Một góc sân chơi tại Khu tập thể Thủy sản, Ngọc Khánh |
Lốp xe ô tô, thanh gỗ và dây thừng
Chỉ cần đầu tư chưa tới 5 triệu đồng, nhóm TP đã đem đến cho trẻ em ở Khu tập thể ngõ 30 Lương Định Của (Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội) một sân chơi đầy lý thú với khu cầu trượt, mô hình ô tô, bập bênh...
Chị Phạm Ngọc Bích, ở ngõ 30 Lương Định Của cho hay, trước đây khoảnh sân này trống không, nên luôn bị trưng dụng làm nơi để xe. Từ khi sân chơi có thêm đồ chơi, xe cộ không còn. Sau giờ tan học, trẻ em ùa xuống vui chơi chật cả sân. “Hà Nội “tấc đất, tấc vàng”, một sân chơi đích thực cho trẻ như thế này thật ý nghĩa”, chị Bích chia sẻ.
Hà Nội hiện có khoảng 2.100 điểm vui chơi dành cho trẻ em, tuy nhiên hơn 30% trong số đó có trang thiết bị sơ sài và đều xuống cấp. Cả nước hiện mới có hơn 38% xã, phường có khu vui chơi, giải trí cho trẻ em và gần như tất cả chưa đạt tiêu chuẩn an toàn. |
Tương tự, tại Khu tập thể Thủy sản (Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội) cũng đã “mọc” lên một sân chơi rất hấp dẫn lũ trẻ, với đủ xích đu, cầu trượt, bập bênh và cả khoảng tường với nhiều hình vẽ dễ thương. Ít ai ngờ, chỉ từ các vật liệu tưởng bỏ đi như: Lốp ô tô đã qua sử dụng, dây thừng, gỗ palet từ các thùng hàng..., các bạn trẻ nhóm TP “biến hóa” thành những đồ chơi hấp dẫn, tạo nên sân chơi thú vị cho trẻ em.
Chị Nguyễn Kim Đức (thành viên nhóm TP) cho hay, phần lớn nguyên liệu làm sân chơi được nhóm đi “xin” hoặc mua với giá rất rẻ, sau đó về “chế biến”, thiết kế và “xuất xưởng”. Đơn giản như chỉ với chiếc lốp, sau khi cắt ra làm đôi, gắn thêm thanh gỗ palet đã được gia công, thêm phần sơn màu là thành ngựa lắc, bập bênh; hay như với vài thanh gỗ, đoạn dây thừng và 1/4 cái lốp được cắt ra cũng đã thành xích đu; hoặc với vài chiếc lốp cũ được chôn nửa bánh chắc chắn dưới đất, tô vẽ màu sắc bắt mắt, các em nhỏ đã thêm có trò chơi nhảy trên lốp xe rất thú vị...
“Sau khi sân chơi đi vào hoạt động, nhóm TP đã nhận được những phản hồi tích cực từ các em. Tính đến thời điểm này, nhóm đã triển khai được gần chục sân chơi như vậy, không chỉ ở Hà Nội, mà còn ở Hội An, Hòa Bình”, chị Đức cho biết.
Giành lại sân chơi cho trẻ
“Những đứa trẻ thành phố luôn thiệt thòi vì thiếu không gian riêng, một sân chơi đích thực. Giành lại sân chơi cho trẻ chính là mục tiêu của dự án “Nghĩ về sân chơi trẻ em” mà nhóm TP đang triển khai”, chị Đức nói.
Đến thời điểm này, hầu hết các sân chơi mà nhóm bạn trẻ TP xây dựng đều có huy động sự đóng góp của nhiều tổ chức xã hội, cá nhân và của chính cư dân nơi thực hiện dự án. Chính vì vậy, ngoài 8 sân chơi đã được đưa vào sử dụng ở Hà Nội, Hội An và Hòa Bình, hiện nhóm TP cũng đang thiết kế, triển khai khoảng 5 sân chơi nữa trên riêng địa bàn Hà Nội.
“Để có thêm thật nhiều sân chơi cho trẻ, chúng tôi đang huy động sự hỗ trợ về nguyên vật liệu như: Lốp ô tô, gỗ palet... và nhân lực thực hiện dự án. Bên cạnh nhiều nguồn khác nhau, mới đây, nhóm cũng nhận được sự hỗ trợ từ các đơn vị bên ngành giao thông một số lượng lớn lốp ô tô đã qua sử dụng, giúp dự án thêm phát triển”, Kim Đức vui vẻ cho hay.
Cùng với một số tổ chức khác, hiện nhóm TP cũng đang xây dựng dự án cải tạo sân chơi cho trẻ em ở các khu tập thể cũ, nhằm mang lại một không gian vui chơi ý nghĩa cho trẻ. Bên cạnh đó, một dự án “sân chơi di động cho trẻ em phố cổ” cũng đang được nhóm ấp ủ thực hiện.
Theo bà Nguyễn Thị Hiền, chuyên gia nghiên cứu về không gian công cộng Hà Nội, dự án “Nghĩ về sân chơi trẻ em” đã làm một việc rất ý nghĩa đối với trẻ em thành phố, nơi không gian sống vô cùng chật chội.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận