Vận tải

Hành trình 25 năm Vinalines “vượt sóng”

28/04/2020, 16:30

25 năm kể từ khi thành lập, “con thuyền” Vinalines vẫn đứng vững để chinh phục đại dương dù không ít lần chông chênh trên đỉnh sóng...

img
Trải qua 25 năm hình thành, phát triển, Vinalines đang sở hữu hạ tầng cảng biển hiện đại, lớn nhất Việt Nam - Ảnh minh họa

Đột phá mạnh mẽ trong hơn một thập kỷ

Cuối tháng 4/2020, chia sẻ với Báo Giao thông, TS. Chu Quang Thứ, nguyên Quyền Cục trưởng Cục Hàng hải VN cho biết, Vinalines được thành lập ngày 29/4/1995 trên cơ sở sắp xếp lại một số doanh nghiệp (DN) vận tải biển, bốc xếp và dịch vụ hàng hải do Cục Hàng hải VN và Bộ GTVT quản lý.

Thời điểm ấy, Vinalines gồm 24 DN thành viên, với cơ sở vật chất kỹ thuật lạc hậu. Đội tàu chỉ có 49 chiếc tổng, trọng tải chưa đến 400.000 DWT, phần lớn là tàu cũ, tuổi trung bình lên đến 21,5 năm. Hệ thống cảng biển với 6.900m cầu bến chưa được nâng cấp, không có bến chuyên dụng, trang thiết bị lạc hậu, năng suất thấp, chỉ bằng 30% các cảng trong khu vực. Số vốn nhà nước giao chưa đến 1.500 tỷ đồng.

“Ngay khi được thành lập, Vinalines đối mặt với những khó khăn do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997. Tuy nhiên, với kế hoạch phát triển đội tàu biển, cảng biển và hệ thống cảng cạn (IDC) trong 5 năm để nâng cao sức cạnh tranh, đến năm 2000, năng lực xếp dỡ của Vinalines đạt 2.800 tấn/m bến/năm (so với 1.700T/m bến năm 1995). Số tàu của Vianlines nâng lên 79 chiếc với tổng trọng tải 884.000 DWT. Nhờ đó, khối lượng hàng hóa vận tải và sản lượng hàng hóa qua cảng của Vinalines lần lượt tăng gấp từ 2-3 lần so với năm 1995 (lần lượt 11,4 triệu tấn và 20,6 triệu tấn)

Tính đến thời điểm hiện tại, Vinalines có 35 DN thành viên (19 công ty con và 16 công ty liên kết), gồm: 9 DN dịch vụ hàng hải và logistics, 11 DN vận tải biển với hơn 70 tàu, 15 DN cảng biển sở hữu 75 bến cảng với chiều dài hơn 13.000m, chiếm 20% tổng số chiều dài cầu cảng của cả nước với năng lực xếp dỡ hơn 100 triệu tấn hàng/năm.

Đáng chú ý, năm 2000, doanh thu của Vinalines đạt tới 4.400 tỷ đồng, với tốc độ tăng trưởng bình quân 17% năm, tăng gấp 2,5 lần so với năm 1995. Tổng số vốn của Nhà nước tại Vinalines vào cuối năm 2000 là 2.225 tỷ đồng, tăng 50% so với 5 năm trước đó”, TS. Thứ nhớ lại.

Theo ông Lê Anh Sơn, Chủ tịch HĐTV Vinalines, tốc độ phát triển của Vinalines còn mạnh hơn nữa sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển Tổng công ty Hàng hải VN giai đoạn 2001-2005 và giai đoạn 2006 - 2010 với định hướng Tổng công ty Hàng hải VN sớm trở thành tập đoàn hàng hải mạnh trong khu vực, giữ vai trò chủ lực trong ngành hàng hải Việt Nam.

“Kết quả nổi bật nhất là đến hết năm 2004, số vốn của Tổng công ty tăng 1,3 lần so với năm 2000 và gần gấp đôi so với thời điểm 1995, đạt hơn 2.900 tỷ đồng. Tổng số tàu biển đến hết năm 2005 là 104 tàu với tổng trọng tải gần 1,2 triệu DWT. Tổng số mét cầu cảng đến hết năm 2005 là gần 9.000m.

Đến hết năm 2010, đội tàu của Tổng công ty tiếp tục tăng lên 150 chiếc, tổng trọng tải đạt gần 2,7 triệu DWT, tuổi trung bình của đội tàu giảm từ 21,5 xuống 16,2. Tổng số mét cầu bến hơn 16.000m. Sản lượng hàng thông qua cảng đạt gần 70 triệu tấn. Vốn nhà nước tại Vinalines là hơn 8.000 tỷ đồng, tăng 5,4 lần so với số vốn được giao từ ngày đầu thành lập. Từ năm 2007 - 2010, tổng số tiền Vinalines đóng góp vào ngân sách nhà nước đạt hơn 3.900 tỷ đồng”, ông Sơn cho hay.

“Thoát đắm” giữa khủng hoảng

Từ cuối năm 2008, khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới diễn ra ảnh hưởng nặng nề đến ngành hàng hải, giá cước vận tải biển sụt giảm nghiêm trọng, số lãi từ mảng vận tải trong tình trạng “rơi tự do”. Vinalines trở thành một trong những “ông lớn” rơi vào vòng xoáy nợ nần, đứng trước bờ vực phá sản.

Hồi tưởng về thời điểm khó khăn ấy, ông Trần Tuấn Hải, nguyên Trưởng ban đổi mới Vinalines cho biết, trong vòng 3 năm phát triển nóng (2006-2008), sức chở đội tàu của Vinalines tăng thêm 1,4 triệu tấn, cao hơn cả tổng trọng tải tàu có được trong vòng 10 năm trước đó (1995-2005) cộng lại, khi cước liên tục sụt giảm, nợ phải trả quá lớn dẫn đến thu không đủ bù chi.

“Vinalines phải lấy nguồn dự trữ để bù lỗ, nhưng khi khoản này cạn kiệt, không thể thanh toán các khoản nợ đến hạn, Vinalines và các đơn vị thành viên bị ngân hàng đặt vào tình trạng báo động. Nguy cơ “con tàu” Vinalines bị đắm càng thêm cao khi Tổng công ty tiếp nhận các DN kinh doanh thua lỗ từ TCT Công nghiệp tàu thủy VN (Vinashin, nay là SBIC) mang theo khoản nợ hơn 16.000 tỷ đồng.

Tình hình tài chính ngày càng thảm hại khi năm 2012, lỗ lũy kế lên tới hơn 16.000 tỷ, nợ phải trả vọt lên hơn 66.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm tới hơn 4.600 tỷ đồng và âm hơn 9.000 tỷ đồng (năm 2014)”, ông Hải nói.

Trước khó khăn đó, ngày 4/2/2013, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt Đề án Tái cơ cấu Tổng công ty Hàng hải VN giai đoạn 2012 - 2015.

“Hàng loạt giải pháp đã được tiến hành như: cơ cấu lại các khoản nợ vay, xử lý nợ thông qua tham gia đàm phán trên nguyên tắc giá thị trường; Kiên quyết loại bỏ các công ty hoạt động kém hiệu quả; Thanh lý tàu già, biên chế lại đội tàu, thu gọn đầu mối của Tổng công ty, cổ phần hóa các DN thành viên,…

Nhờ sự quyết liệt đó, đến năm 2016 dù vận tải biển vẫn chồng chất khó khăn nhưng hoạt động cảng biển của Vinalines đạt lợi nhuận trước thuế hơn 920 tỷ đồng. Đặc biệt, sau nhiều năm tích cực đàm phán với các ngân hàng, tổng số nợ phải trả của Vinalines giảm từ 67.550 tỷ đồng (năm 2013) xuống hơn 17.000 tỷ đồng (năm 2019). Lỗ lũy kế giảm từ hơn 23.000 tỷ (năm 2013) xuống hơn 3.100 tỷ (năm 2019). Nợ được kéo giảm, sản xuất kinh doanh bắt đầu có lãi, vốn chủ sở hữu tại Vinalines đã thay đổi mạnh mẽ từ âm hơn 8.700 tỷ đồng (2013) lên dương gần 9.000 tỷ đồng (2019)”, ông Hải cho hay.

Tiếp tục vươn mình khẳng định vị thế dẫn đầu

Sau giai đoạn tái cơ cấu đạt được nhiều kết quả tích cực, con tàu Vinalines tiếp tục đi trên hành trình mới với bước ngoặt cổ phần hóa, chuyển đổi thành công sang mô hình CTCP.

“Vinalines thực hiện CPH từ tháng 9/2018, hơn 5 triệu cổ phiếu đã được đăng ký mua. So với số cổ phiếu bán ra (hơn 480 triệu cổ phần), lượng cổ phiếu giao dịch thành công còn khá ít ỏi song nó là sự khẳng định, sau muôn trùng sóng gió, con tàu Vinalines không những không bị nhấn chìm mà còn vươn lên để tự thay đổi để đưa mình trở lại vị thế dẫn đầu như 10 năm về trước”, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Q.Tổng giám đốc Vinalines nói.

Chia sẻ về kế hoạch kinh doanh thời gian tới, ông Tĩnh cho biết, trong bối cảnh lĩnh vực vận tải biển còn gặp nhiều khó khăn. Năm 2020, ngành hàng hải lại đang chịu thiệt hại nặng nề bởi dịch Covid-19, Vinalines sẽ tiếp tục thanh lý “trẻ hóa” đội tàu, chuyển hướng đầu tư bằng việc thuê/mua tàu để khai thác khi thị trường thuận lợi, tiến tới tham gia các liên minh về vận tải biển quốc tế để hiện diện là một đơn vị trung chuyển hàng container trong khu vực.

Đặc biệt, Vinalines sẽ cơ cấu vốn đầu tư, tập trung vào những lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, đầu tư cơ sở hạ tầng cảng biển mới, các trung tâm phân phối logistics, ICD,.. để phát triển tối đa dịch vụ tích hợp (vận tải biển - cảng biển - dịch vụ hàng hải), trong đó tập trung kết nối đến các cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải, Lạch Huyện; Đưa công nghệ thông tin trở thành xương sống, “số hóa” từ khai thác đội tàu, kho bãi, cảng biển đến quản lý logistics.

“Mục tiêu của Vinalines là trở thành nhà cung cấp giải pháp tối ưu trong giao nhận, kho vận trên nền tảng cung ứng dịch vụ “Door to Door”, từng bước hình thành dịch vụ chuỗi cung ứng toàn cầu để thu hút khách hàng, đưa doanh thu của nhóm dịch vụ logistics chiếm tỷ trọng lớn trong tổng doanh thu của toàn Tổng công ty”, lãnh đạo Vinalines nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.