Tấm Cám là câu chuyện cổ tích quen thuộc với khán giả và từng được dàn dựng dưới nhiều hình thức như phim ảnh, sân khấu. Tới đây, vở diễn tiếp tục được ra mắt nhưng dưới bàn tay dàn dựng của một đạo diễn nước ngoài.
Loại bỏ bạo lực, thay đổi nhân vật trong cổ tích
Những ngày này, sân khấu Lệ Ngọc đang tất bật dàn dựng vở Tấm Cám chuẩn bị công diễn vào dịp Quốc tế thiếu nhi 1/6 tới đây. Vở có sự tham gia diễn xuất của các nghệ sĩ sân khấu Lệ Ngọc như: NSND Lệ Ngọc, Tạ Tuấn Minh, Kim Oanh… Phiên bản lần này được dàn dựng từ kịch bản của nhà văn Nguyễn Hiếu. Đặc biệt, đứng vai trò “cầm quân” chỉ đạo các nghệ sĩ lần này là đạo diễn người Singapore Chua Soo Pong.
Từng dựng nhiều vở diễn dân gian tại Việt Nam cũng như nước ngoài, đạo diễn Chua Soo Pong nhìn nhận, các vở cổ tích dân gian có nhiều điểm tương đồng nên không quá khó khăn để thực hiện. Đơn cử, Tấm Cám có những điểm giống với truyện nàng Lọ Lem Cinderella, chỉ khác về những chi tiết văn hóa của Việt Nam. Do đó khi thực hiện, ông sẽ nhấn mạnh về những nét văn hóa trong cách dàn dựng, sân khấu cũng như trang phục.
Dù vậy, đạo diễn người Singapore thừa nhận, dựng hài kịch thiếu nhi về một vở cổ tích dân gian không hề đơn giản. Bởi phải làm sao trong tiếng cười, khán giả vẫn thấy được những góc khuất của nhân vật và thấy được thông điệp ngầm của vở diễn. Ngoài ra, cũng phải cho khán giả thấy được rõ thời gian, không gian như thế nào. Diễn viên cũng phải biết kiểm soát tốt để không bị rơi vào trạng thái hưng phấn, diễn xuất quá đà. “Vở diễn lần này có nhiều diễn viên trẻ nhưng sau vài buổi làm việc, tôi thấy họ là những người rất chú tâm vào công việc, tập trung tập luyện”, đạo diễn Chua nhận xét về các nghệ sĩ Việt Nam.
Đạo diễn Chua cho biết, ông đã làm việc với nhà văn Nguyễn Hiếu về kịch bản và thống nhất bỏ đoạn Tấm làm mắm Cám và gửi cho dì ghẻ ăn. Theo vị đạo diễn gạo cội, những chi tiết bạo lực không phù hợp với trẻ em nên ông sẽ lược bỏ. Ngoài ra, vở diễn cũng không có sự xuất hiện của ông Bụt mà thay vào đó là hình ảnh của mẹ Tấm. Người mẹ sẽ luôn là người xuất hiện trong mọi lúc, mọi nơi khi người con cần đến mẹ. Qua đó, ông muốn tô đậm hình ảnh tình mẫu tử.
Thêm vào đó, một số chi tiết phi lý cũng được chỉnh sửa lại. Đạo diễn Chua tiết lộ, trong nguyên tác, Hoàng tử chỉ nhìn thấy giầy của Tấm rồi cho binh lính đi tìm chủ nhân chiếc giày. Ông thấy tình tiết này không hợp lý vì Hoàng tử thậm chí không biết mặt cô gái như thế nào nên sẽ thay đổi. “Tấm sẽ gặp Hoàng tử trên đường đi dạ hội nhưng không nhận ra chàng vì Hoàng tử đang mặc thường phục. Cả hai đã chạm mắt nhau và khi sự nhớ tới buổi dạ hội, Tấm chạy đi và bỏ lại chiếc giày. Hoàng tử đã cho thái giám và binh lính đuổi theo và đi tìm nhưng không được”, ông bật mí.
Thừa nhận chưa được xem nhiều phiên bản các vở diễn Tấm Cám khác nhưng theo đạo diễn Chua Soo Pong, phiên bản của ông sẽ được thêm nhiều phân đoạn múa và hát để hấp dẫn khán giả nhí.
Góc nhìn mới và thông điệp chung với thế giới
Đạo diễn Chua là người làm việc như một nhà khoa học, chính xác về giờ giấc, cuộc hẹn. Tôi nghĩ muốn kịch Việt Nam ra với thế giới phải nhờ con mắt của người bên ngoài nhìn vào như thế này.
NTK Sĩ Hoàng
Vị đạo diễn người Singapore khẳng định, trong quá trình dàn dựng, ông luôn cố gắng xây dựng tính cách nhân vật logic nhất, cho cả những nhân vật cũ và nhân vật mới. Để thông qua vở diễn, khán giả có thể nhận ra thông điệp rằng, cần phải yêu như thế nào và biết được tình yêu đúng đắn dành cho những đứa con, kể cả con ruột hay con ghẻ.
“Điểm chung của những vở diễn cho thiếu nhi ở cả Việt Nam và thế giới là luôn có những giá trị cần truyền đạt. Làm thế nào để dạy cho khán giả nhí trở nên chăm chỉ, tốt bụng hơn. Trong vở này, Tấm đã chuyển hóa nhiều kiếp sống. Cấu trúc câu chuyện này có nhiều trong chuyện cổ tích ở châu Á và hướng tới thông điệp rằng, đừng quá lo lắng về những sự phức tạp và khó khăn trong cuộc sống, bởi lúc nào chúng ta cũng có thể vượt qua”, đạo diễn Chua Soo Pong nhấn mạnh.
Đây có lẽ chính là lý do dù dựng một vở cổ tích quen thuộc của người Việt nhưng sân khấu Lệ Ngọc đã mời đạo diễn nước ngoài dàn dựng, để mang tới một góc nhìn mới và mang tính quốc tế hơn. Theo ông Nguyễn Thế Vinh, Giám đốc điều hành sân khấu Lệ Ngọc, vì Tấm Cám quá quen thuộc nên sẽ khó tạo sự hấp dẫn. Bản thân đạo diễn Chua Soo Pong lại có cách kể chuyện dễ hiểu, gần gũi và mang tính quốc tế hóa nên không chỉ giúp khán giả ở Việt Nam dễ tiếp cận mà cả khán giả quốc tế cũng có thể theo dõi. Được biết, sau khi công diễn vào dịp Quốc tế thiếu nhi 1/6 tới đây, vở sẽ được đưa đi tham gia Liên hoan Nghệ thuật biểu diễn thiếu nhi thế giới tại Toyama (Nhật Bản) năm 2020.
“Tấm Cám hay dù quen thuộc và rất Việt Nam nhưng cũng có những tương đồng với nhiều nước trên thế giới, nhất là trong mô-típ mẹ ghẻ, con chồng. Khi mang ra thế giới, vở diễn này sẽ dễ được đồng cảm hơn”, ông Vinh nhận định. Không tiết lộ kinh phí dàn dựng nhưng ông Vinh cho biết, kinh phí mời đạo diễn Chua Soo Pong dàn dựng vở cũng đỡ tốn kém hơn mời đạo diễn Việt Nam, vì ông Chua có mối quan hệ thân thiết với ông, cũng như là người làm việc vì tâm huyết cống hiến chứ không vì mục đích kiếm tiền.
Là người đảm nhận vai trò thiết kế phục trang cho vở diễn, NTK Sĩ Hoàng hé lộ, phục trang sẽ được nghiên cứu để bắt mắt nhất, vừa mang tính giải trí nhưng cũng thể hiện trọn vẹn tinh thần văn hóa dân gian, mang tính giáo dục về lịch sử cho người xem.
Đặc biệt lần này, NTK Sĩ Hoàng còn kiêm vai trò diễn viên với vai thái giám. Anh bộc bạch, đây là thử thách lớn vì khán giả Hà Nội rất kỹ tính và ê-kíp sân khấu làm việc nghiêm túc. Trong vai Thái giám xu nịnh và có tính phản diện, anh phải nhờ các giảng viên của trường Đại học Sân khấu điện ảnh giúp đỡ trong việc hóa trang cho ra tính cách nhân vật, cũng như nắn chỉnh giúp anh về đại từ, nhấn nhá câu chữ. Anh cười, ít khi có cơ hội làm diễn viên nên phải đầu tư để khi “ráp” với đạo diễn Chua Soo Pong và NSND Lệ Ngọc, họ sẽ thấy mình có chuẩn bị kỹ lưỡng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận