Chất lượng sống

Hạnh phúc tròn đầy của anh thợ sửa xe tật nguyền

24/01/2017, 08:24
image

Cưới được người con gái mình yêu thương và hết mực yêu thương làm vợ, anh Hùng như tìm được động lực sống.

A1 (1)

Gia đình hạnh phúc của anh Hùng trong tiệm sửa xe.

Đang ở độ tuổi 24 trai tráng với bao khát khao, hoài bão, thì tai nạn giao thông ập đến. Vật lộn thoát khỏi “cửa tử”, nhưng Nguyễn Văn Hùng đã vĩnh viễn mất đi đôi chân. Tưởng cuộc đời chỉ còn là những tháng ngày lay lắt, nhưng rồi anh đã tìm thấy “ánh sáng cuộc đời” nhờ tình yêu của người vợ dịu hiền.

Nên duyên từ những hộp cơm bệnh viện

Nằm ngay trục chính của con đường vào thôn Lý Chánh, xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, trong tiệm sửa xe “Hùng”, ông chủ kiêm thợ chính tên Nguyễn Văn Hùng (41 tuổi) luôn tươi cười, giọng nói sang sảng dù bàn tay lấm lem dầu mỡ và đôi chân bất động dưới ống quần buông thõng.

Rót chén trà mời khách, anh Hùng cởi mở kể câu chuyện cuộc đời mình. Năm 24 tuổi, anh là thợ sửa xe cho một gara ô tô ở Đắk Lắk. Trong một lần lên cabin sửa chữa xe, anh vô tình bật khóa khởi động xe, khiến chiếc xe chồm lên, lật nghiêng, đè xuống người anh. Trải qua các bệnh viện tỉnh đến bệnh viện ở TP HCM, anh Hùng được cứu sống, nhưng do chấn thương sọ não, anh bị liệt đôi chân.

Xem thêm video:

“Ngày đó tôi cao to, phong độ, lại làm nghề sửa chữa ô tô, thu nhập cũng khá, nhiều cô gái thầm yêu trộm nhớ lắm. Nhưng tai nạn xảy ra, tôi thành người tật nguyền, chẳng còn ai ngoài người thân bên cạnh. Nhìn xuống đôi chân “vô tích sự” của mình, nhiều lúc tôi bi quan, chả thiết sống”, anh Hùng tâm sự.

Sau khi lăn lộn khắp các bệnh viện, sử dụng từ thuốc Tây đến thuốc Đông y để chữa trị nhưng không khỏi, gia đình đưa anh Hùng về quê, đến Trung tâm Chỉnh hình và phục hồi chức năng TP Quy Nhơn để chữa trị. Tại đây, anh may mắn gặp được chị Nguyễn Thị Thìn, vợ anh bây giờ.

“Tôi bị tai nạn như một định mệnh, rồi gặp cô ấy như một duyên mệnh. Cô ấy đã đem đến ánh sáng cho cuộc đời tưởng như tăm tối của tôi, trao cho tôi nghị lực sống, phấn đấu”, anh Hùng nói.

Mỉm cười nhìn chồng, chị Thìn kể, chị quê ở huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Khi anh Hùng nằm điều trị, chị cũng đi chăm nuôi người chị gái tàn tật. Những ngày anh Hùng nằm chung phòng bệnh với chị gái, nhìn anh Hùng cao to, khuôn mặt điển trai mà chung cảnh ngộ với chị của mình, chị Thìn đã thấy thương. Rồi thấy anh Hùng nhiều hôm chỉ ở viện một mình, không ai giúp đỡ, chị thường hỏi mua giúp hộp cơm, phích nước. Hai người cứ trao đổi, trò chuyện như thế rồi thành thân quý, cảm mến nhau lúc nào không hay.

Bản thân anh Hùng thấy chị Thìn dịu dàng, chăm chỉ, lại nói chuyện tâm đầu ý hợp nên rất quý mến. Nhưng nghĩ đến đôi chân tàn tật và tương lai của mình, anh không dám nghĩ chuyện xa xôi. Nhưng chính chị Thìn cảm nhận được tình yêu của anh, đã chủ động đề nghị anh cùng chị xây dựng tổ ấm. “Lúc cô ấy run run nói xong điều trọng đại ấy, tôi thấy mình như hóa đá, nước mắt cứ chảy ra. Từ ngày lớn lên, ý thức mình là đàn ông, đây là lần đầu tiên tôi khóc. Tôi cảm ơn cuộc đời, cảm ơn vụ tai nạn định mệnh đã cho tôi gặp được cô ấy”, anh Hùng cho hay.

Trước hoàn cảnh của gia đình anh Hùng, chính quyền xã Nhơn Lý cũng đã tạo điều kiện xây tặng gia đình anh ngôi nhà Đại đoàn kết trên diện tích hơn 20m2. Ngôi nhà nhỏ nên chỉ đến tối, hai đứa trẻ mới trở về để học bài và ngủ lại, còn vợ chồng anh vẫn ở lại tiệm sửa xe.

Tuy nhiên, biết chuyện tình yêu của hai người, gia đình chị Thìn phản đối quyết liệt. Gia đình chị đã có một người tàn tật, nên thấu hiểu sự khốn khó trong cuộc sống nếu chị gắn bó với anh. Hơn nữa, chị đang trẻ, khỏe mạnh, hay lam hay làm, tương lai còn ở phía trước. Tìm đủ cách thuyết phục gia đình không được, chị Thìn xin phép cha mẹ, rời nhà ra Bình Định làm ăn, nhưng thực ra chị tìm ra để ở với anh, chăm sóc anh.

Sau gần ba năm chị rời nhà ra ở với anh, gia đình chị biết không thể ngăn cản được anh chị, đành chấp nhận để bố mẹ anh đưa trầu cau đến đặt sính lễ. Năm 2003, anh chị chính thức là vợ chồng trong niềm hạnh phúc trào dâng, dù đám cưới chỉ vỏn vẹn vài mâm cơm đạm bạc. Tuy nhiên, phía nhà gái vẫn canh cánh nỗi lo rồi anh chị sẽ làm gì để nuôi nhau, liệu hai người có thể có con khi anh đã liệt toàn bộ đôi chân như vậy.

Hạnh phúc tròn đầy

Cưới được người con gái mình yêu thương và cũng hết mực yêu thương mình làm vợ, anh Hùng như tìm được động lực sống. Vốn có sẵn kinh nghiệm sửa chữa ô tô, nhưng sức khỏe không cho phép anh đi làm thuê cho các gara như trước. Ở vùng quê nghèo miền biển này lại không có nhiều ô tô để anh có thể mở dịch vụ sửa chữa, nên anh Hùng quyết định đi học sửa chữa đồng hồ, rồi về che tạm túp lều nhỏ trên mảnh đất để không của người dì họ kiếm sống qua ngày.

A1

Cưới được người con gái mình yêu thương và cũng hết mực yêu thương mình làm vợ, anh Hùng như tìm được động lực sống. 

Vài năm nay, nghề sửa đồng hồ không còn thịnh, với tay nghề sửa chữa ô tô sẵn có, anh Hùng lại mày mò học thêm và chuyển sang mở tiệm sửa xe đạp, xe máy. Với vốn liếng nghề nghiệp, anh nhanh chóng trở thành thợ sửa xe có tiếng tại xã ven biển này. Cuộc sống của hai vợ chồng tuy còn nghèo, nhưng ngập tràn hạnh phúc.

Hạnh phúc nhân đôi khi 5 năm sau ngày kết hôn, chị có tin vui. Nhưng khi biết chị mang bầu, dư luận và có cả người thân của anh điều ra tiếng vào, cho rằng anh liệt đôi chân như thế thì không thể có con. “Tôi thương vợ những ngày ấy mang bầu vất vả mà chồng lại tật nguyền không đưa đón, chăm sóc được như người ta, thế mà vẫn có những lời đàm tiếu không hay từ dư luận. Nhưng khi con gái đầu lòng Nguyễn Ngọc Ái Nhân ra đời, giống tôi như đúc, sự hoài nghi tan dần”, anh Hùng tâm sự.

Ba năm sau ngày có con gái đầu lòng, vợ chồng anh Hùng lại đón đứa con trai thứ là cháu Nguyễn Đại Nghĩa. Nhìn hai đứa trẻ 8 tuổi và 5 tuổi khỏe mạnh, lanh lợi nô đùa trước cửa tiệm, ánh mắt anh Hùng lấp lánh niềm vui: “Tôi liệt thế này nhưng tôi vẫn làm được nhiều việc, từ kiếm tiền đến tắm giặt, cho con ăn, dạy con học bài... Nghe nói ở đây sắp đầu tư khu du lịch, tôi chỉ mong đời sống người dân nơi đây khấm khá hơn, tiệm nhiều khách hàng hơn để nuôi được các con học hành đến nơi, đến chốn”.

Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.