Bà Clinton trong bài phát biểu thừa nhận thất bại trước đối thủ Donald Trump sáng 9/11 |
Hậu bầu cử, nước mắt của bà Clinton đã rơi, trong khi giới quan sát lo ngại rằng, đã tới lúc phải “khóc thương” cho số phận của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong tay chính quyền tân Tổng thống Mỹ, theo Reuters ngày 13/11.
Chỉ trích cả Tổng thống và Giám đốc FBI
Hôm qua, theo Reuters, bà Clinton đã có cuộc điện đàm với các nhà tài trợ đảng Dân chủ, trong đó bày tỏ sự trách cứ đối với Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) James Comey.
Còn Newsmax TV dẫn lời Ed Klein, tác giả cuốn sách “Sự thật về Hillary Clinton” tiết lộ những câu chuyện về Clinton sau cuộc bầu cử Tổng thống 2016. Theo đó, trái với vẻ ngoài mạnh mẽ và nụ cười ngay cả khi thất bại trước Donald Trump hôm 9/11, cựu Ngoại trưởng Mỹ đã “khóc như mưa, như gió” khi nói về thất bại lần này. Ông Ed Klein kể: “Vào khoảng 6h30 sáng 9/11, bà ấy gọi cho một người bạn cũ. Bà ấy khóc đến nỗi không thể ngừng lại được”. Ông Ed Klein cho biết, người mình nhắc đến là một người bạn đã quen bà Clinton từ rất lâu.
“Bà ấy cho biết thậm chí còn rất khó để hiểu bà Clinton thực sự nói gì vì ứng viên đảng Dân chủ khóc rất dữ dội”. Klein không nêu cụ thể người phụ nữ “bạn lâu năm” của bà Clinton, nhưng tiết lộ thêm về nội dung cuộc điện thoại giữa hai người. Sau cùng thì bà ấy cũng hiểu được là bà Clinton đang chỉ trích ông James Comey, Giám đốc FBI và cả Tổng thống Obama vì đã không làm hết sức giúp mình”, Klein nói.
Cũng theo những gì Ed Klein kể, cựu Ngoại trưởng Clinton trách ông Obama đã không kịp thời ngăn chặn việc mở lại cuộc điều tra vụ email của FBI. Trong nước mắt, bà Clinton cho rằng, sự việc trên chính là một trong những nhân tố khiến bà thất bại nặng nề trước ứng cử viên đảng Cộng hòa trong cuộc đua vào Nhà Trắng.
Đã đến lúc “khóc thương” cho TPP?
Trong khi ứng viên đảng Dân chủ đang phải đối mặt với “cú sốc tinh thần” sau thất bại cay đắng hậu bầu cử, thì Tổng thống mới đắc cử Donald Trump đang gấp rút lên kế hoạch cho việc dọn tới Nhà Trắng.
Một trong những vấn đề “nóng hổi” được quan tâm hàng đầu hiện nay chính là số phận của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) dưới thời ông Trump, theo Reuters ngày 13/11. Cuối tuần trước, chính quyền Tổng thống Barack Obama tạm ngừng nỗ lực hối thúc Quốc hội thông qua Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đồng thời tuyên bố số phận của TPP sẽ do tân Tổng thống Donald Trump định đoạt.
Phó cố vấn An ninh Quốc gia Wally Adeyemo cho biết, ông Obama sẽ nỗ lực giải thích tình hình với lãnh đạo 11 quốc gia thành viên TPP tại cuộc họp Thượng đỉnh Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương diễn ra ở Peru vào tuần tới.
Đây là một tin được cho là “chẳng mấy tốt lành” đối với những quốc gia quan tâm và ủng hộ TPP từ trước tới nay. Bởi, các quan chức nội các của ông Obama và Phòng Đại diện thương mại Mỹ (USTR) nỗ lực vận động hành lang nhiều tháng qua đối với các nghị sĩ, để Quốc hội thông qua TPP trước khi ông chủ thứ 44 của Nhà Trắng mãn nhiệm.
Song, trong bối cảnh vị tỷ phú New York sẽ chính thức trở thành chủ nhân mới của Nhà Trắng, cùng với việc đảng Cộng hòa giành được đa số ghế trong lưỡng viện, giới quan sát lo ngại nhiều khả năng sẽ không có một “cái kết có hậu cho TPP”. Bản thân ông Donald Trump ngay từ khi tranh cử đã thể hiện rõ sự phản đối với TPP và luôn nhất quán với quan điểm này. Ông gọi TPP là “một thảm họa” và “sự cưỡng hiếp đối với nước Mỹ” và là một hiệp định mang nhiều việc làm ra khỏi nước Mỹ.
Trong khi theo người phát ngôn USTR Matt McAlvanah, đây là một tiến trình lập pháp và phụ thuộc quyết định của các lãnh đạo ở Quốc hội xem có đi tiếp trong vấn đề TPP hay không.
Trước đó, lãnh đạo phe đa số của đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ Mitch McConnell nói rằng, ông sẽ không lưu tâm đến TPP trong những tuần trước khi ông Trump tuyên thệ nhậm chức và số phận của TPP nay phụ thuộc vào ông Trump. Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan trước đó cũng đã tuyên bố, Hạ viện sẽ không tiến hành bỏ phiếu cho TPP.
Trong một diễn biến khác, hôm qua, phát biểu khi đang ở thăm New Zealand trước khi đến Morocco để tham gia Hội nghị Khí hậu Liên hợp quốc tại TP Marrakesh, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết, cho đến 20/1/2017, tức là khi nhiệm kỳ của ông Obama thực sự kết thúc, chính quyền đương nhiệm sẽ nỗ lực hết mình để giải quyết những thách thức mà hành tinh đang phải đối mặt với vấn đề biến đổi khí hậu.
Trước đó, ngay từ khi tranh cử, ông Trump cam kết sẽ xóa bỏ Thỏa thuận Paris, đồng thời đe dọa sẽ dừng tất cả các quỹ hỗ trợ của Mỹ cho các chương trình chống biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc.
Xem thêm video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận