Doanh nghiệp

Hành trình giữ ngôi "vua ô tô" và khát vọng bứt phá THACO

16/12/2018, 08:28

Qua 15 năm gắn bó với Chu Lai, THACO đã chứng tỏ mình là "hạt giống" số một, là động lực phát triển KT...

135308-thaco

Khu phức hợp Chu Lai- Trường Hải lớn mạnh cùng sự phát triển của vua ô tô THACO

 “Sếu lớn” đậu miền cát trắng

Tuyến QL1 xuyên suốt dọc huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam tấp nập xe cộ. Hai bên đường nhà cửa san sát. Những ngày này, không khí xây dựng, sản xuất nhộn nhịp bao trùm huyện Núi Thành. “Chưa bao giờ không khí xây dựng ở địa phương nhộn nhịp như vậy. Hơn chục năm trước, xã nhìn hoang sơ lắm. Giờ mọi thứ trở nên sáng sủa hẳn” ông Sáu, người dân xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành phấn khởi.

Đi dọc vùng đất Núi Thành, ở đâu người dân cũng nhắc tới KKT mở Chu Lai, với điểm nhấn là Nhà máy lắp ráp ô tô Trường Hải. Nhưng ít ai biết, để Trường Hải đặt chi nhánh tại Quảng Nam là cả một quá trình gian truân. Năm 1997, Quảng Nam được tách ra từ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Một tỉnh vốn đã nghèo, mới tái lập bị kẹt giữa hai địa phương có nhiều lợi thế hơn là Đà Nẵng và Quảng Ngãi, lại thêm khó.

Trong tiềm thức của nhiều người, khi nhắc đến Chu Lai - Quảng Nam cách đây hơn 15 năm là vùng đất của xương rồng cát trắng, nơi người dân quê quanh năm “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” vẫn không thoát khỏi nỗi khốn khó áo cơm.

Ông Nguyễn Tri Ấn, Bí thư Huyện ủy Núi Thành nhớ lại, từ khi thành lập huyện năm 1983 đến năm 2003, Núi Thành là một huyện rất nghèo, đất đai bạc màu, sản xuất lạc hậu, năng suất kém. Tổng giá trị sản xuất năm 2003 theo giá hiện hành là 1.239 tỷ đồng. Đời sống người dân địa phương vô cùng khốn khó, hàng ngàn lao động trẻ phải bỏ quê vào Nam chật vật mưu sinh.

Nhin-lai-15-nam-seu-lon-THACO-nen-duyen-cung-KTM-C

THACO đẩy mạnh tự động hóa và nội địa hóa trong sản xuất ô tô

Để vực dậy nền kinh tế của tỉnh mới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi đó là Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã đưa ra quyết sách táo bạo: Tập trung phát triển công nghiệp, lấy đó làm đòn bẩy đưa Quảng Nam phát triển. Thế rồi, KCN Điện Nam - Điện Ngọc ra đời. Năm 2002, Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục cho lập Đề án nghiên cứu thành lập KKT mở Chu Lai.

Tháng 6/2003, Bộ Chính trị cho triển khai KKT mở Chu Lai, cũng là thời điểm khởi công dự án Nhà máy Sản xuất ô tô Trường Hải (THACO) tại Quảng Nam, khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên, khâm phục. Để mời được Trường Hải đầu tư, Chủ tịch Phúc phải mất gần hai năm trời (2002-2003) trực tiếp ra vào, gặp gỡ nhiều lần để thuyết phục ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT THACO. Đúng như kỳ vọng, sự xuất hiện của Trường Hải ngay từ đầu đã tạo thêm sự hấp dẫn cho những thương hiệu khác vào đầu tư tại KKT.

Còn ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ô tô Trường Hải nói: “Thời điểm đó mà một ông Chủ tịch tỉnh cùng đoàn cán bộ của tỉnh rất cầu thị, đi lại nhiều lần, đến cả nhà riêng mình mời gọi. Nói thật là hồi đó vì rất quý trọng anh Phúc, rất nể cái tình của người dân Quảng Nam tôi mới quyết định đầu tư nhà máy ở đây. Tuy Quảng Nam không nhiều lợi thế về vị trí địa lý, hạ tầng nhưng bù lại thời điểm đó tỉnh đã xây dựng cơ chế, chính sách “đồng hành cùng doanh nghiệp”, và họ đồng hành thực sự”.

Đòn bẩy kinh tế

Lãnh đạo THACO cho biết, với tầm nhìn trở thành Tập đoàn công nghiệp đa ngành ở các lĩnh vực trọng yếu của đất nước, trong đó lấy Cơ khí và Ô tô là chủ lực. Tại Chu Lai, THACO sẽ đầu tư bài bản hạ tầng KCN, giao thông thuận tiện phát triển nông nghiệp, logistic.

THACO xuất hiện, cũng là lần đầu tiên người nông dân Chu Lai chân lấm tay bùn được nhìn thấy những chiếc ô tô ra đời ngay trên vùng cát hoang hóa quê mình. Ngay sau khi đặt chân đến Chu Lai, THACO khởi công xây dựng nhà máy xe tải, bus; thành lập trung tâm đào tạo và công ty vận tải biển với tàu container có trọng tải phù hợp để giải quyết 2 điểm nghẽn lớn của Quảng Nam thời bấy giờ là nhân lực và logistics.

Nhin-lai-15-nam-seu-lon-THACO-nen-duyen-cung-KTM-C

Cảng Chu Lai được đầu tư hiện đại, hướng tới trung tâm Logistics kiểu mẫu của miền Trung

Từ một nhà máy diện tích 38 ha, “đại bản doanh” của Trường Hải - THACO tại Chu Lai ngày càng mở rộng và phát triển với tốc độ “chóng mặt”. Năm 2007, THACO đưa nhà máy sản xuất lắp ráp xe du lịch THACO-Kia có công suất 30.000 xe/năm với diện tích 20ha vào hoạt động được chuyển giao công nghệ từ Tập đoàn Kia Motors - Hàn quốc, THACO trở thành công ty đầu tiên tại Việt Nam lắp ráp đầy đủ các chủng loại xe: Tải, bus và du lịch.

Thành công nối tiếp thành công, năm 2010, THACO bước vào chu kỳ đầu tư lớn thứ 2 tại Chu Lai với các dự án chủ lực: Nhà máy xe Bus chuyên biệt với diện tích 14,3 ha và công suất 5.000 xe/năm với dòng xe Bus mang thương hiệu THACO; Nhà máy sản xuất, lắp ráp dòng xe du lịch Mazda công suất 10.000 xe/năm với diện tích 7,5 ha được chuyển giao công nghệ từ tập đoàn Mazda-Nhật Bản; Tổ hợp Cơ khí từ sản xuất vật liệu thép, gia công, chế tạo các chi tiết phụ tùng cơ khí đến nhiệt luyện các chi tiết phụ tùng cơ khí và chế tạo khuôn mẩu công suất 300.000 sản phẩm/năm với diện tích 19 ha... THACO đã làm chủ công nghệ gia tăng hàm lượng nội địa hóa cho các dòng xe du lịch đạt 17 đến 22%, xe tải từ 35-4-% và xe bus trên 60%.

Để giải quyết 2 bài toán khó cho Khu KTM Chu Lai và tỉnh Quảng Nam về nguồn nhân lực và logistics. Từ năm 2005, trước những khó khăn về giao nhận vận chuyển, ông Trần Bá Dương – Chủ tịch HĐQT THACO đã có một quyết định rất táo bạo, đó là đầu tư mua tàu biển và xây dựng cảng. Năm 2012, cảng Chu Lai với công suất 3 triệu tấn/năm đã được khánh thành và đưa vào hoạt động. Đó là điểm nhấn của trung tâm Logistic kiểu mẫu tại miền Trung.

Không dừng lại ở đó, THACO cũng chú trọng đầu tư nguồn nhân lực chất lượng cho địa phương với sự ra đời của Trường cao đẳng nghề. Ông Nguyễn Tri Ấn, Bí thư Huyện ủy Núi Thành chia sẻ: “Nếu như trước đây, phần lớn lao động địa phương thường tìm việc làm ở các tỉnh phía Nam thì bây giờ dòng chảy lao động lại đi ngược lại. Không còn cảnh sau Tết là hàng loạt lao động địa phương phải đón xe vào Nam nữa. Số lao động người Núi Thành làm việc tại THACO hiện nay là trên 4.700 người, chiếm tỷ lệ gần 55% lao động toàn Khu phức hợp, cùng với đó là rất nhiều người lao động gián tiếp.

Thoát “ao làng”, vươn tầm thế giới

Trong bối cảnh thuế suất ô tô nhập khẩu về 0%, nhiều doanh nghiệp ô tô chuyển sang kinh doanh xe nhập khẩu thì THACO vẫn kiên định con đường đầu tư phát triển sản xuất lắp ráp trong nước, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Đây là tâm huyết và cũng là cam kết của THACO với Chính phủ nhằm góp phần phát triển sản xuất ô tô có quy mô, từng bước cạnh tranh được trong khu vực và quốc tế.

truonghai

Vòng xoay 600 tỷ THACO xây tặng tỉnh Quảng Nam nằm giưa QL1 và đường sắt Bắc - Nam với trục chính từ Chu Lai đến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Nam

Để chuẩn bị hội nhập, THACO chủ động điều chỉnh quy hoạch, mở rộng và nâng cấp KCN cơ khí và ô tô theo hướng KCN thông minh; chú trọng nâng cấp và đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại.

Nhà máy Bus Thaco công suất 20.000 xe/năm do THACO làm chủ hoàn toàn thiết kế, sản xuất nên dòng xe khách mang thương hiệu Việt. Sản phẩm cũng được xuất khẩu sang một số nước ASEAN như Thái Lan, Philippines.

Nhà máy THACO Mazda công suất 100.000 xe/năm với định vị là nhà máy sản xuất xe du lịch Mazda hiện đại nhất Đông Nam Á, được chuyển giao công nghệ từ Tập đoàn Mazda Nhật Bản. Hiện nay, sản phẩm do THACO Mazda sản xuất có chất lượng tương đương với nhà máy Mazda tại Hiroshima theo đánh giá của Mazda Nhật Bản.

Trong quá trình đầu tư phát triển, THACO đã đóng góp vào ngân sách tỉnh Quảng Nam hơn 70.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 8.000 lao động; đồng thời và thể hiện trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng thông qua các hoạt động an sinh xã hội tại địa phương, đưa Quảng Nam từ một tỉnh khó khăn thành tỉnh khá của cả nước.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.