Hanjin dự kiến bán nửa số tàu hãng sở hữu, trả gần hết tàu về chủ để thu nhỏ quy mô hoạt động |
Sau hai tuần kể từ khi nộp đơn xin phá sản, Tập đoàn Vận tải Hanjin tính đến chuyện bán tàu để trả nợ và các đối tác cho Hanjin thuê tàu phải xoay trăm bề để cứu tàu.
Trả tàu thuê về chủ, bán nửa số tàu
Kể từ khi Tập đoàn Vận tải Hanjin nộp đơn xin phá sản, hơn 60 tàu chở hàng trị giá 14 tỉ USD không được vào cảng dẫn đến kẹt trên đường biển ở cả Mỹ, châu Á, châu Âu vì các cảng, công ty xử lý hàng hóa lo ngại Hanjin không trả tiền. Thông báo của Chính phủ Hàn Quốc cho biết, 73 tàu vẫn lênh đênh trên biển, trong đó 37 tàu sẽ quay trở về Hàn Quốc, phần còn lại vẫn lênh đênh gần cảng nhưng lo sợ sẽ bị chủ nợ tóm giữ, theo Reuters.
Một người thân cận với Hanjin cho biết, cơ quan này đang cân nhắc một loạt các kịch bản tái cơ cấu công ty. Tuy nhiên, tập trung vào phương án bán hơn nửa số tàu Hanjin sở hữu. Theo đó, tính đến đầu tháng 9, công ty có tổng cộng 141 tàu; trong đó có 97 tàu container (bao gồm 60 tàu thuê và 37 tàu thuộc sở hữu của Hanjin).
Theo kế hoạch, Hanjin sẽ chỉ giữ lại 15/37 tàu; trả lại gần hết 60 tàu thuê. Trong tuần qua, Hanjin xác nhận trả 5 tàu. Nếu phương án trên được tòa án phá sản thông qua, Hanjin sẽ thu nhỏ quy mô từ hãng vận tải lớn thứ 7 thế giới xuống quy mô nhỏ, chịu trách nhiệm vận tải một phần nhỏ xuất khẩu của Hàn Quốc. Vì thông tin này, 10h30 ngày 19/9, Bloomberg đưa tin, giá cổ phiếu của Hanjin trượt giá 6,6% còn 1.200 won (gần 24 nghìn đồng/cổ phiếu) - mức sụt giảm nặng nhất trong hai tuần trở lại đây.
Trong bối cảnh đó, các đối tác cho Hanjin thuê tàu như: Tập đoàn Danaos, Tập đoàn Navios Maritime Partners LP and Seaspan... bị thiệt hại nặng nề, lên tới hơn 1 tỉ USD; riêng Danaos thua lỗ 560 triệu USD. Giám đốc điều hành Danaos - ông Iraklis Prokopakis cho biết: “Chúng tôi có 8 tàu cho Hanjin thuê và 5 tàu đã bị trả về; 3 tàu khác đang thực hiện nốt đơn hàng. Tôi không biết số phận của 3 tàu này ra sao”. Ông Prokopakis cho rằng, vấn đề chính là Tòa án Hàn Quốc sẽ ra phán quyết vào tháng 12 tới quyết định Hanjin đủ tài chính để tiếp tục hoạt động dù ở quy mô nhỏ hay không. Nhưng, chủ nợ chính của Hanjin là Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc của Nhà nước không thể hiện ý định sẽ bơm tiền cho Hanjin.
Dự đoán là vậy nhưng bán tàu không phải dễ. Phần lớn tàu của Hanjin đều thuộc loại tàu Panamax, tức là tàu chở hàng có tổng trọng tải 55 - 80 nghìn DWT và chiều rộng không vượt quá 32,2m - giới hạn có thể đi qua kênh đào Panama, có thể chở khoảng 10 nghìn container. Loại tàu này sẽ sớm lỗi thời trong bối cảnh kênh đào Panama vừa mở rộng quy mô vào đầu năm nay, cho phép tàu chở 12 nghìn container đi qua.
Bán tàu để cứu mình
Về phần mình, các công ty cho tập đoàn này thuê tàu cũng đang gấp rút bán tàu để tự cứu mình. Theo đó, ngày 15/9, Reuters dẫn số liệu từ công ty định giá tàu thuyền VesselsValue cho biết, 3 tàu chở hàng được sử dụng để chở các loại hàng hóa như lõi sắt, than và ngũ cốc đã được các bên cho thuê của Hanjin bán với tổng giá gần 39 triệu USD.
Tàu lớn nhất được bán có tổng tải trọng 180 nghìn DWT hiện mang tên Hanjin Matsuyama nay được công ty vận tải của Nhật Kumiai Senpaku bán cho Công ty Vận tải Winning của Singapore với giá 22,75 triệu USD. Một quan chức tại Winning cho biết, thỏa thuận chưa hoàn tất. Con tàu 5 năm tuổi được bán đứt, không cho thuê đồng nghĩa Tập đoàn Hanjin không còn là chủ thuê của con tàu này.
Hai tàu khác cũng được bán đứt là tàu cỡ vừa tổng tải trọng 37 nghìn DWT được bán cho các đối tác Hy Lạp. Nhiều nhà môi giới tàu khác thân quen với vấn đề này cho biết, hai tàu container mang tên Hanjin Marine và Hanjin Mar trị giá khoảng 18 - 22 triệu USD đang được rao bán.
Trong bối cảnh Hanjin đang gặp khó khăn, chưa rõ tương lai, nhiều chuyên gia môi giới tàu dự đoán sẽ thêm nhiều tàu Hanjin được đưa ra thị trường rao bán.
Đầu tuần trước, Chính phủ Hàn Quốc cho biết, sẽ yêu cầu tòa án bảo vệ tàu Hanjin khỏi chủ nợ tại Tây Ban Nha, Đức, Hà Lan và Italia. Trong tuần này, Chính phủ Hàn Quốc tiếp tục thực hiện động thái pháp lý tương tự tại các nước như: Australia, Ấn Độ, Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất. Hiện, động thái pháp lý này đã có hiệu lực tại một số nước như: Mỹ, Nhật, Anh, Singapore và Hàn Quốc.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận