng cho điện thoại di động và các sản phẩm điện tử thông minh, cũng khánh thành nhà máy sản xuất Hana Micron Vina 2 tại Khu công nghiệp Vân Trung (Bắc Giang). Đây là nhà máy sản xuất chất bán dẫn đầu tiên tại miền Bắc.
Với tổng vốn đầu tư gần 600 triệu USD, Hana Micron đã trở thành một trong những dự án có suất vốn đầu tư/ha lớn nhất tại Bắc Giang. Ông Choi Chang Ho, Chủ tịch Tập đoàn Hana Micron, cho biết công ty có kế hoạch tăng vốn đầu tư lên hơn 1 tỷ USD vào năm 2025. Khi ấy, doanh thu của nhà máy dự kiến đạt 800 triệu USD, tạo việc làm cho khoảng hơn 4.000 lao động.
Một doanh nghiệp khác là Tập đoàn Runergy cũng lựa chọn Nghệ An để thực hiện kế hoạch mở rộng đầu tư sang thị trường Việt Nam. Ngày 22/6, tập đoàn đã quyết định đầu tư dự án nhà máy sản xuất thanh silic và đĩa bán dẫn tại Khu công nghiệp Hoàng Mai 1 với tổng mức đầu tư 293 triệu USD. Đến ngày 30/8, doanh nghiệp điều chỉnh tổng vốn đăng ký đầu tư lên 440 triệu USD.
Hơn 10 năm trước, Intel cũng đã bắt đầu phát triển nhà máy tại Việt Nam, với quy mô 1 tỷ USD. Việt Nam hiện là nơi đặt nhà máy lắp ráp và kiểm định lớn nhất của hãng công nghệ này tại Khu công nghệ cao TP.HCM. Ước tính, nhà máy này chiếm hơn 50% tổng sản lượng của Intel trên toàn cầu.
Việt Nam có đủ điều kiện nội lực
Ông John Neuffer, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ nhận định, Việt Nam ngày càng trở thành mắt xích lớn hơn trong chuỗi sản xuất chip toàn cầu. Các nỗ lực đầu tư nghiên cứu và phát triển cùng sự hiện diện của các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới như Intel, Marvell… sẽ góp phần thúc đẩy, đưa Việt Nam đạt được mục tiêu trong ngành công nghiệp bán dẫn.
GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đánh giá, các "ông lớn" sản xuất chip bán dẫn như Intel, Samsung hay Foxconn có lý do để chọn đầu tư vào Việt Nam. Bởi Việt Nam sở hữu nguồn tài nguyên rất quan trọng, đó là 22 triệu tấn đất hiếm và trữ lượng Vonfram đáng kể.
"Việt Nam có nhiều ưu thế, trong đó nổi bật là việc sở hữu trữ lượng đất hiếm rất lớn. Đây là nguyên liệu quan trọng dùng trong sản xuất bán dẫn, sản xuất pin. Đây cũng chính là một trong những lý do khiến các ông lớn trong ngành này tìm tới Việt Nam để đầu tư", ông Mại chia sẻ.
Theo Cục Công nghiệp, Bộ Công thương, trữ lượng đất hiếm ở Việt Nam vào khoảng 22 triệu tấn. Các mỏ đất hiếm ở Việt Nam có quy mô từ trung bình đến lớn, chủ yếu là đất hiếm nhóm nhẹ (nhóm lantan – ceri), có nguồn gốc nhiệt dịch và tập trung ở vùng Tây Bắc.
Với trữ lượng đất hiếm được đánh giá là đứng thứ 2 thế giới chỉ sau Trung Quốc, Việt Nam được coi như một nhà cung cấp nguyên liệu đất hiếm tiềm năng trong tương lai.
Phát biểu tại một hội nghị về chất bán dẫn mới được tổ chức, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định Việt Nam có đủ điều kiện xây dựng hệ sinh thái bán dẫn trong nước.
Theo ông Dũng, Chính phủ và Thủ tướng rất quan tâm việc đẩy mạnh hợp tác đầu tư, phát triển ngành bán dẫn ở Việt Nam. Chính phủ đã giao Bộ KH&ĐT, Bộ TT&TT, các bộ, ngành xây dựng kế hoạch hành động và chiến lược để phát triển ngành bán dẫn ở Việt Nam. Việt Nam cũng đang xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực với mục tiêu hình thành đội ngũ 50.000 kỹ sư, chuyên gia cho ngành công nghiệp bán dẫn vào năm 2030.
Bên cạnh đó, Việt Nam có lực lượng lao động dồi dào trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ phù hợp với ngành bán dẫn; Có những đơn vị nghiên cứu, đào tạo uy tín và nhiều doanh nghiệp lớn có nguồn lực như: Viettel, VNPT, FPT, CMC...
Việt Nam đã và đang thu hút ngày càng nhiều tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn của Mỹ, Hàn Quốc... Đặc biệt, Việt Nam - Mỹ đã nâng cấp mối quan hệ lên tầm đối tác chiến lược toàn diện, trong đó có nội dung phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
Việt Nam cũng đã thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) và 3 khu công nghệ cao tại TP.HCM, Hòa Lạc (Hà Nội) và Đà Nẵng, sẵn sàng đón các nhà đầu tư ngành bán dẫn với cơ chế ưu đãi cao.
Theo Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, giai đoạn 2021-2030, Việt Nam dự kiến triển khai thăm dò 8 đề án, với mục tiêu trữ lượng là 983.176 tấn; Giai đoạn 2031-2050 sẽ thăm dò 1 dự án với mục tiêu trữ lượng là 1,5 triệu tấn.
Về khai thác, giai đoạn 2021-2030 đạt khoảng 2 triệu tấn quặng; Giai đoạn 2031-2050 đạt khoảng 2,1 triệu tấn quặng NK/năm. Giai đoạn 1 sẽ chế biến 22.500-62.500 tấn tổng oxit đất hiếm/năm để có thể chiết tách ra các loại đất hiếm riêng rẽ. Giai đoạn 2, chế biến khoảng 42.500-82.500 tấn tổng oxit đất hiếm/năm để có thể chiết tách ra các loại đất hiếm riêng rẽ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận