Không ai mong muốn hôn nhân tan vỡ. Sau những ngã rẽ, người phụ nữ buộc phải đóng nhiều vai, gồng mình lên mưu sinh, cáng đáng việc nhà, nuôi dạy con cái. Trái ngọt sẽ đến với những người không bỏ cuộc, vượt lên nỗi cô đơn để biến những mệt nhọc thành niềm vui…
Làm vì con, sống vì con
CEO Lê Dung trong vai trò Moderator, cùng những chuyên gia kinh tế đầungành tại sự kiện Văn hóa Doanh nghiệp trong thời đại số
CEO Lê Dung, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đào tạo và Phát triển nhân lực Dgroup được nhiều người biết đến với hình mẫu một phụ nữ xinh đẹp, tài năng, nhiệt huyết - người “ truyền lửa” cho không ít doanh nghiệp, ít ai biết ngã rẽ cuộc đời đã tạo bàn đạp nội lực mang cho nữ CEO này bứt phá.
Chị Dung cho biết, khi chia tay chồng 10 năm trước, chị đã chọn nuôi cả hai con khi cậu con trai lớn 3 tuổi, cậu bé chỉ mới 1 tuổi. Dù rằng chọn ra đi khi có quá nhiều đổ vỡ, cả hai đều đã chuẩn bị trước, nhưng đối với chị lúc đó là một bầu trời “xám xịt”.
Chị nhớ lại: “Năm đó, 3 mẹ con phải ra đi thuê nhà, vất vả đủ đường. Tôi phải 3 đầu 6 tay để vừa lo công việc vừa hoàn thành việc chăm hai con nhỏ. Sau một thời gian vất vả quá, mẹ con phải về ở cùng ông bà ngoại để nương tựa.
Thời gian đầu, tôi vẫn hỗ trợ chồng cũ mảng đạo tạo ở công ty của hai vợ chồng. Sau một thời gian, tôi quyết định giãn ra và đi lối đi riêng của mình. Thời điểm đó, để quên đi nỗi cô đơn, trống vắng, tôi vùi mình vào học tập, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng, kết nối lại tất cả các mối quan hệ được nuôi dưỡng từ trước để lập kế hoạch cho bản thân.
Dgroup đã ra đời từ đó với sứ mệnh kết nối, lan tỏa và đồng hành với các doanh nghiệp Việt Nam thông qua các buổi chia sẻ, tọa đàm, tiệc doanh nhân, đào tạo các kỹ năng từ cấp nhân viên đến cấp lãnh đạo, giám đốc điều hành…”.
Theo chị Dung, để có thể vực dậy được sau ly hôn, những lúc nỗi buồn ùa đến, chị liền liên hệ ngay đến những mảnh đời khổ hơn mình để trấn an bản thân “cuộc sống mình còn may mắn”.
Hành trang dạy con, chị cũng đã gặp không ít phiền não khi tự phải đưa ra quyết định chọn trường học cho con. Làm sao để con học môi trường tốt mà chi phí vẫn phù hợp với sức của chị. Trong hoàn cảnh ấy, khi con mới lên lớp 1, chị đã phải chuyển trường cho con tới 3 lần. “Đó là thất bại đầu tiên, cho tôi cảm nhận được sự thiếu vắng khi không có người đàn ông cùng định hướng với mình”, chị Dung kể.
Sau đó, còn không ít lần vấp ngã, có những chặng đường chị tưởng rằng không vượt qua được. Nhưng khi đối diện với cảm giác bị bỏ rơi, nội lực đã vượt lên, làm bàn đạp giúp chị Dung hoàn thành tốt mọi việc.
“Một mình làm gì cũng khó, nhưng chỉ than thở sẽ nhấn mình xuống vực sâu. Tôi hết mình với bất cứ việc gì có thể giúp nuôi con, tuy mệt nhưng vui, không phụ thuộc, vì thế mọi thứ rất nhẹ nhàng.
Chuyên gia xã hội học, PGS.TS Trịnh Hòa Bình cho rằng, phụ nữ đơn thân đang “bình thường hoá” ở nhiều nước, nhất là những nước phát triển. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy, những bà mẹ đơn thân mà nuôi con thì kinh tế sẽ khó khăn hơn và việc giáo dục con cái cũng thiệt thòi hơn, nhất là con trai.
Bởi vậy, đơn thân nuôi con chỉ là cực chẳng đã, cần được chia sẻ, cảm thông nhưng không cổ xúy, khuyến khích. Giữ một mái ấm gia đình, gìn giữ hạnh phúc đôi lứa mới là hạnh phúc trọn vẹn nhất. Các con cần biết gia đình là phải đủ cả cha lẫn mẹ, để sau này các con lớn lên, sẽ xây dựng gia đình hoàn hảo hơn.
Tôi học được cách buông bỏ ưu phiền, bỏ lại những bất đồng để tránh làm tổn thương nhau. Phụ nữ mang theo mối hận thù thì quá trình dạy con cũng rất ảnh hưởng. Nên tôi phải dạy con lòng biết ơn, có những thứ buông bỏ và bỏ qua”, chị Dung nói.
Cũng ly hôn ở tuổi 33, bước ra khỏi cánh cửa gia đình mang theo cậu con trai nhỏ chỉ mới hơn 1 tuổi, chị Bùi Hồng Thanh (Hà Nội cảm tưởng mình đã “trở về từ cõi chết” khi nhớ lại những ngày đầy bi thương đó cách đây 12 năm trước, khi tay trắng lo hết mọi bề.
Sau ly hôn, công việc sa sút, tâm trạng và sức khỏe đều bất ổn, không lâu sau đó, chị bị mất chức trưởng phòng về làm một nhân viên bình thường.
Theo chị Thanh, thời điểm đó chị gần như bị trầm cảm, xa lánh với thế giới xung quanh. Phải quần quật chăm sóc cậu con trai hay ốm đau, quấy khóc, chị ngày ngày ăn không đủ giờ, ngủ không đủ giấc; đêm đêm tranh thủ làm việc khi con vào giấc ngủ, chốc chốc lại giật mình với những lần giật mình, khóc thét của cậu bé.
“Lúc đó ai thuê gì làm nấy. Bất chấp sức khỏe, có việc gì cũng làm. Thế nhưng, có những lúc tôi chỉ còn đúng 20 nghìn đồng. Ôm con ngủ ở một căn trọ tồi tàn, tôi thấy mình bị dìm xuống đáy của xã hội khi không biết ngày mai thức dậy phải mua gì cho con ăn.
Thế rồi, sau bao nhiêu cú điện thoại gọi hỏi khắp nơi, cuối cùng cũng có người chịu thuê làm hồ sơ, sắp xếp hồ sơ với giá 100.000 đồng.
Sau lần đó, nhìn đứa con bé bỏng, tôi khóc hết nước mắt và tự nhủ lòng mình, phải cố gắng vươn lên cho con đỡ khổ. Lúc đó, cả thế giới của tôi là làm vì con, sống vì con.
Con lớn thêm một chút, tôi gửi con đi lớp và lao đầu vào công việc. 3-4 năm sau ly hôn, tôi mới ổn định lại, đạt được mục tiêu kế hoạch và được làm trưởng phòng kinh doanh của một công ty bảo hiểm hàng không.
Đến giờ, tôi đủ cảm nhận và trải nghiệm để hiểu, cảm thông với những mảnh đời như mình. Tôi cũng không quên tự hào rằng, phụ nữ có thể hoàn toàn độc lập, tự chủ lo phát triển cuộc sống một cách hạnh phúc mà không nhất thiết phải dựa vào một người đàn ông”, chị Thanh kể.
Lối sống tích cực sẽ thành nội lực
Chị Dung, chị Thanh chỉ là hai trong số rất nhiều thành viên trong các nhóm như Hội các bà mẹ đơn thân, nhóm single mom, nhóm độc thân, nhóm dã ngoại… trên mạng xã hội. Cùng với tình trạng hôn nhân tan vỡ tăng lên, phụ nữ đơn thân nuôi con thời nay đã dần trở nên bình thường.
Cũng chính bằng những chiêm nghiệm của cuộc đời mình và mong muốn được kế nối, sẻ chia nhiều hơn nữa từ những mảnh đời khác, chị Thanh cho biết, chị đã lập nên nhóm cộng đồng “Dã ngoại” thu hút được hơn 71.000 người tham gia, mong muốn được tìm người giao lưu, tìm môi trường cho con vui chơi, rèn luyện…
Chị Thanh cho biết: Nhiều mẹ đơn thân chia sẻ, họ đau lòng khi bắt gặp ánh mắt đượm buồn của con thơ, nhìn cuộc sống một cách nghi ngờ, ảm đạm, xa lánh… khi ra ngoài bị bạn bè và người lớn kỳ thị.
Thậm chí, chính những bà mẹ đơn thân cũng bị kỳ thị một cách khó hiểu. Nên bản thân họ đôi lúc phải ngụy trang là người có chồng con bình thường để mong được sống bình thường như những người khác.
Bởi vậy, họ tìm đến nhóm với hy vọng “được là chính mình”. Từ đó họ sẽ tìm được lối sống tích cực, tạo nội lực cho bản thân vươn lên trong cuộc sống thường nhật.
Nhóm “Dã ngoại” được tổ chức theo các sực kiện, hay theo chủ đề. Mỗi chuyến đi là một địa điểm khác nhau, theo các ngày lễ. Các con được vui chơi, còn các mẹ được nghe những câu chuyện của nhau, cùng động viên nhau tiến nhau phía trước. Để mọi người đều cảm nhận được “đứt gánh” không phải là kết thúc mà mở ra một trang sách mới. Ngoài niềm vui chăm sóc con cái, phụ nữ còn được tự do tận hưởng những niềm vui mà những người bận lo toan chồng con không thể có.
Chuyên gia tâm lý Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam Đào Lê Hòa An cho rằng, những đặc điểm tính cách chung ở những phụ nữ đơn thân như chị Dung, chị Thanh chính là sự quyết tâm, có ý chí, quyết đoán, tự lập, bản lĩnh. Dù ly hôn là điều không ai mong muốn, nhưng sau khi đã vượt qua được khó khăn, vất vả, họ đã nhận ra được rằng, phụ nữ không nhất thiết phải lệ thuộc vào một bờ vai.
Phụ nữ ngày nay đã khẳng định mình trên rất nhiều lĩnh vực, đạt được rất nhiều thành công trong công việc lẫn cuộc sống, đõ cũng là niềm tin để họ bật dậy bản năng trong những tình thế bắt buộc.
“Những người mẹ đơn thân có những vết thương tinh thần, nếu suy nghĩ tích cực, lâu dài sẽ trở thành nội lực”, vị chuyên gia nói và đánh giá, đó là những phụ nữ rất bản lĩnh.
Tuy nhiên, theo chuyên gia này, ẩn sâu trong nhu cầu của phụ nữ vẫn cần nhận được sự chở che. Cho nên họ cũng cần phân biệt sự mạnh mẽ, bản lĩnh ở góc độ nhất định, chứ không phải khẳng định tất cả.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận