Tài chính

Hành trình đưa cá chẽm Việt xuất ngoại của doanh nhân người Mỹ

19/11/2022, 14:29

Thương hiệu cá chẽm của Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam đã có mặt hầu hết trong các siêu thị, nhà hàng và bữa ăn của người Mỹ, Úc.

Quyết định chọn Việt Nam làm “thủ phủ” nuôi cá chẽm, doanh nhân người Mỹ Joshua Nathan Goldman đã đưa thực phẩm cao cấp này đến bàn ăn nhiều khách sạn, nhà hàng khắp nơi trên thế giới với sản lượng hàng chục nghìn tấn mỗi năm, doanh thu tính bằng nghìn tỷ đồng.

Lọt top 5% trại thủy sản hàng đầu thế giới

img

Các đầu bếp và thực khách tại một sự kiện giới thiệu sản phẩm cá chẽm The Better Fish ở Mỹ

Buổi sáng cuối Thu, cũng như bao buổi sáng khác, anh Nguyễn Hùng, phường Ninh Thủy (Ninh Hòa, Khánh Hòa), công nhân Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam thức dậy từ 6h sáng chuẩn bị cho một ngày làm việc mới.

Sáng nay, anh có phần cập rập bởi phải lái tàu đưa đồng nghiệp ra khu vực lồng nuôi cá chẽm (Hòn Đen, vịnh Vân Phong, Khánh Hòa), gia cố lại lồng bè trước ngày mưa bão. Xong việc anh lại quay thuyền lại chở thức ăn cho cá.

Anh kể, sinh ra tại làng chài, cuộc sống của anh và gia đình gắn với nghề chài lưới truyền thống. Trước đây, mỗi lần đi biển thường kéo dài mươi, mười lăm ngày nhưng thu nhập bấp bênh, có những khi cả tháng ngoài biển nhưng mang về chỉ vài triệu đồng.

Đấy là chưa nói, mỗi năm cũng chỉ ra khơi được khoảng 4 tháng vì mưa bão, biển động... Nhưng 2 năm nay, kể từ khi cộng tác với Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam, thu nhập của anh đã cải thiện, đều đặn 20 triệu đồng mỗi tháng.

Anh Hùng chỉ là một trong số hàng nghìn cán bộ, công nhân của Australis. Lãnh đạo phường Ninh Thủy cho biết, riêng trên địa bàn phường cũng hàng chục người đang làm việc cho Australis, thu nhập khoảng gần chục triệu đồng/tháng.

Suốt 4 năm qua (2019 - 2022), trong khi nhiều doanh nghiệp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 thì Australis Việt Nam vẫn tăng quy mô sản xuất gấp 3 lần với tổng vốn đầu tư đạt trên 200 triệu USD.

Tại Khánh Hòa, Australis mỗi năm đóng góp khoảng 7% doanh thu xuất khẩu của tỉnh, đóng góp 50 tỷ đồng tiền thuế trong 3 năm gần nhất, giải quyết 3.000 công việc trực tiếp, 10.000 việc làm gián tiếp.

Năm 2021, Australis cũng trở thành nhà sản xuất nuôi trồng thủy sản đầu tiên tại Đông Nam Á nhận được chứng nhận Fair Trade (thương mại công bằng).

Theo đó, cứ mỗi kg cá bán ra, Australis dành 1.500 đồng đóng vào quỹ Fair Trade. 1/3 quỹ này dùng để tài trợ cho các dự án giúp cải thiện sinh kế và hỗ trợ sự phát triển của cộng đồng.

Mới đây, Australis được Bộ Ngoại giao Mỹ trao giải Doanh nghiệp Xuất sắc (ACE) 2021 ở hạng mục Đổi mới Sáng tạo trong lĩnh vực Khí hậu từ việc áp dụng mô hình nuôi trồng thủy sản trên đại dương, thích ứng với biến đổi khí hậu, tại vùng biển nhiệt đới miền Trung Việt Nam…

Nhóm chuyên gia tư vấn độc lập, đối tác của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), hiện đang làm việc với Australis trong dự án mở rộng quy mô sản xuất của Australis tại Việt Nam đánh giá, Australis tại Việt Nam nằm trong top 5% trại nuôi trồng thủy sản hàng đầu thế giới. Các tiêu chí đánh giá được dựa trên: Quy mô, tiềm năng phát triển, công nghệ, tính bền vững, thân thiện với môi trường.

Mục tiêu xuất khẩu 400 triệu USD

Ông Joshua Nathan Goldman, “cha đẻ” The Better Fish chia sẻ, trước khi thành lập Australis, ông đã giành 3 năm để thử nghiệm nuôi 30 loài cá khác nhau tại trại nuôi công nghệ cao trong nhà ở Boston (Mỹ) với mục tiêu: Xác định đúng loài có thể nuôi theo phương thức tự nhiên, có lợi cho sức khỏe người ăn và sở hữu hương vị đặc biệt chinh phục khách hàng ở mọi thị trường. Kết quả cá chẽm (barramundi) là ứng viên phù hợp nhất, đáp ứng được các tiêu chí. Và thương hiệu The Better Fish đã ra đời.

Năm 2006, ông Joshua Nathan Goldman đã tới thăm 6 quốc gia có ngành nuôi cá chẽm và nhận ra vịnh Vân Phong, Khánh Hòa là nơi phù hợp nhất cả về môi trường tự nhiên lẫn môi trường nghiên cứu, sản xuất. Tất cả những yếu tố đó đã thôi thúc ông quyết định đầu tư dài hạn.

“Chúng tôi đã xây dựng tiêu chuẩn, quy trình kiểm tra, giám sát thường xuyên hàng năm. Riêng khâu giết mổ cá cũng đã phải đáp ứng được tiêu chuẩn nhân đạo và đúng phương pháp để đảm bảo giữ hương vị tươi ngon. Australis đang áp dụng phương pháp Ikejime truyền thống, đã có hàng trăm năm, của Nhật Bản...”, ông Joshua Nathan Goldman kể.

Cũng theo ông Joshua Nathan Goldman, ở Việt Nam, trước đây thường nuôi cá chẽm trong ao hồ, quy mô nhỏ, hay nuôi trên biển vài lồng bè ghép gỗ thủ công. Hoạt đông nuôi trồng không được kiểm soát chặt chẽ còn có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường từ thức ăn cho cá.

Tuy nhiên, Australis đã nghiên cứu, áp dụng hệ thống lồng làm từ nhựa HDPE đường kính 200m, nuôi trồng luân phiên, xen kẽ trong rong biển. Hệ thống nuôi trồng tự động, dưới sự hỗ trợ đắc lực bởi các hệ thống sà lan phun thức ăn tự động, cảm biến, camera, trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ sinh sản chọn lọc…

Năm 2008, mẻ lưới đầu tiên cho sản lượng 30 tấn. Đến nay, sau 15 năm phát triển và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sản lượng thu về khoảng 10.000 tấn với 5 trại, 70 lồng nuôi (gấp 300 lần). Với giá trung bình 10 USD/kg, giá trị Australis thu về tính bằng nghìn tỷ đồng.

Theo Tổng cục Hải quan, 10 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản đã đạt 9,4 tỷ USD, tăng 32,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Ước tính đến cuối tháng 11/2022, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ đạt hơn 10 tỷ USD chiếm trên 7% thị phần thế giới năm 2022.


Từ một loài cá ít được quan tâm, ngày nay, thương hiệu cá chẽm The Better Fish của Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam đã len lỏi, có mặt hầu hết trong các siêu thị, nhà hàng và bữa ăn thường nhật của người Mỹ, Úc.

Ngoài đặc tính của cá chẽm như hàm lượng hóa chất độc hại thấp, giàu axit béo omega-3, chất béo lành mạnh, protein, vitamin D, vitamin A, natri và kali... The Better Fish còn thu hút thượng khách ở phong vị đậm đà của biển cả, có được từ khí hậu mát mẻ trong lành, nguồn nước xanh, tác nhân ô nhiễm môi trường chưa “ghé” tới và một quy trình nôi trồng khoa học, sản xuất khép kín bền vững đi đôi với bảo vệ môi trường.

Chia sẻ về những định hướng trong thời gian tới, ông Joshua Nathan Goldman cho biết, Australis định hướng đến năm 2032 sẽ nâng vốn đầu tư lên 1 tỷ USD; nâng số lượng công việc lên 4.000 việc làm trực tiếp, 20.000 việc làm gián tiếp; trở thành doanh nghiệp xuất khẩu lớn nhất tỉnh Khánh Hòa, mục tiêu xuất khẩu 400 triệu USD.

Đồng thời, công ty sẽ thực hiện thêm một dự án nữa tại Kiên Giang với sản lượng 30.000 tấn. Ngoài ra, Australis còn có tham vọng trồng rong đỏ để làm phụ gia thức ăn chăn nuôi, giúp giảm thiểu khí thải nhà kính.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành công và định hướng tăng trưởng, CEO Australis cũng trăn trở, bởi giấy phép đầu tư và phần đất thuê của công ty sẽ có thời hạn cho đến năm 2043, nhưng một số khu vực mặt nước trên vịnh Vân Phong lại hết hạn sớm hơn (tháng 7/2023).

“Luật Việt Nam cho phép những doanh nghiệp như chúng tôi có thể thuê mặt biển với thời hạn lên đến 50 năm. Nhưng việc hết hạn thuê sớm và vịnh Vân Phong không tính đến chuyện tích hợp không gian biển để thúc đẩy phát triển nuôi trồng thủy sản gây khó khăn cho cam kết đầu tư lâu dài cùng kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất và kinh doanh nghiệp.

Do đó, nơi đây chỉ cần quy hoạch khu vực thúc đẩy phát triển nuôi trồng thủy sản ở những khu vực hợp lý để Khánh Hòa nói riêng, Việt Nam nói chung có thể dẫn đầu thế giới trong tương lai với nền kinh tế biển xanh”, ông Joshua Nathan Goldman nói.

Theo khảo sát thị trường, 1 túi cá chẽm The Better Fish chế biến đóng gói (340g), gồm 3 miếng phi-lê có giá 10 USD tại chuỗi siêu thị Cosco, the Whole Food (Mỹ). Tại Úc cũng có giá tương tự. Việt Nam hiện chỉ có một vài siêu thị tại TP.HCM bán, giá gần 200.000 đồng/túi.

Nói về cá chẽm, ông Saon Brice, bếp trưởng và chủ nhà hàng BLK Swan (Mỹ) nhận xét: “Một loại cá kỳ diệu được nuôi theo phương thức bền vững, rất dễ xử lý, chế biến, nạc thịt, được nhiều thực khách ưa chuộng”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.