Vượt khó khăn kép
Cầu Hưng Đức có tổng chiều dài 4.036m gồm 90 nhịp, với 8 cầu thành phần. Trong đó, Công ty TNHH Hòa Hiệp thi công 4 cầu thành phần, gồm cầu vượt sông Lam, cầu vượt bãi giữa sông Lam, cầu vượt đê La Giang, cầu dẫn phía Nam đê La Giang với tổng cộng 30 nhịp, dài 1,5km.
Việc triển khai thi công được bắt đầu từ tháng 4/2022, ngay từ những ngày đầu đã gặp khó khăn về đường tiếp cận. Vị trí cầu nằm giữa sông, có vị trí thi công nằm trong hành lang bảo vệ đê nên việc vận chuyển vật liệu bằng đường bộ gần như bất khả thi.
Chưa hết, theo kế hoạch ban đầu, đoạn từ đê La Giang ra bờ sông La sẽ mượn đường đất của dân để đưa thiết bị, vật liệu ra thi công cầu Hưng Đức. Nhưng khi bắt tay vào làm, người dân lại ngăn cản.
"Sau rất nhiều lần thỏa thuận với người dân nhưng không thành, các nhà thầu thi công đoạn này đã bỏ tiền túi 10 tỷ đồng ra để đắp đường công vụ và 200m cầu tạm dọc tuyến chính", kỹ sư Lê Đức Tùng, Chỉ huy trưởng Công ty TNHH Hòa Hiệp kể.
Anh cho hay, cầu dài tới 90 nhịp, các trụ nằm ở cả dưới nước và trên cạn nên địa chất cũng khác nhau và rất phức tạp. Có những cọc khoan nhồi gặp phải hang cát sâu 12-13m gây hiện tượng sạt lở thường xuyên. Ngược lại, có những cọc lại gặp đá cứng, những mũi khoan bình thường hiệu quả rất thấp.
Hình ảnh những ngày đầu triển khai dự án, nhà thầu dựng cầu tạm để thi công cầu.
Bằng kinh nghiệm và sự quyết tâm cao, Hòa Hiệp đã nhanh chóng bổ sung thiết bị khoan đá hiện đại, bổ sung ống vách, chấp nhận tốn kém về kinh phí nhưng ngược lại, việc thi công chuyển biến tích cực.
Chưa hết, quá trình thi công cầu Hưng Đức, các nhà thầu còn gặp vô vàn khó khăn vì thời tiết khắc nghiệt. Hai năm thi công (2022, 2023) đều có mưa lũ lớn, gây thiệt hại nặng nề, gián đoạn tiến độ. Để thi công các trụ dưới nước, có những thời điểm đơn vị phải dùng sà lan làm cầu tạm để vận chuyển bê tông.
Cũng do bất khả kháng nên phải mất 1 năm (đến đầu 2023) công trình mới có điện lưới để thi công vị trí giữa sông. Còn trước đó, Hòa Hiệp phải sử dụng máy phát điện công suất lớn, lượng dầu tiêu thụ hàng tháng khoảng 400-500 triệu đồng.
Trong 30 tháng triển khai thi công cầu Hưng Đức, suốt thời gian dài xảy ra mưa lũ khiến cầu tạm bị trôi một phần, lán và bãi thi công chìm sâu trong nước.
Chất lượng là hàng đầu
Cũng là một trong những nhà thầu có khối lượng lớn khi thi công cầu Hưng Đức, đặc biệt là 2 trụ T14 và T15 nằm ở giữa sông Lam, song đến nay Công ty Thái Yên cũng đã thi công được trên 98% sản lượng, vượt 1 tháng so với kế hoạch đề ra.
Ông Nguyễn Trọng Minh, Phó giám đốc Công ty Thái Yên cho biết, dự án Diễn Châu - Bãi Vọt được ký hợp đồng BOT từ giữa tháng 5/2021. Tuy nhiên, sau khi thành lập doanh nghiệp dự án, công trình vẫn "dậm chân tại chỗ" vì chưa huy động được nguồn vốn tín dụng.
Sau rất nhiều nỗ lực của liên danh nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án trong đàm phán với các ngân hàng, cùng với đó là sự đồng hành, hỗ trợ từ Bộ GTVT, đến giữa tháng 2/2022, hợp đồng tín dụng được ký kết với số vốn vay lên đến 3.560 tỷ đồng. Ngặt nỗi, điều kiện để giải ngân rất khắt khe: thời gian đầu, khối lượng thi công hoàn thành phải được thanh toán từ 50% vốn chủ sở hữu (tương đương 511 tỷ đồng).
Trong khi đó, sau dịch bệnh Covid-19, kinh tế khó khăn, giá xăng dầu tăng "phi mã", kéo theo giá cước vận chuyển, giá nguyên vật liệu tăng theo. Ước tính, thời điểm cao nhất, giá xăng dầu tăng đến 40%, còn giá thép tăng hơn 30%... Thế nhưng, hợp đồng BOT là hợp đồng trọn gói, không có bù giá.
Việc triển khai thi công cầu Hưng Đức còn gặp rất nhiều khó khăn khác, trong đó có bão giá nguyên vật liệu.
"Nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, thường xuyên của lãnh đạo Bộ GTVT, Ban QLDA 6, các khó khăn dần được tháo dỡ. Đến gần 1 năm sau (tháng 4/2022), các nhà thầu bắt đầu triển khai thi công.
Với tinh thần "chỉ tiến không lùi", làm xuyên lễ Tết, tiến độ được rút ngắn. Riêng với Thái Yên, dù khối lượng còn không nhiều nhưng hiện trên công trường vẫn có đến 150 kỹ sư, công nhân với hơn 30 thiết bị công suất lớn, hiện đại", ông Minh nói.
Xuất phát chậm, về đích sớm
Riêng 4 trụ giữa sông Lam (từ T13 - T16), Thái Yên thi công 2 trụ (T14 và T15) với tổng chiều dài đúc hẫng lên đến 240m. Khối lượng gấp đôi, cùng 1 xe đúc hẫng nhưng nhờ làm tốt công tác chuẩn bị, huy động kỹ sư, công nhân chuyên nghiệp, tăng thời gian thi công nên vẫn bám kịp tiến độ so với các đơn vị khác.
Song song với tiến độ, chất lượng công trình được các nhà thầu đặc biệt quan tâm. Theo kỹ sư Nguyễn Trung Chính, tư vấn trưởng Công ty CP Tư vấn thiết kế cầu lớn – hầm (Britec), cầu Hưng Đức dài hơn 4km, nằm trên địa phận của 2 tỉnh và vượt sông, vượt đê.
Để hạn chế thấp nhất sai sót, ngay từ đầu, công ty đã đặt 2 văn phòng nằm ở 2 bờ Nghệ An và Hà Tĩnh, bố trí đủ nhân lực để đồng hành 24/24h cùng với các nhà thầu.
Nhờ vậy, dù xuất phát chậm so với kế hoạch nhưng đến nay cầu Hưng Đức vẫn vượt tiến độ so với kế hoạch.
Công trình do 5 nhà thầu là Công ty TNHH Hòa Hiệp, Công ty CP tập đoàn Cienco4, Công ty CP Đầu tư xây dựng Thái Yên, Công ty TNHH Đại Hiệp và Công ty CP 456 thi công.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận