Ba mẹ con chị Thúy bên những con tôm anh Hoàng kết lại, gửi ra từ trại tạm giam cho con |
Niềm tin của người vợ trẻ
Ngày 6/11, trong căn nhà thuê lại chính căn nhà đã bán của mình ở thôn Cộng Hòa (xã Thăng Long, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình), chị Vũ Thị Thúy (SN 1989, vợ tài xế container Lê Ngọc Hoàng trong vụ án xe container đâm xe Innova đi lùi trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên) tất tả soạn đồ cho chuyến thăm chồng vào ngày hôm sau.
Chị bảo, ngày mai, sau khi đến thăm chồng ở trại tạm giam trên Thái Nguyên, chị và mẹ chồng sẽ về Hà Nội đến gặp một số luật sư, rồi Trung tâm Cộng đồng Hope Community để lấy tờ đơn kêu cứu cho anh Hoàng đã gom vượt 10.000 chữ ký chỉ trong vòng 3 ngày.
“Chuyến đi này có một đồng nghiệp cũ của anh Hoàng sẽ lái xe đưa mẹ con tôi đi, tôi không phải đi xe khách. Gặp anh Hoàng, tôi sẽ kể cho anh ấy biết tin TAND Tối cao đã rút hồ sơ, xem xét toàn bộ vụ án, kể cho anh ấy nghe việc cộng đồng, anh em lái xe cả nước luôn động viên, sát cánh bên anh và gia đình”, chị Thúy chia sẻ, ánh mắt lấp lánh tia hy vọng.
"Tôi không thể nhớ nổi mình đã gửi bao nhiêu lá đơn, gặp bao nhiêu người, gõ cửa bao nhiêu cơ quan chức năng. Chỉ biết rằng, cứ ai chỉ ở đâu có thể gửi đơn, ở đâu có người có thể giúp, ai gọi điện bảo mang đơn đến, tôi đều đến bằng được. Bởi tôi luôn có một niềm tin mãnh liệt, chồng tôi vô tội. Vụ TNGT là sự cố bất khả kháng đối với chồng tôi. Anh ấy đã làm hết sức mình để ngăn chặn một hậu quả lớn hơn." Chị Vũ Thị Thúy |
Suốt hai năm qua, kể từ khi biến cố lớn ập đến với gia đình, chị Thúy chưa một đêm ngon giấc. Cứ nằm xuống chị lại thấy văng vẳng câu nói của chồng: “Anh bị oan, em hãy tìm người minh oan cho anh” và rồi lại bật dậy, lật giở hồ sơ, vào mạng đọc các bài báo liên quan đến vụ án, tìm kiếm người để tư vấn, hỏi han.
Nhiều đêm thức trắng viết đơn để sáng sớm hôm sau, tất tả gửi con cho ông bà nội ngoại, ra đường bắt xe khách đi gõ các cửa gửi đơn cứu chồng.
Người vợ trẻ chưa đầy 30 tuổi, vốn chỉ quen với công việc giao hàng, chào hàng, chưa từng biết viết một lá đơn kêu cứu nào, cũng rất xa lạ với những khái niệm luật pháp… đã từng rất bỡ ngỡ, không biết làm sao để soạn nổi một lá đơn kêu cứu.
Thời điểm đó, cứ ru con trai nhỏ chưa đầy 2 tuổi, dỗ con lớn chưa đầy 4 tuổi say ngủ, chị lại vào mạng lần dò thông tin về mẫu đơn, về các vụ việc đã từng phải kêu cứu, từng địa chỉ để có thể gửi đơn.
May mắn, câu chuyện chị chia sẻ trên mạng xã hội đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm của dư luận, đặc biệt là sau phiên xử sơ thẩm, nên chị nhận được nhiều lời tư vấn nhiệt tình. Từ chỗ thui thủi một mình bước lên xe khách lúc tờ mờ sáng, ngồi khóc lặng lẽ đến khi xâm xẩm tối gửi đơn xong trở về nhà, chị được nhà xe quen mặt, giảm giá vé.
Sau đó, khi câu chuyện được nhiều người chia sẻ hơn, chị còn được anh em tài xế chở miễn phí đi gửi đơn kêu cứu, đi thăm chồng, dự các phiên xét xử của chồng.
Giây phút tài xế Hoàng gặp hai con trong phiên xét xử phúc thẩm đầu tháng 11 |
“Trước nay, tôi không quan tâm đến kỹ năng xử lý sự cố hay quy định pháp luật TTATGT như thế nào. Nhưng khi chồng bị bắt, tôi lao vào tìm hiểu, cộng với câu chuyện chồng kể lại, lời dặn dò của chồng và nhất là sự chia sẻ, tư vấn, giúp đỡ của rất nhiều người trước đây tôi không hề quen biết, tôi thấy chồng mình bị oan. Đó là niềm tin để tôi tiếp tục hành trình kêu cứu cho anh ấy”, chị Thúy trải lòng.
Chị vẫn nhớ, ngày 19/11/2016, sau khi vụ tai nạn xảy ra, anh Hoàng trở về nhà và kể lại toàn bộ sự việc cho vợ nghe. Anh nói, lúc đó đang đi đúng làn, đúng tốc độ cho phép, nên khi nhìn thấy xe Innova đang lùi, anh đã quan sát, rà phanh chứ không phanh “chết” hẳn, bởi trên xe đang chở nặng sắt, nếu phanh “chết” thì xe container của anh sẽ lật vào xe Innova, hậu quả thảm khốc hơn nhiều.
Sau 3 ngày xét hỏi, anh Hoàng được trở về nhà nhưng 3 tháng sau lại bị bắt tạm giam. Trước khi bị bắt, anh bảo: “Anh bị oan, em hãy tìm người minh oan cho anh”. Lần nào vào trại tạm giam thăm anh hoặc gặp anh ở các phiên xét xử, chị đều được nghe anh nói câu ấy.
Không một ngày từ bỏ ý định kêu oan cho chồng
Ông Nguyễn Duy Chinh ở Lô Giang, Đông Hưng, Thái Bình là đồng nghiệp cùng tài xế Lê Ngọc Hoàng (SN 1986) cho biết, sau khi Hoàng bị tạm giam, ông cùng bạn bè thường xuyên qua lại, hỗ trợ, giúp đỡ ba mẹ con chị Thuý.
Theo ông Chinh, gia đình ông có 3 xe container, biết Hoàng là người có thâm niên 10 năm lái container, tính tình lại cẩn thận, chịu khó, nên ông đã mời Hoàng về lái xe cho ông nhưng Hoàng từ chối mà tính chuyện mua xe riêng để quyết tâm thoát nghèo.
"Từ khi Hoàng xảy ra biến cố, tôi cùng các anh em đồng nghiệp lái xe rất buồn và thấy lo lắng. Vì chuyện này và một số lý do nữa, tôi đã bán cả 3 chiếc container của gia đình để chuyển hướng đầu tư", ông Chinh trải lòng.
Bà Thức, mẹ tài xế Hoàng khóc kể về cậu con trai trong trại tạm giam |
Bà Vũ Thị Thức (59 tuổi), mẹ tài xế Lê Ngọc Hoàng (SN 1985) kể, Hoàng là người hiền lành, tốt bụng, hiếu thuận với cha mẹ, yêu quý vợ con. Bố mẹ chia tay nhau từ khi còn nhỏ, Hoàng đã từng theo bố lên Lai Châu sinh sống, nhưng sau đó trở lại Thái Bình ở với mẹ đẻ và bố dượng.
Bố dượng, mẹ đẻ Hoàng rất nghèo, thường mò cua bắt ốc kiếm sống, nên mới 12 tuổi, Hoàng đã phải làm phụ hồ kiếm sống. Sau khi sinh hai con trai, được sự hỗ trợ của nhà ngoại, Hoàng mua căn nhà trị giá hơn 200 triệu đồng, cách nhà mẹ đẻ chỉ vài con ngõ.
“Anh Hoàng chịu khó làm ăn, chiều vợ, quý con lắm. Khi tôi sinh con trai thứ hai, anh Hoàng bảo phải quyết chí thoát nghèo, bán căn nhà, vay mượn thêm tiền và vay ngân hàng mua chiếc container trị giá hơn 1,7 tỷ đồng làm kế sinh nhai. Anh hứa với kinh nghiệm chục năm làm tài xế container, chỉ 5 năm sau, sẽ hoàn trả lại cho tôi tất cả. Nào ngờ, hai vợ chồng làm ăn tằn tiện, mới trả được hơn 400 triệu đồng, còn nợ hơn 600 triệu nữa thì biến cố xảy ra…”, chị Thúy thở dài.
Nhìn hai cậu con trai Lê Vũ Việt Phong (6 tuổi) và Lê Vũ Nhật Minh (4 tuổi) hồn nhiên chơi đùa, chị Thúy bảo, giờ chị lo nhất là anh Hoàng trong trại tạm giam bi quan, chán nản mà hành xử tiêu cực. Bởi câu chuyện anh đập đầu tự tử trong trại tạm giam vẫn ám ảnh chị không thôi.
>>> Clip chị Thúy chia sẻ chuyện giải thích với con khi con đi học về, khóc kể bị các bạn trêu bố đi tù
“Tôi được nghe anh kể câu chuyện đó ngay trong phiên xét xử phúc thẩm ngày 1-2/11 vừa rồi, lúc anh kể, nước mắt tôi chảy ròng ròng, cảm giác đau đớn không thở được. Bé Minh hồi anh bị bắt còn chưa đầy 2 tuổi. Sợ con quên mặt bố, ngày ngày tôi đều mở điện thoại cho con xem hình bố, rồi kể cho con nghe các câu chuyện về bố. Bé Phong đã lớn hơn, có lần bé đi học về òa khóc nói “các bạn bảo bố con đi tù”, ba mẹ con lại ôm nhau khóc. Nếu anh có mệnh hệ gì, mẹ con tôi biết xoay xở ra sao?”, chị Thúy nghẹn ngào.
Do bé Phong đã lớn hơn, chị Thúy không đưa Phong đi thăm bố hay đưa đến các phiên xét xử, sợ cháu ám ảnh. Nhưng phiên xét xử đầu tháng 11 vừa qua, anh Hoàng nhớ con quá, nhắn tôi đưa con đến cho anh ngó con một lúc nên đành đưa cháu đến. Hai năm không gặp bố mà hai đứa trẻ sà vào lòng, tíu tít không rời khiến chị Thúy càng thêm quyết tâm trong hành trình kêu cứu cho chồng để anh sớm trở về bên bọn trẻ.
Làm công việc giao hàng, tiếp thị sản phẩm cho một nhãn hàng, mỗi ngày, trung bình chị Thúy phải chạy xe máy chừng 50-70km để chăm sóc và tìm kiếm các đầu mối. Ngày anh Hoàng chưa bị bắt, nhờ chăm chỉ làm việc, công việc đó đem lại cho chị thu nhập khá ổn định 6-8 triệu đồng/tháng.
Nhưng từ khi chồng bị tạm giam, nhiều ngày phải nghỉ việc để lo kêu cứu cho chồng nên doanh số sụt giảm, mỗi tháng chị chỉ kiếm được 4-5 triệu đồng. Số tiền ít ỏi ấy, ba mẹ con tằn tiện cũng đủ, nhưng do liên tục phải mang đơn đi kêu cứu cho chồng, thành ra chị lại thiếu trước hụt sau.
Nhưng chị Thúy bảo, dù khó khăn đến bao nhiêu, chị cũng không một ngày từ bỏ ý định đi kêu oan cho chồng. Bởi chị tin anh vô tội và nhất là hành trình gian nan ấy của chị giờ đây có thêm sự đồng hành của anh em lái xe trên cả nước, của cộng đồng.
Diễn biến vụ xe container đâm xe Innova đi lùi trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên 15h40 19/11/2016 Tại Km 40+800 cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên xảy ra vụ TNGT giữa ô tô sơ-mi rơ-moóc BKS 89C-079.17 do Lê Ngọc Hoàng điều khiển, đi Hà Nội - Thái Nguyên đâm vào đuôi xe Innova BKS 99A-142.53 do Ngô Văn Sơn đi cùng chiều đang lùi, trên xe chở 10 người. Hậu quả làm chết 4 người và bị thương 6 người. Ngày 21/11/2016 Cơ quan điều tra Công an TX Phổ Yên khởi tố vụ án, ra lệnh bắt khẩn cấp lái xe Innova. Ngày 17/2/2018 Tài xế Lê Ngọc Hoàng bị bắt giữ. Chị Vũ Thị Thúy, vợ tài xế Hoàng làm đơn gửi các cơ quan chức năng kêu cứu cho chồng. Ngày 10/5/2018 Tại phiên xét xử sơ thẩm, TAND TX Phổ Yên tuyên phạt lái xe Lê Ngọc Hoàng 8 năm tù giam và bồi thường cho các bị hại số tiền gần 500 triệu đồng; bị cáo Sơn 10 năm tù, bồi thường số tiền gần 940 triệu đồng. Ngày 10/8/2018 TAND tỉnh Thái Nguyên xét xử phúc thẩm lần 1, nhưng gia đình bị hại và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người làm chứng vắng mặt không lý do, nên tòa tạm hoãn. Ngày 10/9/2018 TAND tỉnh Thái Nguyên xét xử phúc thẩm lần 2, nhưng do lời khai của các bị cáo mâu thuẫn nhau, VKS đã yêu cầu HĐXX hoãn phiên toà để triệu tập giám định viên, điều tra viên và những người vẽ sơ đồ hiện trường để làm rõ sư việc. Ngày 11/9/2018 TAND Tối cao cho biết, đã tiếp nhận đơn kêu cứu của chị Thúy chuyển TAND tỉnh Thái Nguyên xem xét, giải quyết. Ngày 14/9/2018 Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết đã nhận đơn kêu cứu của chị Thúy và báo cáo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia chỉ đạo các đơn vị liên quan kiểm tra, xác minh nội dung đơn thư và giải quyết dứt điểm. Ngày 8-9/10/2018 TAND tỉnh Thái Nguyên xét xử phúc thẩm lần 3, chị Nguyễn Thị Viên (người nhà nạn nhân) có sức khỏe không tốt, không tham dự được phiên tòa, nên tòa hoãn. Ngày 1-2/11/2018 TAND tỉnh Thái Nguyên mở phiên xét xử phúc thẩm, tuyên phạt bị cáo Hoàng 6 năm tù, bồi thường gần 500 triệu đồng. Ngày 5/11/2018 Phó chánh án TAND Tối cao Nguyễn Trí Tuệ cho biết, trước phản ứng của dư luận TAND Tối cao đã yêu cầu rút hồ sơ vụ án; đồng thời yêu cầu TAND tỉnh Thái Nguyên báo cáo về vụ việc. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận