Liên quan đến việc thực hiện thí điểm mở lại các đường bay nội địa, trưa 9/10, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Thừa Thiên Huế phát đi thông báo về một số quy định đối với hành khách đến Thừa Thiên Huế bằng đường hàng không.
Đội ngũ y bác sỹ Thừa Thiên Huế tăng cường vào TP.HCM chống dịch Covid-19 trở về trên một chuyến bay đáp xuống sân bay quốc tế Phú Bài - Ảnh minh họa
Theo đó, hành khách đến Thừa Thiên Huế bằng đường hàng không đăng ký trước và phải được phê duyệt theo hình thức trực tuyến tại chức năng “khai báo về Huế” trên ứng dụng Hue-S, hoặc truy cập tại địa chỉ https://tuongtac.thuathienhue.gov.vn/khaibao; xuất trình mã QR tại các chốt kiểm soát khi đến tỉnh Thừa Thiên Huế.
“Tiêu chuẩn hành khách được xét duyệt ưu tiên gồm hoạt động công vụ, lực lượng phòng chống dịch Covid-19, các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nhân và các đối tượng khác”- Thông báo cho hay. Tra cứu địa điểm thuộc diện cách ly tập trung khi đến Thừa Thiên Huế trên ứng dụng Hue-S hoặc truy cập tại địa chỉ https://tuongtac.thuathienhue.gov.vn/tracuucachly.
Các điều kiện khác theo quy định tại Quyết định số 1776 ngày 8/10/2021 của Bộ Giao thông vận tải như: Tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 (thẻ xanh trên Sổ Sức khỏe điện tử/PC-Covid hoặc Giấy chức nhận tiêm đủ liều vắc xin của cơ quan có thẩm quyền cấp, liều cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày) hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm về địa phương (có giấy ra viện/giấy xác nhận khỏi bệnh Covid-19).
Có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính trong vòng 72 giờ trước khi lên máy bay.
Thực hiện khai báo y tế theo quy định, hoàn thành bản cam kết và chuyển cho đại diện hãng hàng không khi làm thủ tục hàng không (check-in) tại điểm xuất phát theo mẫu. Không tham gia chuyến bay khi có các triệu chứng ho, sốt, khó thở, đau mỏi cơ, đau rát họng...
Trước đó, như Báo Giao thông đã đưa tin, ngày 5/10, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có văn bản đề xuất kế hoạch khai thác các chuyến bay nội địa đi và đến Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài- sau khi tỉnh này nhận được văn bản của Cục hàng không Việt Nam về việc xin ý kiến về việc khai thác các đường bay nội địa thường lệ trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19.
Theo đó, tỉnh Thừa Thiên Huế đồng ý khai thác đường bay nội địa Huế - TP.HCM, đồng thời UBND tỉnh đề xuất kế hoạch khai thác các chuyến bay trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 thời gian tới.
“Hiện nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đang tổ chức đón công dân từ TP.HCM và các tỉnh phía Nam về theo đường hàng không và đường sắt.
Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu của người dân và đảm bảo yêu cầu về phòng chống dịch bệnh Covid-19, trước mắt, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đề xuất với Cục hàng không Việt Nam cho khai thác đường bay nội địa đi và đến Cảng Hàng không Quốc tế Phú Bài với tần suất khai thác 1 chuyến khứ hồi/tuần đối với đường bay Huế - TP.HCM”, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay.
Đối với các đường bay còn lại, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết sẽ có đánh giá và đề xuất với Bộ Giao thông vận tải, Cục hàng không Việt Nam khai thác thường lệ trở lại khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát.
Ngày 8/10, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành quy định tạm thời triển khai các đường bay nội địa chở khách thường lệ.
Trong đó, ngoài quy định áp dụng đối với hoạt động vận tải hành khách nội địa bằng đường hàng không trên phạm vi toàn quốc và thực hiện thí điểm (từ ngày 10/10/2021 đến hết ngày 20/10/2021), Quyết định của Bộ Giao thông vận tải cũng nêu rõ, trong thời gian thí điểm nói trên, mỗi ngày sẽ có 38 chuyến bay, gồm 13 chuyến từ TP.HCM đi các tỉnh Bình Định, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Khánh Hoà, Nghệ An, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Nam, Thanh Hoá, Hải Phòng, Phú Quốc, Gia Lai, Rạch Giá với tần suất 1 chuyến khứ hồi mỗi ngày.
Từ Hà Nội mỗi ngày có 1 chuyến khứ hồi đi TP.HCM và một chuyến khứ hồi đi Đà Nẵng. Ngoài ra còn có 1 chuyến khứ hồi Đà Nẵng - Cần Thơ, 1 chuyến khứ hồi Đà Nẵng - Đắk Lắk, 1 chuyến khứ hồi Hà Nội - Cần Thơ và một chuyến khứ hồi Thanh Hoá - Lâm Đồng. Riêng đường bay Hà Nội - Cần Thơ sẽ được khai thác linh hoạt khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Trong thời gian thực hiện thí điểm, Bộ Giao thông vận tải sẽ tổng hợp tình hình, sơ kết đánh giá, phối hợp các địa phương để đề xuất Thủ tướng Chính phủ việc bổ sung, điều chỉnh kế hoạch khai thác cho phù hợp với tình hình thực tế trong giai đoạn tiếp theo.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận