Cảnh sống nghèo đói, tạm bợ trong những túp lều tuềnh toàng sát mép nước, chui rúc trong những tấm bạt quây trong con thuyền gỗ trên mặt nước đầy ô nhiễm... chỉ còn là ký ức.
Hiện thực hóa khát vọng lên bờ
Cái khó là hiện nay người dân Kim Lai vẫn muốn gắn bó với nghề sông nước nên ngoài nghề nuôi cá lồng, địa phương đang định hướng cho họ phát triển thêm nghề vận tải thủy. Nghề này cần nguồn vốn lớn. Nếu đóng hết số tiền còn nợ và đóng thêm hơn 100 triệu đồng nữa họ mới được dùng “sổ đỏ” để thế chấp vay vốn. Lúc đó, các hộ ở đây mới có để đầu tư phát triển nghề vận tải thủy và mở thêm một số ngành nghề mới.
Ông Lê Hồng Tuấn, Phó chủ tịch UBND phường Ngọc Châu
Nằm ven sông Thái Bình, phố Kim Lai, phường Ngọc Châu, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương nhộn nhịp, khang trang với những ngôi nhà cao tầng, hàng quán san sát, từng khu đô thị mới mọc lên.
Anh Hoàng Xuân Phúc (48 tuổi, phố Kim Lai) lộ rõ vẻ phấn khởi trong căn nhà hai tầng với đầy đủ tủ lạnh, tivi, máy giặt… Không chỉ sống được với nghề nuôi cá lồng, anh còn tích luỹ được chút “của ăn của để”.
Gần chục năm trước, anh Phúc cũng như gần 500 hộ dân làng chài Kim Lai không bao giờ nghĩ đời mình lại có ngày được sống ổn định như hôm nay. “Ngày xưa ở làng chài, nhà nào khá lắm thì cất được cái nhà sàn bằng tre, gỗ, chắp vá những mảnh tôn che nắng, che mưa. Mà cũng phải nhà nào vợ chồng con cái khoẻ mạnh thì mới dành dụm, chắt chiu để có cái “nhà” như thế. Còn đa phần, chúng tôi sống trên thuyền, vá những mảnh bạt lại, quây trùm quanh những cái cọc được đóng xung quanh thuyền, thế là có nhà”, anh Phúc kể.
Anh Trần Văn Nguyên, một hộ dân khác của phố Kim Lai tiếp lời, những ngày sống lênh đênh trên sông nước ấy, chỉ mong trời... râm. Bởi nắng xuyên qua bạt thì nóng, mà mưa thì dột. Sợ nhất là những ngày bão, “nhà” dưới thuyền hay ven bờ đều ngập nước, gió táp tả tơi. “Trẻ con thì phần đông không đi học, đứa nào được học thì cũng ngày đi, ngày bỏ, bởi còn theo thuyền mưu sinh cùng bố mẹ”, anh Nguyên cho hay.
Ông Lê Hồng Tuấn, Phó chủ tịch UBND phường Ngọc Châu xác nhận, làng chài Kim Lai ngày ấy là nỗi lo lắng, bận lòng của chính quyền, cơ quan chức năng nơi đây. Bởi làng chài hình thành từ khoảng năm 1950-1960, có tới 450 nhân khẩu thuộc hơn 50 hộ. Họ là người dân phiêu bạt khắp nơi từ Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Nghệ An... đến quây tụ ở khúc sông này.
Ông Vũ Xuân Toàn, nguyên Trưởng khu dân cư số 16 phường Ngọc Châu nhớ lại, năm 2007, khi ông làm Trưởng khu, hơn 85% số dân Kim Lai không biết đọc, biết viết. Ban ngày, các hộ dùng thuyền đi đánh bắt cá, tối về neo tại khúc sông này nấu ăn, tắm giặt, sinh hoạt... khiến cả một đoạn sông ô nhiễm.
Cuộc sống nghèo đói và lênh đênh trên sông nước khiến chỉ khoảng 20-25% trẻ em được đến trường. Ngoài nghề chài lưới, công việc chính của lao động Kim Lai là làm cát. Thanh niên trai tráng cứ đi biền biệt theo những con tàu hút cát khắp các dòng sông trong và ngoài tỉnh. Đa phần là hút cát trái phép nhưng cũng chật vật quanh năm “bữa no, bữa đói”.
“Giờ thì nơi đây là khu dân cư mới của làng chài Kim Lai”, ông Tuấn hồ hởi chỉ tay vào những dãy nhà hai ba tầng san sát, thi thoảng có những chiếc ô tô đậu trước cửa nhà, trên con đường bê tông phẳng đẹp. Theo ông Tuấn, hơn 10 năm nay, hàng trăm hộ dân ở đây đã không còn sống trong cảnh sông nước. Họ đã lên bờ, xây nhà, có công việc ổn định, kinh tế phát triển, con cái được học hành đến nơi đến chốn…”.
Đổi đời
Ông Tuấn nhớ lại, đến năm 2008, UBND tỉnh quyết định quy hoạch vùng định cư mới cho dân làng chài. Người dân được cấp đất lên bờ, được làm thủ tục nhập khẩu, nhiều đứa trẻ lúc đó mới được chính thức khai sinh, có những đứa trẻ lần đầu tiên được đến trường.
Lúc đó, UBND tỉnh ban hành Quyết định 1429 phê duyệt kế hoạch đấu thầu hạ tầng khu dân cư Kim Lai giá trị gần 17 tỷ đồng theo cơ chế giao cho đơn vị thắng thầu xây dựng cơ sở hạ tầng. Các hộ dân được giao đất phải nộp tiền xây dựng cơ sở hạ tầng từ 0,8 - 1 triệu đồng/m2 trên lô đất 60m2. Đến nay, đã gần 300 hộ dân ở làng chài Kim Lai được cấp đất xây nhà ở.
Khi mới lên bờ, nhiều người dân vốn chỉ quen với nghề sông nước nên cuộc sống gặp không ít khó khăn. Chưa tìm được nghề mới, nhiều hộ lại quay về nghề cũ. Việc này khiến lãnh đạo địa phương và TP Hải Dương băn khoăn, suy tính.
Để mở ra hướng mới, phường Ngọc Châu quyết định tổ chức họp dân để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng mọi người. Ngay sau đó, những lớp dạy nghề may, sửa chữa điện, điện tử lần lượt được mở ra. Phường Ngọc Châu tiếp tục xin lãnh đạo cấp trên xây dựng đề án phát triển 6.000m2 mặt nước để người dân nuôi cá lồng phát triển kinh tế.
Nghề mới này đã thu hút được nhiều người dân Kim Lai trở về lập nghiệp. Người dân còn được hỗ trợ vay vốn để phát triển sản xuất. Mới đầu chỉ vài ba hộ tham gia, sau thấy hiệu quả nên nhiều hộ đăng ký học và làm theo. Vẫn bám sông để kiếm sống nhưng giờ đây thu nhập từ nuôi cá lồng cao gấp nhiều lần so với những nghề cũ. Đến nay, ở Kim Lai đã có hơn 20 hộ nuôi cá lồng với diện tích khoảng 1.500m2. Họ đã thành lập một HTX chuyên chuyển giao khoa học kỹ thuật và hỗ trợ nhau về giống, vốn.
Có điều kiện phát triển kinh tế, người dân Kim Lai càng hiểu rõ việc không biết chữ sẽ khó thực hiện được giấc mơ đổi đời. Vì vậy không cần vận động, ngay khi lên bờ họ lần lượt xin cho con đi học ở các trường trong phường và khu vực lân cận.
Anh Nguyễn Văn Tả ở ngõ 1, khu 16, phường Ngọc Châu cho biết, biết chữ thôi chưa đủ, người dân làng chài Kim Lai còn tính cho con em mình học cao để bay xa. Chỉ tính 5 năm trở lại đây, làng chài Kim Lai đã có hơn 20 em học đại học, cao đẳng. Nhiều người ra trường làm trong cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp nước ngoài. Một số đã tìm kiếm cơ hội sang các nước Nhật Bản, Hàn Quốc để làm việc.
Đến nay, đã có hàng trăm hộ dân ở Kim Lai xây được nhà kiên cố, nhà cao tầng. Một số người mở cửa hàng buôn bán, làm dịch vụ rửa, sửa xe hoặc đi làm công nhân tại các doanh nghiệp, nhà máy với mức thu nhập ổn định từ 5-8 triệu đồng/người/tháng. Hiện, thu nhập bình quân đầu người ở Kim Lai đã đạt khoảng 40 triệu đồng. Trước năm 2010, làng chài Kim Lai có gần 100 hộ thuộc diện nghèo thì nay chỉ còn vài ba hộ có hoàn cảnh khó khăn.
“Hơn 10 năm định cư, được sự giúp đỡ của chính quyền, các ngành chức năng, người dân Kim Lai đã ổn định cuộc sống, và giờ là tìm kiếm cơ hội làm giàu để có cuộc sống sung túc, đủ đầy”, anh Hoàng Xuân Phúc (48 tuổi) nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận