Từ quê nghèo lên thành phố
Tuyển thủ Phạm Xuân Mạnh sinh ra trong gia đình nghèo vùng đất Minh Thành (Yên Thành, Nghệ An). Như bao anh em trong gia đình, anh phải dậy sớm, ra đồng phụ giúp bố mẹ.
Xuân Mạnh vẫn hay tự động viên mình rằng: "Có lẽ do lao động vất vả từ nhỏ, nên tôi khoẻ hơn cả bạn cùng trang lứa".
Năng khiếu bóng đá của Xuân Mạnh bộc lộ từ khi anh còn tham gia đội bóng của thôn, của xã. Nhờ lao động từ nhỏ mà Mạnh có lợi thế từ tranh chấp, tì đè cho đến sẵn sàng đá bất cứ vị trí nào trên sân.
Hóa ra không phải chờ đến khi thi đấu cho CLB Hà Nội hay tuyển Việt Nam hiện tại, Mạnh "Kalou" vốn đã can trường từ tấm bé.
Năm 2008, anh cùng đội bóng huyện Yên Thành xuống thành phố dự Giải Bóng đá Thiếu niên Nhi đồng Cúp Báo Nghệ An.
Thành phần đội còn có tiền đạo Phan Văn Đức. Vốn là cậu bé miền núi, tất cả những gì tại Vinh với Xuân Mạnh đều choáng ngợp và xa xỉ.
"Cho đến giờ tôi vẫn nhớ như in ngày lần đầu xuống Vinh. Tôi được đi Big C, được ăn kem, được nhìn hàng quán san sát.
Tôi ước rằng một ngày nào đó, mình cũng có thể ở nơi đây. Và bóng đá với tôi không chỉ là một nghề. Nó còn là định mệnh để tôi vượt qua số phận khó khăn", cầu thủ biên chế Hà Nội FC cho biết.
Cơ hội mở ra
Chiếc xe công nông đưa đội bóng huyện Yên Thành đến địa điểm thi đấu. Trời nóng như đổ lửa khiến các em mất nước, đói meo bụng. Bố mẹ Mạnh ăn cơm nắm, còn 7.000-8.000 đồng tiền lẻ, bố mẹ đưa Mạnh để mua bánh mì cho có sức vào sân.
Sau cùng, đội Yên Thành giành ngôi á quân. Văn Đức giành Vua phá lưới còn Xuân Mạnh được phần thưởng Cầu thủ xuất sắc nhất. Điều đó dẫn đường chỉ lối, đưa Xuân Mạnh lọt vào mắt xanh của các tuyển trạch viên CLB SLNA.
Cậu bé nghèo quê lúa cần cù, chịu khó tiến một bước dài khi được tuyển vào trung tâm đào tạo trẻ của CLB nổi tiếng nhất nhì V.League.
"Lúc bấy giờ, khi đưa tôi lên gia nhập lò SLNA, mẹ tôi nửa mừng nửa lo. Mãi đến khi Chủ tịch Nguyễn Hồng Thanh trấn an, mẹ mới chịu dắt xe về lại Yên Thành", Xuân Mạnh tâm sự.
Một điều hiếm người biết, thấy con trai khát khao và có tố chất thành cầu thủ bóng đá, bố mẹ chấp nhận hy sinh con trâu đi cày.
Số tiền bán trâu ấy, bố mẹ trích ra 3,5 triệu đồng để Xuân Mạnh mua một đôi giày cho bằng chúng bạn khi thi đấu cho U17 SLNA.
Suốt quãng thời gian thi đấu cho đội trẻ SLNA, chàng tuyển thủ Việt Nam luôn là vị trí không thể thay thế.
Anh đã giành được những thành tích đáng mơ ước với rất nhiều cầu thủ ở đội bóng xứ Nghệ như: Vô địch giải U17 Quốc gia 2012, Á quân giải U19 Quốc gia các năm 2013 và 2014, Huy chương Đồng U21 Quốc gia 2017, Vô địch Cúp Quốc gia 2017.
Nhờ những danh hiệu ấy, Xuân Mạnh có những khoản tiền thưởng đầu tiên. Anh giữ lại vài triệu đồng cho bản thân. Còn tất cả, Mạnh gửi về hết cho bố mẹ để trang trải cuộc sống tại quê nhà.
Nhưng, Mạnh vẫn nghèo. Ngay cả sau Giải U23 châu Á 2018 chấn động Thường Châu, Trung Quốc, Xuân Mạnh vẫn xuất hiện đầy mộc mạc. Anh tiếp phóng viên ở ngay giữa khuôn viên sân đất.
Phía sau lưng anh là ngôi nhà 3 gian đã xuống cấp. Đồ đạc trong nhà chẳng còn thứ gì giá trị. Mái ngói cũng ngả màu xỉn theo thời gian. Nó rời rạc, thủng lỗ chỗ và tưởng chừng như có thể sụp đổ chỉ sau một cơn bão…
Từng bước đổi đời
Là một trong những "người hùng Thường Châu" cũng giúp Mạnh từng bước tích luỹ được nhiều hơn để thoát khỏi cái nghèo.
Thông qua thông tin của giới truyền thông, mạng xã hội và sự hỗ trợ, động viên của nhiều phía, Mạnh từng bước gom góp được một khoản tiền để sửa sang lại nhà cửa cho gia đình.
Căn nhà ba gian xuống cấp được đập đi. Thay vào đó là ngôi nhà hai tầng có nhiều phòng hơn, nước sơn sáng bóng hơn cùng với mái tôn chắc chắn đủ chống chọi với thiên tai.
Mạnh đưa lại cho người viết một bức ảnh anh đang thu gom ngô cho lợn ăn, tại sân nhà được lát gạch đỏ và phía sau là căn nhà kiên cố. Cầu thủ này hạnh phúc và chiêm nghiệm rằng: "Bóng đá đã cho tôi một cuộc đời mới".
May mắn và sự suôn sẻ trong nghề nghiệp giúp Xuân Mạnh có thêm những bản hợp đồng lót tay.
Đến nay, anh đã nhận hơn 15 tỷ đồng cho những lần ký hợp đồng với SLNA và Hà Nội. Chưa kể, mức lương mà Xuân Mạnh đang nhận xấp xỉ 60 triệu đồng/tháng.
Nhờ đó, Xuân Mạnh có thể tự mua cho mình một căn nhà, thuê kiến trúc sư thiết kế và sắm sửa tiện ích.
Anh cũng mua được hai chiếc xe, một cho bản thân và cho vợ của mình. Ở tuổi 28, Xuân Mạnh đã có thứ mà tất cả mọi người đàn ông đều mong muốn.
"Mỗi lúc khó khăn trong cuộc sống, tôi lại mở ảnh gia đình, ngắm vợ, con hay nhìn ngôi nhà mà mình xây. Đó là thứ để tôi có thêm động lực với bóng đá. Bởi nếu không là cầu thủ, có lẽ tôi vẫn là chàng trai nghèo mà thôi.
Tuổi thơ của tôi có thể dầm sương dãi nắng, có thể là những bữa cơm nuốt vội. Nhưng số phận cũng cho tôi một gia đình yêu thương, nơi bố mẹ sẵn sàng bán cả "đầu cơ nghiệp" để tôi trở thành cầu thủ với giấc mơ thoát nghèo", cầu thủ sinh năm 1996 trải lòng.
Theo cầu thủ Đỗ Duy Mạnh, đồng đội của Xuân Mạnh tại CLB Hà Nội, khi chứng kiến Xuân Mạnh nỗ lực tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn, anh rất khâm phục và nể trọng: "Tuổi đời cầu thủ không dài. Mạnh hiểu điều đó và bạn ấy luôn nỗ lực, chăm chỉ, cần mẫn để có thể duy trì sự nghiệp".
Trong khi đó, người bạn cùng tuổi và đồng hương với Xuân Mạnh là Phan Văn Đức chia sẻ: "Chúng tôi lớn lên cùng nhau, chơi bóng cùng nhau và ít nhiều cũng có những thành quả trong cuộc sống.
Mỗi lúc nản chí, chúng tôi vẫn thường tự động viên nhau rằng mình sẽ phải cố gắng vượt qua, từ sân tập đến sân đấu. Tôi rất vui khi thấy Xuân Mạnh được như ngày hôm nay".
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận