Sau cổ phần hóa tháng 7/2014, cảng Đà Nẵng (thành viên của Vinalines) đã đạt tốc độ tăng trưởng bình quân hàng hóa thông qua cảng khoảng 12%/năm, lợi nhuận bình quân tăng gấp 5 lần - Ảnh: Xuân Huy |
Không chỉ tái cơ cấu thành công, gánh nặng của đống nợ “khủng” được hóa giải mà hoạt động kinh doanh của DN này còn ghi nhận tăng trưởng dương...
Phục hồi doanh nghiệp như chữa một “người bệnh”
Trước tình hình kinh doanh thua lỗ của Vinalines, tại Tờ trình số 319 ngày 26/9/2012 gửi đến Bộ Chính trị, Ban Cán sự Đảng Chính phủ nhận định: “Nếu để phá sản Tổng công ty Hàng hải VN, trước mắt sẽ gây nhiều hậu quả xấu về kinh tế, xã hội; Đồng thời, ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 theo Nghị quyết Đại hội T.Ư 9 khóa X. Vì vậy, cần tái cơ cấu toàn diện và mạnh mẽ tổng công ty để vượt qua khó khăn trong giai đoạn trước mắt và phát triển vững mạnh khi thị trường vận tải biển phục hồi trong giai đoạn tới”. Trên cơ sở đó, ngày 4/2/2013, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tổng công ty Hàng hải VN giai đoạn 2013 - 2015.
“Khó khăn nhất của tái cơ cấu là việc phải xây dựng phương án làm sao để các cơ quan quản lý nhà nước thấy được tính khả thi. Tiếp theo là phải thuyết phục các tổ chức tín dụng, ngân hàng để họ có có niềm tin Vinalines sẽ cải thiện được tình hình kinh doanh và có tiền thanh toán dư nợ tồn đọng”, ông Trần Tuấn Hải, Trưởng ban Đổi mới doanh nghiệp trước đây của Vinalines mở đầu câu chuyện về hành trình tái cơ cấu của tổng công ty với hồi ức về những khó khăn DN phải đối mặt.
Trong giai đoạn 2013 - 2015, Vinalines đã thực hiện thủ tục phá sản 3 đơn vị: Công ty TNHH Công nghiệp tàu thủy Cà Mau, CTCP Vận tải dầu khí Falcon, Công ty TNHH MTV Vận tải Viễn dương Vinashin (Vinashinlines), giải thể 7 DN, thoái vốn toàn bộ tại các DN đầu tư ngoài ngành như: Chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản, ngân hàng và tại một số CTCP cảng có quy mô nhỏ như: Quy Nhơn, Quảng Ninh. Tổng công ty cũng đã bàn giao các dự án thiếu hiệu quả như: Dự án cảng Vân Phong về Cục Hàng hải VN; bàn giao Dự án Hợp phần B - Dự án cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng giai đoạn khởi động cho TCT Tân cảng Sài Gòn. Sau khi sắp xếp lại đầu mối, số lượng DN của Vinalines giảm từ 73 DN (thời điểm tái cơ cấu) đến nay chỉ còn 34 DN”. Ông Lê Anh Sơn |
Theo ông Hải, Vinalines khủng hoảng về nợ do bị mất cân đối tài chính. Thời điểm tái cơ cấu, khoản nợ của Vinalines lên đến hơn 67.500 tỷ đồng (2013), doanh thu không đủ thanh toán chi phí lãi vay, khả năng chi trả mỗi ngày một thấp khiến DN đứng trên bờ vực phá sản.
“Xác định được nguyên nhân cốt lõi, giải pháp đầu tiên Vinalines bắt tay vào làm là cơ cấu lại các khoản nợ vay để không bị mất cân đối giữa nợ và tài sản. Mua bán nợ và chuyển nợ thành vốn góp là các phương án được lựa chọn để đảm bảo lợi ích ở mức tối đa cho 3 bên: Nhà nước (chủ sở hữu) - Ngân hàng (chủ nợ) - Vinalines (bên nợ)”, ông Hải nói và cho biết, đối với hình thức mua bán nợ, Vinalines và ngân hàng mua bán với nhau thông qua bên trung gian là Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC). Đây là cách làm mới, việc các công ty mua bán, xử lý nợ thông qua tham gia đàm phán trên nguyên tắc giá thị trường sẽ giải quyết được tình trạng các tổ chức tín dụng đòi thu nợ giá cao, trong khi DN mắc nợ không có khả năng chi trả.
“Đối với một số khoản nợ khác không có khả năng trả ngân hàng, hình thức thanh toán được áp dụng là chuyển số nợ thành cổ phần tại DN của Vinalines, lúc đó tổ chức tín dụng cho Vinalines vay sẽ trở thành cổ đông của tổng công ty”, ông Hải cho hay.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch HĐTV Vinalines Lê Anh Sơn, cơ cấu nợ chỉ là giải pháp để giảm nợ, giảm chi phí lãi vay. Vinalines muốn đi lên bền vững, những “ung nhọt” là các công ty hoạt động kém hiệu quả phải được loại bỏ để tài chính thu về một mối, đầu tư cho các lĩnh vực có thể đem lại lợi nhuận.
Cũng theo ông Sơn, trước việc vận hành hoạt động của đội tàu ngày càng khốn khó, các ngân hàng lại ra sức “đe dọa” siết nợ, bắt tàu, quyết định tinh gọn, biên chế lại đội tàu đã được ban lãnh đạo Vinalines đưa ra. “Ngay khi tiến hành tái cơ cấu, Vinalines đã thực hiện bán thanh lý 29 tàu già, dự án đóng hơn 20 tàu mới dừng triển khai. Chỉ trong 5 năm, đến nay, đội tàu của Vinalines giảm từ 154 chiếc xuống 81 chiếc. Việc thanh lý tàu có thể ảnh hưởng đến quy mô của đội tàu song nó sẽ giúp cho việc khai thác tài sản được hiệu quả, bền vững”, ông Sơn nói và cho biết, thời điểm tái cơ cấu, 12/12 DN của Vinalines, trong đó có 11 DN cảng đã được cổ phần hóa (CPH) để nâng cao hiệu quả.
Bản thân Vinalines cũng phải chuyển mình với cơ chế hiện đại, mạnh mẽ hơn bằng cách thu gọn đầu mối. Công ty mẹ Vinalines từ 21 phòng, ban trước thời điểm tái cơ cấu, nay chỉ còn 12 phòng, ban. “Cơ cấu lại phòng ban đồng nghĩa, nhân sự sẽ bị cắt giảm. Thời điểm thực hiện tinh gọn bộ máy, tổng công ty đã vấp phải rất nhiều sự phản ứng từ người lao động. Khi ấy, một cuộc vận động được thực hiện, lãnh đạo công ty đã không ít lần gặp gỡ, phân tích vấn đề để nhân viên hiểu và ủng hộ mục tiêu “cứu đắm” con tàu Vinalines”, vị thuyền trưởng của Vinalines nhớ lại.
Trải qua thăng trầm, giờ đây, lật lại quá khứ, Chủ tịch Vinalines Lê Anh Sơn vẫn thường ví von hành trình phục hồi Vinalines như quá trình phục hồi sức khỏe cho một người mắc bệnh ung thư. “Nếu việc cứu chữa bệnh nhân ung thư bắt đầu từ điều trị bằng thuốc kháng sinh để ngăn di căn, truyền thuốc bổ để lấy lại sức khỏe, cuối cùng là vật lý trị liệu để cân bằng thể trạng thì việc “chữa bệnh” Vinalines bắt đầu bằng cơ cấu nợ để ngăn ngừa phá sản; Nâng cao hoạt động SXKD, cơ cấu lại bộ máy để phục hồi “sức khỏe” và cuối cùng là mở rộng thị trường, cung cấp dịch vụ mới để cân bằng đơn vị”.
“Trái ngọt” quay trở lại
Trải qua hơn 4 năm quyết liệt tái cơ cấu một cách toàn diện, hoạt động chung của toàn Tổng công ty Hàng hải VN năm 2016 công ty mẹ - Vinalines bắt đầu đạt lợi nhuận cân bằng.
Theo ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Q. Tổng giám đốc Vinalines, trong hai năm 2016 và 2017, dù vận tải biển vẫn tiếp tục gặp khó khăn, nhưng cảng biển và lĩnh vực logistics vẫn có lãi. Hoạt động cảng biển của Vinalines năm 2016 đạt lợi nhuận trước thuế hơn 920 tỷ đồng. Các cảng sau CPH đều tăng trưởng. Nếu trước thời điểm CPH, cảng Hải Phòng đạt lợi nhuận hơn 200 tỷ đồng thì đến năm 2016, mức lãi đã đạt trên 670 tỷ đồng. Cảng Đà Nẵng trước CPH chỉ đạt lợi nhuận khoảng 45 tỷ đồng, đến năm 2016, lợi nhuận tăng gấp 3, đạt hơn 150 tỷ đồng.
“Đặc biệt, sau 4 năm tích cực đàm phán với các ngân hàng, tổng số nợ phải trả của Tổng công ty Hàng hải VN giảm từ 67.550 tỷ đồng (năm 2013) xuống hơn 20.000 tỷ đồng (năm 2018), lỗ lũy kế giảm từ hơn 23.000 tỷ đồng (năm 2013) xuống hơn 3.200 tỷ đồng (năm 2018). Nợ được kéo giảm, sản xuất kinh doanh bắt đầu có lãi, vốn chủ sở hữu tại Vinalines đã thay đổi mạnh mẽ từ âm hơn 8.700 tỷ đồng (2013) lên dương gần 8.000 tỷ đồng ở thời điểm hiện tại. Đặc biệt hơn, năm 2018, kết quả kinh doanh hợp nhất của Tổng công ty dự kiến lãi khoảng 130 tỷ đồng”, ông Tĩnh nói.
Còn theo ông Trần Tuấn Hải, thành công nhất của Vinalines sau giai đoạn tái cơ cấu là sự chuyển đổi thành công sang mô hình CTCP. “Vinalines đã CPH thành công từ tháng 9/2018, hơn 5 triệu cổ phiếu đã được đăng ký mua. So với số cổ phiếu bán ra (hơn 480 triệu cổ phần), lượng cổ phiếu giao dịch thành công có lẽ còn khá ít ỏi song nhìn từ quá khứ, đối với cán bộ, lãnh đạo, công nhân viên của tổng công ty, đây lại là một bước ngoặt lớn. Nó là sự khẳng định, sau muôn trùng sóng gió, con tàu Vinalines không những không bị nhấn chìm mà còn vươn lên để tự khẳng định, tự thay đổi mình. Vinalines sẽ chuyển giao sang một thời kỳ mới, thời kỳ của VIMC (tên viết tắt của Tổng công ty Hàng hải VN - CTCP), của khát vọng đưa Tổng công ty Hàng hải VN trở lại đúng vị thế dẫn đầu của mình như khoảng thời gian của 10 năm về trước”, ông Hải nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận