Tâm sự

Hành trình trở thành tiếp viên Vietnam Airlines

29/11/2017, 06:12

“Hoàn cảnh chỉ đơn thuần là cái để bạn hạnh phúc nhiều hơn khi mọi cố gắng đã được đền đáp…”

3

Tiếp viên trẻ Trần Công Vinh

25 tuổi mới lần đầu biết đến máy bay

Con đường đến với nghề tiếp viên hàng không đối với Trần Công Vinh như một giấc mơ. Bởi cách đây không lâu, Vinh chưa một lần nghĩ đến việc mình sẽ trở thành tiếp viên hàng không. Thậm chí, đến 25 tuổi, chàng thanh niên này mới lần đầu tiên được đi máy bay. “Em không xuất thân từ một gia đình khá giả, thậm chí miếng cơm manh áo hàng ngày đã là cả một vấn đề. Trong khi các bạn bè cùng trang lứa ai cũng ít nhất vài lần đi máy bay, có những chuyến du ngoạn dài ngày tới những miền đất xa xôi thì đến 25 tuổi, em lần đầu tiên được biết đến “con chim sắt khổng lồ” như thế nào, nhờ sự giúp đỡ từ một vài người bạn”, Vinh nói và chia sẻ: “Qua ô cửa sổ máy bay, những mảng đất từ từ nhỏ dần, những con sông dài ngoằng được thu lại trong tầm mắt. Ngay lúc đó, em cảm thấy mình giống như một chú ếch vừa được ai đó tóm ra khỏi cái miệng giếng của mình. Đấy cũng là lần đầu tiên em được tiếp xúc với những tiếp viên hàng không “bằng xương, bằng thịt” mà không phải qua ti vi, qua internet. Có lẽ, tình yêu với nghề tiếp viên đã nhen nhóm từ lúc đó mà em chưa cảm nhận được hết”.

“4 tháng sau chuyến bay đầu tiên, em đã có một quyết định bất ngờ, không chỉ với bạn bè, người thân mà ngay cả với bản thân em, đó là nộp đơn xin thôi công việc nhân viên truyền thông mà em đã theo đuổi gần 1 năm. Là một cử nhân ngành Du lịch lữ hành, tình yêu, đam mê của em là được đi đây đó, đến những vùng đất mới, tiếp xúc với những con người mới. Trong số rất nhiều công việc dự định thử sức, em đã quyết định cho mình cơ hội thử làm tiếp viên hàng không.

Thỏa ước mơ bay

“Từ những năm đầu đại học, bắt đầu với những công việc đầu tiên là hướng dẫn viên du lịch, rồi là MC trong những chương trình, sự kiện lớn nhỏ, một nhân viên truyền thông đòi hỏi sự sáng tạo hàng ngày, nhưng tuyệt nhiên, trong đầu em chưa bao giờ nghĩ mình sẽ là tiếp viên hàng không”, Vinh nói.

Những ngày kế tiếp, em bắt đầu dồn sức tìm hiểu về nghề tiếp viên hàng không. Càng thêm thông tin, càng biết rõ về nghề này, em lại càng thêm yêu công việc, ước mơ làm tiếp viên hàng không ngày càng thôi thúc.

Bà Vũ Thị Kim Cúc, Phó phòng Đào tạo - Tiếp viên trưởng Đoàn Tiếp viên Tổng công ty hàng không Việt Nam cho biết, tiếp viên nữ phải đạt chiều cao tối thiểu 1m58, nam đạt 1m65, trình độ tiếng Anh tối thiểu đạt 550 điểm TOEIC. Cùng với đó, các tiếp viên phải biết giao tiếp bằng lời nói và hình thể, nhất là phải luôn mỉm cười. Kế đó, tiếp viên phải có sức khỏe để có thể hành trình trên những chuyến bay dài, phải chịu áp lực công việc và cuối cùng là phải biết quan tâm, yêu thương người khác để phục vụ hành khách một cách tốt nhất.

“Em đã lên cho mình một kế hoạch chi tiết những việc cần phải làm. Nhưng thực tế thường khác xa với suy nghĩ. Có quá nhiều khó khăn, trong đó tiếng Anh là một trong những điều kiện tiên quyết và căn bản. Khoảng thời gian dài không dùng tiếng Anh sau khi tốt nghiệp đại học khiến em gần như “trầm cảm” với con số 550 điểm TOEIC theo yêu cầu của Vietnam Airlines. Sau 3 tháng, với… 10 lần thi, em được 565 điểm”, Vinh kể lại.

“Sau tiếng Anh, là những kiến thức xã hội, giao tiếp, ứng xử, hình thức bên ngoài. Tiếp viên hàng không không yêu cầu bạn phải thực sự quá đẹp, tuy nhiên phải ưa nhìn. Em bắt đầu tập gym, kiểm soát cân nặng và sự cân đối của hình thể… Sự chuẩn bị chu đáo đã giúp em tự tin hơn khi đến với buổi phỏng vấn và có mặt trong danh sách trúng tuyển”, Vinh nói và bồi hồi chia sẻ: “Em nhớ như in cảm giác nhận được tin nhắn trúng tuyển. Hơn một năm trôi qua từ ngày nhận được tin nhắn trúng tuyển của Đoàn Tiếp tiên, em bây giờ đã là một tiếp viên hàng không thực sự, đã hoàn thành 3 tháng học, thực tập bay và có được chuyến bay đầu tiên của mình”.

Chia sẻ với những bạn trẻ đang có ước mơ bay, Vinh nói: Dù bạn là ai, bạn đang ở trong hoàn cảnh như thế nào, chỉ cần bạn thực sự yêu thích và cố gắng, tôi tin rằng bạn sẽ thành công.

“Cuộc sống của mỗi người là một quyển sách rất riêng. Em không biết quyển sách của cuộc đời mình sẽ dày đến bao nhiêu, đẹp - xấu như thế nào. Nhưng em vẫn đang miệt mài viết tiếp từng câu chuyện của mình, ít ra sau này còn có cái để nhớ… Sáng mai em có chuyến bay sớm, chuyến bay mà với em không chỉ là công việc, đó còn là tình yêu”, Vinh nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.