Hạnh "bạc" xứ Nghệ và chuyện lấy công làm lãi

23/06/2014, 06:58

Phòng làm việc rộng chưa đến 10m2, cửa ra vào luôn mở, không dùng xe sang, tính cách đậm chất lính..., đó là những gì chúng tôi biết về Giám đốc Công ty TNHH Hòa Hiệp ...

Lượng thiết bị “siêu khủng” được huy động thi công 750m đường trong 7 ngày 
Lượng thiết bị “siêu khủng” được huy động thi công 750m đường trong 7 ngày 


Gây dựng thương hiệu bằng chất lính


Ở tuổi 62 tuổi, Giám đốc Phạm Đình Hạnh đã mất 20 năm gây dựng Hòa Hiệp trở thành thương hiệu mạnh của xứ Nghệ. Thắc mắc đầu tiên của chúng tôi về cái tên Hạnh “bạc” liền được ông hóm hỉnh: “Khi mới 24 tuổi, còn trong quân ngũ, tóc tôi đã bạc trắng nên anh em trong đơn vị gắn cho cái tên Hạnh “bạc” và gần 40 năm qua, mọi người vẫn quen gọi như vậy”. 


Rồi ông kể, ông vốn là lính kỹ thuật ô tô, máy kéo, trạm thuộc Cục Quản lý xe máy của Bộ Quốc phòng, trước đây thường tham gia với tư cách là nhà thầu phụ, rồi sau này trở thành thầu chính. Đến năm 1993, khi người lính Hạnh “bạc” rời quân ngũ, ông mới bước chân vào nghề xây dựng công trình giao thông.


Vừa nói chuyện, ông chỉ cho chúng tôi khung kính trên đầu với 4 chữ: Chính sách chất lượng với khẩu hiệu đi kèm: Lãnh đạo và toàn thể công nhân viên Công ty TNHH Hòa Hiệp quyết tâm chung sức phát triển công ty theo nguyên tắc: Chất lượng công trình là mục tiêu hàng đầu; đảm bảo tiến độ thi công và hồ sơ hoàn công; tăng doanh thu và nâng cao đời sống cán bộ công nhân viên; đảm bảo nguồn lực đáp ứng yêu cầu của chủ đầu tư và sự phát triển của công ty, thường xuyên cải tiến nâng cao hệ thống quản lý chất lượng.
 

Cái đích mà Giám đốc Hạnh nhắm tới không chỉ là con số doanh thu mà ở chỗ thương hiệu của Hòa Hiệp được khẳng định qua chất lượng của mỗi công trình, ở đó có sự đóng góp chất sống, cái tâm của người lính trong cuộc đời quân ngũ ông đã có được.

Theo Hạnh “bạc”, yếu tố cốt lõi để Hòa Hiệp xây dựng thành công thương hiệu chính là lấy công nghệ làm chuẩn “Thi công giao thông, thủy lợi chủ yếu là cơ giới, do vậy cần phải coi thiết bị là yếu tố hàng đầu. Vấn đề thứ hai là cán bộ kỹ thuật phải là những người am hiểu, có kinh nghiệm thực tế. Một điều quan trọng nữa ở Hòa Hiệp là phải biết giữ con người với đội ngũ cán bộ cha truyền, con nối tạo sự gắn kết tập thể. Đôi khi thu nhập không bằng tinh thần đoàn kết giữa anh em, cùng với đó, phải bố trí đúng vị trí, trình độ, kỹ năng của từng cán bộ”, ông Hạnh chia sẻ.

Cũng chính vì triết lý này mà chưa đầy một năm thành lập, Hòa Hiệp đã nhập được số lượng xe chuyên dụng hùng hậu với phương châm sắm máy móc, thiết bị cũng chính là sắm của cho mình. Đến nay, số đầu thiết bị của Hòa Hiệp có được đã lên đến 192 đầu thiết bị, chỉ riêng thiết bị máy rải đã có 6 đầu phương tiện đều nhập khẩu từ Đức, cái ít tiền nhập trước đây cũng ngót nghét 5 tỉ, đời mới nhất là máy thảm đang trên đường về nước cũng xấp xỉ nửa triệu đô la.


Riêng đối với máy lu, theo quan niệm để làm nền cho tốt thì máy lu phải có tự trọng lớn vì vậy, Hòa Hiệp không đầu tư thiết bị lu của Trung Quốc mà 20 lu hiện có đều là của Đức với tự trọng lên đến xấp xỉ 20 tấn.


Yếu tố nhân lực đã được Giám đốc Hạnh “bạc” cụ thể hóa bằng việc có trong tay 130 kỹ sư lành nghề trong tổng số 400 con người thuộc các vị trí từ lãnh đạo đến công nhân nằm trong định biên chính thức của Hòa Hiệp.


Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, ông cho rằng, nếu không có chất lính trong ông thì dù có được những điều kiện như trên chưa chắc ông đã gây dựng được Hòa Hiệp như ngày hôm nay. “Cái chất của lính, nói thật, làm thật, chắc chắn và mạnh mẽ”, ông tâm sự.

Triết lý quán “đông lãi ít”


Trong câu chuyện, Hạnh “bạc” luôn né hai từ Giám đốc, thay vào đó là hai chữ người lính. Thế nhưng, quan niệm của ông thì lại rất thương trường. Cái triết lý mà ông đã vận dụng cho Hòa Hiệp sau những điều kiện cần là: “Quán phở đông khách, bán giá rẻ, lãi ít chắc chắn sẽ tồn tại lâu dài và hiệu quả hơn quán vắng khách nhưng muốn thu lãi cao”, người lính già Hạnh “bạc” ví von.


Quả thực, cách mà Hòa Hiệp đã vận dụng nhiều năm qua nằm ở chỗ, thi công công trình chất lượng, lãi ít nhưng có uy tín để đảm nhận được nhiều công trình, đảm bảo có thu nhập ổn định cho người lao động. Thậm chí, ông Hạnh còn khẳng định, nếu làm hòa, để có đủ lương cho anh em thì Hòa Hiệp cũng vẫn làm. 


Và cái lãi của Hòa Hiệp chính là những năm qua, hàng loạt các dự án lớn như: Dự án WB IV như Long Khánh- Dầu Giây; Ninh Thuận- Binh Thuận; Quảng Nam trong các năm 2006-2007 Hòa Hiệp đều tham gia. Rồi các dự án mới đây như QL18, Quảng Ninh. Tại Nghệ An có thể kể đến QL1 thuộc một số nhà thầu thi công phần nền, móng, Hòa Hiệp chịu trách nhiệm thảm bê thông nhựa. Hay QL48 đoạn qua huyện Quỳ Hợp, đường ven đê Sông Lam; đường Cửa Lò, Nam Cấm và hiện tại là dự án nâng cấp, cải tạo hơn 5km QL1 đoạn Nghi Kim Quán Hành, tính từ thời điểm thi công ồ ạt đến khi hoàn thành dự kiến vào cuối tháng 8 tới đây chỉ vẻn vẹn gần 5 tháng.


Có một điều mà theo Giám đốc Phạm Đình Hạnh đó là tất cả các công trình do Hòa Hiệp thi công, bằng kinh nghiệm của mình, khi đưa vào sử dụng, cái lâu nhất cũng vài năm, cái gần nhất là dự án QL1 đoạn Diễn Châu- Đền Cuông. Hiện tại chưa một dự án nào để xảy ra sự cố trồi lún mặt đường. 

7 ngày hoàn thành giá trị xây lắp 20 tỷ đồng


“Kỳ tích” của Hòa Hiệp được ông Hạnh chia sẻ với chúng tôi đó là nhiệm vụ “bất khả thi” mà UBND tỉnh Nghệ An giao cho phải hoàn thành thi công 750m đường vào Khu công nghiệp cao của Nghệ An, phục vụ khánh thành nhà máy đá quý chỉ với…1 tuần.


Ông Hạnh nói, sau khi Phó Chủ tịch tỉnh Nghệ An triệu tập, giao nhiệm vụ, bản thân ông cùng hai cậu con trai đều là Phó giám đốc công ty trực tiếp xuống hiện trường khảo sát. Cùng với việc triệu tập đội ngũ cán bộ phụ trách các lĩnh vực, tổ chức tính toán sản xuất, tập kết vật liệu khẩn trương, ông đã điều động 120 thiết bị các loại để tập trung dàn hàng ngang thi công dưới sự điều hành của ba bố con. Đúng 7 ngày, công trình với tổng trị giá 20 tỉ đồng đã được hoàn thành đảm bảo chất lượng, chủ đầu tư còn lại một ngày kịp cho việc trồng cây xanh để phục vụ ngày lễ cắt băng khánh thành nhà máy.


Trái ngược lại với căn phòng đơn sơ của Giám đốc Phạm Đình Hạnh là con số “khủng” về sản lượng doanh thu hàng năm của Hòa Hiệp: Năm 2012 công ty thực hiện sản lượng lên đến 400 tỷ đồng: 2013, thời kỳ các đơn vị xây dựng cơ bản hết sức chật vật vì thiếu vốn, nhân lực thì Hòa Hiệp lại tranh thủ tận dụng khả năng tài chính, năng lực thi công để đạt con số 600 tỷ, lương cán bộ công nhân viên bình quân đạt hơn 4 triệu đồng/tháng.

Tuấn Anh
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.