Hồ sơ tài liệu

Hạt nhân Iran (kỳ 3): Sẵn sàng trả đũa

06/04/2015, 13:05

Nếu Mỹ tấn công Iran, Iran chắc chắn sẽ đáp trả.

src.adapt.960.high.iran_nuclear_site_1062013.13810
Bên ngoài một nhà máy hạt nhân Iran

Nếu Mỹ tấn công Iran, cho dù bằng một loạt các cuộc tấn công đường  không khá hạn chế nhằm vào một số nhỏ các mục tiêu liên quan đến hạt nhân, Iran chắc chắn sẽ đáp trả. Tehran sẽ có cả hai phương án quân sự và chính trị để đánh phủ đầu hoặc trả đũa.

Phi đối xứng, lựa chọn hàng đầu

Nhưng trước hết, một nước Iran bị Mỹ đe dọa sẽ có nhiều cách để gây nguy hại cho nước Mỹ và quyền lợi của Mỹ. Ngoài các vụ gây rối vượt biên giới ở Iraq, họ có thể hình thành một liên minh với al-Qaeda để hỗ trợ các cuộc tấn công mới quy mô lớn vào nước Mỹ. Họ có thể cộng tác với các nước sản xuất dầu thô khác để trừng trị nước Mỹ về kinh tế. Họ có thể áp dụng logic chiến tranh “phi đối xứng” hoặc chiến tranh “thế hệ thứ tư”, trong đó một đối thủ yếu bề ngoài tránh một thách thức trực tiếp với sức mạnh quân sự Mỹ và thay vào đó tấn công vào những điểm dễ bị tổn thương nhất trong xã hội dân sự Mỹ, như al-Qaeda đã làm vào 11-9-2001.

Cũng có thể là các đồng minh của Iran ở Afghanistan sẽ thực hiện các hành động tương tự, dù trên một quy mô nhỏ hơn nhiều. Phần lớn các nhà phân tích cũng nhận định rằng Iran sẽ hối thúc Hezbollah tấn công Israel.

Các phương án quân sự

Iran có thể thực hiện một đòn phản kích tức thời bằng tên lửa đánh vào Israel và các căn cứ Mỹ ở vùng Vịnh, kết hợp với những nỗ lực gây bất ổn cho Iraq và xúi giục đối đầu toàn diện giữa Mỹ và đa số người  Shiite ở Iraq. Iran cũng có thể gây bất ổn cho Saudi Arabia và các quốc gia vùng Vịnh khác có nhiều người Shiite sinh sống.

Iran có khoảng 500 tên lửa có khả năng phóng thuốc nổ cao, vũ khí hoá học hoặc vũ khí sinh hóa sang Israel và các đồng minh vùng Vịnh của Mỹ. Dù không mang tính quyết định trong chiến tranh, tuy nhiên, những cuộc tấn công kiểu này có khả năng gây thiệt hại đáng kể cho toàn bộ cơ sở sản xuất dầu và hơi đốt, lọc dầu và cung cấp dầu. Hạ tầng cơ sở quan trọng khác, như các sân bay, bến cảng, đường xá, cơ sở sản xuất điện và các công trình khác sẽ chịu thiệt hại không nhỏ.

Iran cũng có ý đồ phá vỡ và chặn nguồn tiếp tế dầu từ Vịnh và cả khu vực nói chung nếu họ bị tấn công. Điều này có thể thực hiện được thông qua việc thả thuỷ lôi trên Vịnh, tấn công các tàu chở dầu, phá huỷ các ống dẫn đi qua khu vực, và ném bom hoặc bắn tên lửa vào các cơ sở sản xuất và lọc dầu ở gần Iran. Các hành động quân sự này có thể tạo ra tăng giá dầu ồ ạt, làm thế giới lâm vào tình trạng đình đốn.

Iran cũng sẽ ở tư thế tấn công lực lượng Hải quân Mỹ trong vịnh Persic và khu vực xung quanh. Vì tuyến bờ biển nước này trải dài 2000 km phần lớn là núi non, các tàu Hải quân Iran có thể xuất kích từ căn cứ và tấn công tàu địch mà ít có khả năng cảnh báo trước. Trong khi đó, các tên lửa chống hạm đặt trên bờ có thể đánh các mục tiêu hầu như bất cứ đâu trong vịnh Persic và Vvnh Oman: Iran đã thành công đáng kể trong việc nới rộng tầm bắn của các biến thể tên lửa chống hạm đặt trên bờ được sản xuất trong nước và sử dụng tên lửa chống hạm tầm xa gắn trên trực thăng.

Nếu Iran quyết tấn công các căn cứ, cơ sở hoặc hạ tầng cơ sở của Mỹ hoặc khu vực, các quốc gia trong vùng có nguy cơ dính líu sâu hơn vào bất kỳ một cuộc chiến tranh tiếp diễn nào.

Các hành động chính trị có thể có

Ngoài các đối phó về quân sự trước một cuộc tấn công của Mỹ hoặc/và Israel, Iran cũng sẵn sàng với các bước đi chính trị. Động thái đầu tiên sẽ là thu hút, tranh thủ sự ủng hộ trong nước và quốc tế. Có lẽ rằng tất cả các thành phần của xã hội Iran sẽ đứng quanh Chính quyền Tehran, chống các hành động của Mỹ và ủng hộ cho chương trình hạt nhân nước nhà. Iran có thể sẽ lợi dụng cuộc tấn công để đẩy nhanh hoạt động của mình trên lĩnh vực này, hệt như Iraq đã làm sau khi Israel oanh tạc lò phản ứng Osiraq năm 1981. Trong tình huống bị một đòn tấn công phủ đầu đánh vào các cơ sở hạt nhân của mình, Iran có thể chính đáng lập luận rằng họ đòi hỏi vũ khí hạt nhân để chống xâm lăng và bảo vệ chủ quyền, tuyên bố ý định rút khỏi hiệp ước NPT và thay đổi xu thế quốc tế hiện hành.

Nga và Trung Quốc sẽ phản đối Mỹ trong trường hợp Mỹ tấn công Iran đơn phương. Liên minh châu Âu cũng không thể ủng hộ bước đi như thế. Phong trào Không liên kết đã ủng hộ Iran có quyền phát triển công nghệ hạt nhân cho mục đích dân sự và sẽ không nghi ngờ gì, sẽ đoàn kết quanh Iran trong tình huống quốc gia này bị tấn công. Tóm lại, Mỹ sẽ thấy mình bị cô lập hầu như hoàn toàn về ngoại giao, trong khi Iran sẽ rảnh tay hành động.

Nếu Mỹ tấn công thành công và khẳng định lại quyền thống trị toàn cầu về quân sự và dồn Iran vào tình trạng bị o ép, thì rủi ro cho nhân loại nói chung và cho các quốc gia Trung Đông là nghiêm trọng thực sự. Một cuộc tấn công của Mỹ, không có sự cho phép của Liên Hợp quốc, sẽ đưa thế giới quay lại tình trạng trước hai cuộc chiến tranh thế giới nhưng có vũ khí hạt nhân. Rất may, tình hình này đã không xảy ra, để thế giới có cơ hội theo dõi những pha đấu trí căng thẳng quanh bàn đàm phán dai dẳng như hôm nay./.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.