Trần Duy Quang giữ lá cờ Tổ quốc khi về đích đầu tiên chặng 100km marathon quốc tế 2017 |
Chân đau 1 tuần và tim đau cả tháng mới hồi phục sau lần chạy 42km, Quang Trần lại lên kế hoạch cho thử thách mới: 100km. Một mục tiêu không ít người gọi là… điên rồ. Và rồi anh trở thành quán quân giải chạy khó nhất Việt Nam, vượt qua rất nhiều “chiến binh” đến từ khắp nơi trên thế giới.
Tôi không thể hiểu nổi tại sao một người chơi thể thao nghiệp dư có thể chạy liên tục 100km đường núi? Anh chạy xuyên đêm à?
Ở giải Vietnam Moutain Marathon 2017 tôi chạy 100km xuyên đêm, từ 10 giờ tối đến hơn 11 giờ trưa hôm sau. Chỉ dừng lại ăn nhẹ vài quả chuối, uống vài viên thuốc chống co rút. Chạy xuyên đêm trong rừng cũng là một sở thích của tôi. Tôi đã nhiều lần chạy xuyên đêm trên núi Sơn Trà để tập luyện cho cơ thể thích nghi, không cảm thấy buồn ngủ.
100km hết vượt suối lại lên dốc, xuống dốc, được đoạn đường bằng thì đầy bùn nhão, tôi nghe nói có người không thở nổi hoặc phải lết về đích, anh có thấy nhiều người bỏ cuộc không?
Ở cự ly 100km có khá nhiều người bỏ cuộc, phần nhiều là vì không chịu nổi hành trình chạy xuyên đêm, nó vắt kiệt sức và ý chí của nhiều người.
Nhưng tại sao lại phải là 100km, tôi vẫn thấy chặng đường đó là không tưởng và quá sức với số đông?
Lý do tôi chạy giải 100km là vì tính chinh phục của nó. Trên website của giải ghi “Đây là cuộc chạy khó nhất từng có ở VN”. 100km đường bằng tôi đã từng chạy. Nhưng đây là 100km đường núi, nó khó như thế nào, hẳn những người đã từng chạy những năm trước, ở các cự ly ngắn hơn hiểu rõ. Nhưng không phải là không thể chinh phục, bằng chứng là có hàng trăm người đăng ký, trong đó có nhiều người nước ngoài.
Tôi đã từng thất bại trong giải Cần Giờ Marathon 2015. Sau đó tôi cuốn mình vào tập luyện để “phục thù”.
“Tôi thích chạy thật dài một mình. Khi đó tôi thấy mình thật tự do, nhỏ bé giữa thế giới này. Sự đau đớn là những gì mà tôi sẽ trải qua trong suốt quãng đường dài cô độc. Nghe có vẻ điên rồ nhưng tôi thích cảm giác đó”. Trần Duy Quang – quán quân cự ly 100km VMM 2017 |
Trên facebook của mình, anh nói năm 2016 chạy cự ly 42km đau chân 1 tuần và đau tim tới 1 tháng. Nhiều người chạy cự ly này kể những đau đớn là không thể tả nổi. Đau đớn có gì hay mà anh đam mê đến vậy?
Trong cuốn sách “ What I talk when I talk about running” của nhà văn nổi tiếng người Nhật Haruki Murakami có viết: “Pain is inevitable. Suffering is optional”. Tạm dịch là “Đau đớn là điều không thể tránh khỏi. Đau khổ là sự tự nguyện”. Tôi thích chạy, vì mỗi cuộc chạy ultra marathon của tôi đều là những lần thử thách chịu đựng sự đau đớn của cơ thể.
Tùy theo cách chọn của mỗi người, có người chấp nhận chịu đựng nó, tìm cách vượt qua. Có người sẽ từ bỏ và dừng lại.
Tôi không chọn cách dừng lại cho những thử thách của mình.
Nói anh đừng giận, có người nói những người nghiện chạy bộ như anh là nghiện hành xác?
Tôi thấy cũng đúng (cười).
Vì mấy ai thích chấp nhận chịu đựng sự đau đớn trong mỗi lần chạy như chúng tôi. Chạy bộ không chỉ là một môn thể thao, mà nó còn là một triết lý của cuộc sống. Để đến được đích, để đạt được mục tiêu bạn không được bỏ cuộc và dừng lại.
Tổn hao biết bao tâm lực như vậy, khi thành quán quân, giải thưởng anh nhận được trị giá bao nhiêu tiền?
Tất cả các giải chạy tôi tham gia đều không có giải thưởng, chỉ có kỷ niệm chương khi kết thúc chương trình.
Ô, thật bất ngờ, tôi được biết chi phí tham gia các giải chạy marathon không nhỏ, lên tới tiền triệu, chưa kể chi phí đi lại, vé máy bay, khách sạn…
Đúng vậy. Người chạy phải bỏ toàn bộ chi phí. Ban tổ chức chỉ hỗ trợ nước uống và một số nhu yếu phẩm cần thiết. Với riêng tôi, việc tham gia các giải chạy chiếm phần lớn trong số tiền sinh hoạt.
Anh có thể nói về nghề nghiệp của mình được không? Nhiều người nói những người tham gia giải marathon quốc tế ở Việt Nam hiện nay đa phần là “có điều kiện”?
Tôi là một nhân viên kinh doanh nên thời gian và tiền bạc không dư giả. Nhưng vì đam mê nên tôi cố gắng tiết kiệm để có thể tham gia những giải chạy hấp dẫn.
Tôi thường chuẩn bị thực phẩm, nước, trang phục gọn nhẹ, chất lượng. Tùy vào địa hình, người chạy phải chuẩn bị giày phù hợp. Những người mới chạy phải tập luyện thường xuyên hơn, học kinh nghiệm để chạy đúng phương pháp, nâng cao thể lực và tránh chấn thương. Trần Duy Quang |
Khi chạy bộ thì buộc phải hi sinh những sở thích cá nhân khác. Cuối giờ chiều, sau giờ làm việc, tôi chạy khoảng 15km, cuối tuần, có thời gian hơn thì tôi chạy 30-40km.
Một người có tố chất bền bỉ, sức khỏe như anh hoàn toàn có thể tham gia một môn thể thao khác có thể mang lại thu nhập tốt hơn như tennis, bơi lội. Ai cũng biết nổi tiếng một môn nào đó thì sẽ có nhiều người theo học… Sao anh dồn toàn tâm sức cho chạy bộ?
Tôi nghĩ rằng mỗi người có một tố chất phù hợp với một môn thể thao nào đó. Và tôi nhận thấy rằng thể chất tôi thích hợp với chạy đường dài. Thu nhập của tôi hiện cũng tương đối ổn so với mức sống ở Đà Nẵng. Tôi thích chạy vì đơn giản đó là niềm vui sở thích của tôi, chứ chưa có ý định kiếm tiền từ môn này. Ở Đà Nẵng, chúng tôi lập một nhóm chạy có tên Danang Runners. Chúng tôi chạy cùng nhau, giao lưu giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Tôi luôn kéo tất cả những ai có thể đến với chạy bộ (Cười).
Chạy bộ ở Việt Nam đang rất phát triển. Nếu như 3 năm trước, số lượng người hoàn thành cự ly 42km chỉ đếm trên đầu ngón tay thì hiện đã có cả trăm người đủ sức hoàn thành.
Câu cuối cùng xin được hỏi anh, điều khiến anh hạnh phúc nhất khi chạy là gì?
Điều làm tôi hạnh phúc nhất là hoàn thành được mục tiêu mình đề ra.
Chạy bộ không những giúp cho tôi khỏe mạnh hơn, tinh thần sảng khoái hơn mà còn là cách giúp tôi đặt mình trước những thử thách và tìm cách vượt qua nó. Đó là những thứ tiền không thể mua được.
Cảm ơn anh vì cuộc trao đổi.
Hữu Hiệp (Thực hiện)
Trần Duy Quang là quán quân Vietnam Mountain Marathon 2017. Anh chạy 100km đường núi với thời gian 13 g 17 phút.
Anh từng chạy khoảng 10 giải lớn nhỏ cả trong nước và khu vực Đông Nam Á. Cự ly dài nhất là giải Ultra Trail Angkor với quãng đường 128km. Marathon đã mang đến cho anh nhiều người bạn, cũng như những đối thủ vô cùng thú vị. Ví dụ như một người bạn Brasil chạy cùng giải Ultra Asia Race. Anh này từng chạy giải Jungle Marathon xuyên qua rừng Amazon. Đó là một trong những giải chạy khó nhất thế giới theo đánh giá của tạp chí Time. Hay một cô gái Việt Nam đã hoàn thành giải chạy xuyên qua 4 sa mạc trên 4 châu lục. Cô là người phụ nữ đầu tiên của châu Á hoàn thành thử thách đó.
Trần Duy Quang nói anh nghiện chạy, nghiện cảm giác vượt qua nỗi đau thể xác và trui rèn ý chí |
Trần Duy Quang là người đầu tiên về đích giải chạy quốc tế 100km đường núi tại Sapa 2017 |
“Are you ready? Tất cả đồng thanh Yes. Tôi vội bật đồng hồ GPS lên để lưu lại quãng đường chạy. Và rồi màn đếm ngược huyền thoại bắt đầu. Tất cả lao về màn đêm phía trước với ánh đèn headlamp trên đầu mỗi người, trong im lặng. Chỉ có tiếng bước chân đạp, tiếng con tim đập thình thịch, thình thịch….” Fb Quang Tran |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận